Tràn lan hàng kém chất lượng
Có mặt tại chợ huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang những ngày cuối năm, chúng tôi thấy số lượng người dân đi chợ rất đông và lượng hàng hóa tiêu thụ tăng lên đột biến. Tuy nhiên, các mặt hàng thực phẩm chưa được đảm bảo. Với mặt hàng thịt lợn, bên cạnh các loại thịt sống lẫn các loại nội tạng đã được luộc chín, ruồi nhặng bay xung quanh rất mất vệ sinh.
Tại các quầy bán thực phẩm khô, thực phẩm đóng gói, nhiều loại sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Chị Thào Thị S, một tiểu thương ở chợ Đồng Văn cho biết, các loại chân gà, thạch, bánh kẹo… ở quầy của chị được nhập từ nhiều nguồn khác nhau, có xe chở từ dưới xuôi lên, thậm chí có cả hàng tiểu ngạch từ Trung Quốc… Bản thân chị cũng như người dân ở đây không quan tâm đến nhãn mác, hạn sử dụng mà chỉ quan tâm giá rẻ là được.
Không chỉ tập trung ở các chợ, những ngày giáp Tết Nguyên đán, tại nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa, các xe tải chở hàng hóa vào tận nơi phục vụ bà con. Đặc trưng của các mặt hàng này là rẻ, bao bì bắt mắt và đủ các loại thương hiệu na ná các thương hiệu nổi tiếng như: bánh Tippo (Tipo), damisa (Danisa), Gosy (Cosy)…
Những loại thực phẩm kém chất lượng và hàng giả, hàng nhái này không chỉ khiến người dân mất tiền “oan” mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Theo thông tin của Bộ Y tế, năm 2019, toàn quốc ghi nhận 76 vụ ngộ độc thực phẩm, làm gần 2.000 người mắc, 1.918 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. Trong số này có nhiều trường hợp ở vùng DTTS và miền núi.
Cần tăng cường kiểm soát
PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, một trong những thách thức lớn nhất của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là nền sản xuất của chúng ta rất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ sản xuất), đi cùng với tình trạng này là thói quen, tiêu dùng đơn giản, tiện lợi của người dân dẫn đến việc kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm không được đảm bảo.
Nhìn ở góc độ quản lý, việc kiểm tra giám sát cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Kiến Quốc, Đội trưởng Đội 1, Cục Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai chia sẻ, hiện nay, lực lượng quản lý thị trường trên địa bàn rất mỏng, phải vài tháng mới đến được 1 chợ ở vùng cao nên việc giám sát chất lượng, nguồn gốc hàng hóa còn gặp khó khăn.
Ông Nguyễn Kiến Quốc cũng cho biết thêm, trong khi lực lượng chức năng nghi ngờ có hàng giả, người bán sẽ tìm cách trốn tránh, hoặc chỉ đặt 1 sản phẩm mẫu bày bán để người mua nhận biết địa điểm mua. Đối với lực lượng chức năng, nếu chỉ phát hiện 1 sản phẩm sẽ rất khó xử lý.
Do đó để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng len lỏi ở các phiên chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa, chúng ta cần phải áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết là nâng cao vai trò chủ lực của bộ phận quản lý thị trường và các chi cục an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, các ngành này cần phối hợp với các cơ quan chức năng như Công an, nông nghiệp, chính quyền địa phương… tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở kinh doanh, sản xuất. Về lâu dài, các cấp, ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền người tiêu dùng, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa kiên quyết nói không với thực phẩm bẩn, tẩy chay hàng giả, hàng nhái. Có như vậy thì nguồn hàng kém chất lượng mới không có nơi tiệu thụ.