Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp: Nâng cao giá trị sản phẩm

Minh Thu - 10:27, 31/03/2020

Thời gian qua, với các dự án nghiên cứu, phát triển cây trồng có thế mạnh, Cao Bằng đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.

Cán bộ nông nghiệp huyện Trà Lĩnh kiểm tra vườn quýt tại gia đình anh Hoàng Văn Phương, xóm Vững Bền, xã Quang Hán
Cán bộ nông nghiệp huyện Trà Lĩnh kiểm tra vườn quýt tại gia đình anh Hoàng Văn Phương, xóm Vững Bền, xã Quang Hán

Sau nhiều lần chuyển đổi nghề nhưng cuộc sống, gia đình vẫn gặp nhiều khó khăn do thu nhập chưa cao, năm 2012, anh Nông Văn Hoàn xóm Nà Nôm, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc đã chuyển đổi 2ha đất trồng lúa, ngô sang trồng dâu, nuôi tằm. Với sự hỗ trợ của cán bộ khuyến nông, anh Hoàn đã áp dụng kỹ thuật vào nuôi tằm bằng cách, nuôi tằm dưới nền xi măng, cho tằm nhả kén tơ bằng khung kén quay tự động. Sau vụ đầu cho năng suất cao, anh Hoàn trồng thêm 1ha dâu, mở rộng diện tích nuôi tằm. Từ năm 2016 đến nay, mỗi năm anh Hoàn nuôi 11 lứa tằm, mỗi lứa cho thu 80 - 90kg kén, sau khi trừ chi phí, anh thu về 145 triệu đồng. Ngoài ra, anh Hoàn còn đầu tư một xưởng ấp trứng tằm, cung cấp tằm giống, cho doanh thu trên 50 triệu đồng/năm. Học theo anh Hoàn trồng dâu, nuôi tằm, cuộc sống của trên 20 hộ dân trong xóm Nà Nôm cũng đã được cải thiện. 

Gần đây, nhiều xã trên địa bàn huyện Bảo Lạc đã phát triển cây dâu tằm, góp phần nâng tổng diện tích dâu tằm toàn huyện lên gần 160ha. Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, năng suất lá tằm đạt bình quân đạt 15 tấn/ha, 1ha lãi khoảng 90 triệu đồng (gấp gần 18 lần so với trồng ngô và gấp trên 23 lần so với trồng lúa). Nghề nuôi tằm đã tạo việc làm cho gần 200 lao động ổn định trong khoảng 10-15 năm tiếp theo. 

Cùng với Bảo Lạc, năm 2013, huyện Trà Lĩnh kết hợp với các nhà khoa học đã tạo ra những giống cây quýt đầu dòng, nhân giống cây sạch và trồng mới 1,5ha vườn quýt sạch, cải tạo 0,5ha quýt kém hiệu quả và sản xuất cây giống quýt Trà Lĩnh, đáp ứng nhu cầu trồng quýt tập trung tại xã Quang Hán. 

Điển hình là hộ anh Hoàng Văn Phương ở xóm Vững Bền. Từ 20 gốc quýt, sau 7 năm ứng dụng công nghệ trồng và chăm sóc, từ phục tráng giống đến thu hoạch, bảo quản sản phẩm theo hướng sản xuất sạch, hữu cơ, gia đình anh đã phát triển lên 140 gốc, mang lại thu nhập trên 40 triệu đồng/năm từ trồng quýt.

Sau gần 10 năm ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, toàn huyện Trà Lĩnh đã có 164ha quýt, trong đó có trên 60ha cho thu hoạch, năng suất đạt từ 12-15 tấn/ha. Năm 2016, quýt Trà Lĩnh được cấp Giấy chứng nhận bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ. 

“Đây là cơ hội tốt để địa phương thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, đồng thời quảng bá thương hiệu đặc sản quýt Trà Lĩnh ra thị trường”, ông Hà Minh Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Trà Lĩnh chia sẻ.

Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cao Bằng, từ năm 2016 - 2019, tỉnh Cao Bằng đã triển khai 24 đề tài, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, nghiên cứu phát triển các cây trồng có thế mạnh của địa phương. Ngoài cây dâu tằm ở Bảo Lạc, cây quýt ở Trà Lĩnh cho hiệu quả cao, có thể kể đến dự án “Nghiên cứu, bảo tồn phục tráng giống lúa nếp đặc sản huyện Trùng Khánh”. Dự án đã phục tráng và lựa chọn được giống sản xuất cho năng suất cao hơn 15% so với giống cũ. Hay như mô hình trồng khảo nghiệm giống nho Cự Phong và Tảo Hồng tại xã Hưng Đạo, TP. Cao Bằng, với tỷ lệ sống sau trồng là trên 80%, năng suất đạt 198kg/500m2… 

Có thể thấy, việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã thể hiện được ưu thế vượt trội trong việc nâng cao năng suất cây trồng, sản lượng và giá trị của sản phẩm. Đây là yếu tố quyết định cho việc nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhờ áp dụng khoa học công nghệ, năng suất lá tằm đạt bình quân đạt 15 tấn/ha, 1ha lãi khoảng 90 triệu đồng (gấp gần 18 lần so với trồng ngô và gấp trên 23 lần so với trồng lúa). Nghề nuôi tằm đã tạo việc làm cho gần 200 lao động ổn định trong khoảng 10-15 năm tiếp theo.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.