Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tin tức

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Bảo đảm nguồn cung và kiểm soát giá thịt lợn

Thúy Hồng - 11:03, 12/03/2020

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, cả nước có 98,7% số xã có bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) đã qua 30 ngày. Trong đó có 39 tỉnh, thành phố đã hết bệnh DTLCP. Như vậy, hiện cả nước chỉ còn 109 xã (chiếm 1,3% tổng số xã có dịch) của 24 tỉnh, thành phố có DTLCP chưa qua 30 ngày.

Công tác tái đàn lợn ở các địa phương đang diễn ra thuận lợi. Ảnh minh họa
Công tác tái đàn lợn ở các địa phương đang diễn ra thuận lợi. Ảnh minh họa

Từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước chỉ phát sinh thêm 24 ổ dịch bệnh DTLCP làm 20.177 con lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy. Cụ thể tháng 1/2020, bệnh DTLCP phát sinh thêm tại 22 xã, số lợn buộc phải tiêu hủy là 12.037 con. Tháng 2/2020, bệnh DTLCP phát sinh thêm 2 xã của tỉnh Hòa Bình và Quảng Bình, số lợn buộc tiêu hủy 7.435 con, giảm 62% so với tháng 01/2020. Tháng 3/2020 (tính đến ngày 9/3/2020), DTLCP không phát sinh thêm tại địa phương mới, số lợn tiêu hủy là 1.218 con. Dự kiến hết tháng 3, tổng số lợn buộc phải tiêu hủy dưới 4.000 con, giảm 46% so với tháng 2/2020.

Về tình hình tái đàn lợn, tính đến ngày 10/3/2020, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24 triệu con, bằng gần 74% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (khoảng 31 triệu con vào tháng 12/2018). Hiện có 9 tỉnh, thành phố có tổng đàn lợn bằng hoặc cao hơn trước khi có bệnh DTLCP như: Yên Bái, Hòa Bình, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, và Cà Mau. Tổng đàn lợn của các địa phương này là 3,64 triệu con. Có 21 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt từ 80 - 99%; 20 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt từ 50 - 79% so với trước khi có bệnh DTLCP. Tổng đàn lợn của các địa phương này là 7,56 triệu con.

Tuy nhiên vẫn còn 13 tỉnh, thành phố có tổng đàn đạt thấp nhất từ 31 - 49% so với trước khi có bệnh DTLCP như: Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Lạng Sơn, Quảng Ninh…

Bên cạnh đó để kiểm soát giá thịt lợn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã ban hành nhiều văn bản, tổ chức nhiều cuộc họp với tất cả 18 doanh nghiệp chăn nuôi lớn, điển hình như Công ty CP Việt Nam, Công ty Dabaco…. để chỉ đạo việc tăng đàn, giảm giá bán thịt lợn. Đồng thời, Bộ cũng thành lập nhiều đoàn công tác đến các địa phương để kiểm tra tình hình phòng, chống bệnh, hướng dẫn, đôn đốc việc chỉ đạo nuôi tái đàn lợn bảo đảm an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh.

Về tình hình nhập khẩu thịt động vật và thịt lợn, ngay từ đầu năm 2020 (tính đến ngày 29/2/2020), lượng thịt nhập khẩu là 65.865 tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Canada 33,06%, Đức 25,4%, Braxin 16,10%, Ba Lan 15,81%, Hoa Kỳ 7,78%. Dự kiến cuối tháng 3/2020 sẽ có các lô hàng thịt lợn nhập khẩu từ Nga sang Việt Nam để đảm bảo nguồn cung thịt lợn trong nước trong thời gian tới.