Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nghệ An-Thực phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan: Cơ quan chức năng “đẩy” trách nhiệm!

PV - 11:03, 23/01/2019

Lợi dụng vùng biên giới địa bàn phức tạp, các đối tượng thường luân chuyển thực phẩm không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong khi đó, lực lượng chức năng, cơ quan chuyên ngành tại đây chưa thực sự phát huy hết vai trò trách nhiệm trong việc phòng chống, ngăn ngừa thực phẩm bẩn.

Vô tư lưu thông

Tại chợ Mường Xén, huyện miền núi Kỳ Sơn những ngày giáp tết hàng hoá được các tiểu thương nhập về với số lượng gấp nhiều lần so với những ngày thường. Hàng hoá chủ yếu là các loại phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán như bánh kẹo, đồ uống, mì chính và thực phẩm khô. Tuy nhiên, qua thị sát bằng trực quan dễ dàng nhận thấy nhiều mặt hàng ở đây không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đoàn cán bộ liên ngành kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Đoàn cán bộ liên ngành kiểm tra vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm ở chợ Mường Xén, huyện Kỳ Sơn.

Chị Lương Thị Hoa một tiểu thương bán hàng ở chợ Mường Xén cho biết: Hàng của chị chủ yếu nhập từ TP. Vinh, chỉ trao đổi với nhau qua điện thoại sau đó họ cho xe chở đến tận nơi. Còn gốc xuất xứ thì chị là đại lý cấp 2 nên chỉ có chủ hàng ở Vinh mới biết được. Theo chị Hoa, trung bình mỗi ngày chị bán được khoảng 20-30 triệu tiền hàng, chủ yếu là hàng bánh kẹo và các loại đồ uống, thực phẩm khô như cá, tôm khô… còn rượu bia thì sát Tết mới đem ra bán chờ giá cả ổn định.

Không chỉ hàng hóa từ miền xuôi chở lên các huyện biên giới không rõ nguồn gốc, mà từ vùng biên về đồng bằng cũng không được kiểm tra chặt chẽ. Chị Vi Thị Thuỷ, là giáo viên của một trường học trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cho biết: Năm nào gần Tết chị cũng mua 2-3kg bò khô của Lào để làm quà cho bạn bè. Tuy nhiên, về nguồn gốc của loại thịt này thế nào thì không thể biết được.

Không chỉ ở huyện Kỳ Sơn mà hàng hoá các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan khắp các chợ và trung tâm thương mại các huyện miền núi biên giới. Tại chợ Hoà Bình, huyện Tương Dương, điều đễ nhận thấy ở đây là hàng hoá rất đa dạng, nhưng để tìm được hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ thì đếm trên đầu ngón tay. Trong vai người đi mua hàng (PV) khi mua chai rượu vang nổ ở ki ốt của chị Phạm Thị H ở chợ Hoà Bình, huyện Tương Dương, khi đưa điện thoại thông minh để trích xuất nguồn gốc thì không hiện lên nguồn gốc xuất xứ…

Thiếu vai trò của cơ quan chức năng

Thực trạng hàng hoá, phục vụ nhu cầu người dân trong dịp Tết không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn biến rất phức tạp. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là quá trình kiểm soát hàng hoá vẫn còn lỏng lẻo, các đơn vị chức năng chưa phối hợp chặt chẽ.

Ông Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Sở cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp với các cơ quan thường xuyên thực hiện công tác thanh và kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm. Theo đó, trong hai tháng giáp Tết, qua công tác thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử lý vi phạm hành chính 28 cơ sở với số tiền 202 triệu đồng. Các đoàn kiểm tra chuyên ngành tiến hành thanh tra, kiểm tra 240 cơ sở, trong đó 190 cơ sở đạt, 50 cơ sở vi phạm và bị xử lý. Ở tuyến huyện, tiến hành thanh tra, kiểm tra 11.288 cơ sở, phạt cảnh cáo 69 cơ sở, phạt tiền 798 cơ sở với số tiền hơn 1,3 tỷ đồng; số cơ sở vi phạm bị nhắc nhở là 934.

Tuy nhiên, theo ông Chỉnh thì, việc xử lý triệt để thực phẩm không rõ nguồn gốc thực phẩm không đảm bảo an toàn là rất khó, cần sự phối hợp với các lực lượng khác như công an, quản lý thị trường… và sự phối hợp của người dân…

Điều đáng quan tâm là hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chủ yếu có 3 cơ quan chức năng thực hiện, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm của các mặt hàng, đó là ngành y tế, quản lý thị trường và công an. Trong khi đó, sự phối hợp giữa 3 cơ quan trong quá trình triển khai thực hiện chưa đạt hiệu quả cao. Theo một cán bộ ngành y tế (xin dấu tên) để thành lập được đoàn kiểm tra liên ngành rất khó khi thì quản lý thị trường bận, lúc thì phía công an không tham gia được vì thế khi lập được đoàn kiểm tra thì cũng mất một thời gian mới thực hiện được.

Ông Trần Danh Ninh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Nghệ An cho biết: Chức năng nhiệm vụ của Chi cục là kiểm soát hàng hoá có nguồn gốc xuất xứ hay không để tránh tình trạng trốn thuế, gian lận thương mại… còn ngành Y tế thì kiểm tra hàng hoá có đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời gian qua, Chi cục thường xuyên tuần tra, kiểm tra các chợ đầu mối, các chợ vùng nông thôn và miền núi. Tuy nhiên, do lực lượng mỏng nên khó kiểm soát hết tình hình. Thực tế, hàng hoá chủ yếu là các mặt hàng thực phẩm trôi nổi vẫn được bán nhiều ở thị trường khu vực này.

Thiết nghĩ, để người dân đón Tết được an toàn, các cơ quan chức năng làm công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cần vào cuộc quyết liệt, xử lý triệt để các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra, gây nhiều hệ luỵ cho gia đình và xã hội.

MINH THỨ

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.