Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nơi đàn sếu bay về

Trương Thúy Hằng - 14:29, 08/02/2022

Đồng bào Khmer sinh sống tại ấp Trà Phô, xã biên giới Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang, đang có một mô hình sinh kế gắn liền với sự tồn vong của một loài chim di cư đặc hữu vùng Đông Nam Á, là sếu đầu đỏ. Cánh đồng cỏ bàng mướt xanh nuôi dưỡng cả đời sống con người lẫn loài chim ghi danh trong sách đỏ của IUCN (là danh sách về tình trạng bảo tồn và đa dạng của các loài động vật và thực vật trên thế giới) ấy, còn là một vùng môi sinh điều hòa rộng lớn, thơ mộng, là vùng “đất lành” đúng nghĩa.

Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cỏ bàng xuất khẩu ở xưởng sản xuất ấp Trà Phô, Phú Mỹ, Giang Thành, Kiên Giang
Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ cỏ bàng xuất khẩu ở xưởng sản xuất ấp Trà Phô, Phú Mỹ, Giang Thành, Kiên Giang

Duyên - cô gái nhỏ nhắn, nhanh nhẹn làm đầu mối khai thác sản phẩm cho một xưởng sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đi cùng tôi vào ấp Trà Phô. Việc của cô là “săn lùng” những bà lão người Khmer khéo tay nhất trong ấp để đặt hàng họ đan những sản phẩm kỳ công, sáng tạo. Duyên nói, đó là bí kíp của cô khi muốn có những mặt hàng độc lạ, đậm chất văn hóa dân gian.

Tài năng của mỗi người thợ như trầm tích, có khi họ không thể hiện, hoặc không có cơ hội để trưng trổ. Những kiểu đan hoa văn hiếm, lạ, bằng cỏ bàng có khi không được ưa thích nên dần mai một đi. Duyên luôn sợ rằng, kho tàng văn hóa dân gian lâu đời của người Khmer ở Trà Phô, sự khéo léo từ đôi tay người thợ thủ công mỹ nghệ đan cỏ bàng là một gia tài mà cô chưa đủ kinh nghiệm để tô sáng lên, khơi gợi và khai thác.

Nhưng điều Duyên lo lắng đã không xảy ra. Cô đã từng cả ngày lăn lê ở cánh đồng cỏ, các xưởng gia công chế tác cỏ bàng quy mô gia đình ở Trà Phô để tìm nghệ nhân. Thợ nào khéo, sâu lắng, chăm chỉ cô đều biết hết, nhìn sản phẩm là ra con người. Cỏ bàng bây giờ không giã giập rồi phơi khô như ngày xưa. “Tiếng ai giã bàng nhịp nhàng như tiếng lòng tôi” trong bài ca về đồng trũng Nam Bộ giờ không còn nữa.

Các xưởng lớn đầu tư một cái máy ép. Cỏ thu hái còn tươi cao chừng 1m mang phơi 3 ngày trên sào, ngoài bãi, sau đó ép qua máy cho giập thành thân dẹp rồi qua vài công đoạn chế biến nữa mới mang đan. Tùy theo từng sản phẩm mà người thợ dùng các nan cỏ đã sơ chế cho loại hàng cao cấp, trung cấp, thấp cấp. Có những món hàng tỉ mỉ, phải đan hoa văn đặc trưng thì chỉ có thợ lành nghề, lâu năm làm được.

Còn các phụ nữ Khmer trẻ được truyền nghề thường đan tấm chiếu, đệm ngồi hoặc vài món hàng thủ công mỹ nghệ thông thường. Một vài xưởng đặt ngoài mặt lộ (đường) thu hút độ trên dưới một chục, hai chục lao động trong ấp. Hàng hóa của họ chỉn chu, tiêu chuẩn, bóng đẹp và bán khắp đồng bằng, có khi hàng thủ công mỹ nghệ tinh xảo thì còn bán ra nước ngoài. Trong đó, có những chiếc mũ đan cỏ bàng, giỏ xách, đồ gia dụng trang trí, sắp đặt trong các nơi hội họp, đón tiếp sang trọng.

Người ta ưa chuộng đồ mỹ nghệ cỏ bàng, không chỉ vì sản phẩm nguyên liệu tự nhiên, mà còn ở chỗ đó là đồ thủ công do bàn tay khéo léo mang theo cảm xúc của người thợ ở đó. Không chừng, mỗi món đồ cỏ bàng còn chứa đựng cả câu chuyện như cổ tích về cụm dân cư êm đềm bên cánh đồng cỏ. Ở đó, cứ mỗi mùa chim di cư, họ đều trông ngóng đàn sếu trở về.

Kỳ diệu là cánh đồng cỏ bàng đã khiến người dân ấp Trà Phô lâu nay không ai phải tha phương cầu thực, đi làm ăn xa. Họ sinh ra, lớn lên ở đây, gắn bó với nghề đan cỏ bàng, có việc làm, có thu nhập nên xóm ấp rất ấm áp, nhà nào cũng rộn rã tiếng cười.

Thị Dền là một phụ nữ Khmer lớn tuổi làm nghề đan cỏ bàng đã lâu năm nổi tiếng ở Trà Phô. Bà không thể làm nhanh, nhưng làm tỉ mỉ, cẩn thận. Mỗi sản phẩm bà làm ra đều đẹp tinh xảo nên khách hàng rất ưa thích. Cả đời gắn bó với những thân cỏ mềm mại bẻ, kéo, vặn, xoắn, người phụ nữ này rất ít lời, chỉ cười và nói: “Cả đời ăn ngủ trên trảng cỏ bàng, ngày này qua ngày khác đều nhìn nó, không đẹp sao được”.

Những người trẻ như Duyên không chỉ theo phong trào khởi nghiệp từ nông thôn, mà cô còn đại diện cho một thế hệ thanh niên quay lại với nguồn cội, khai thác vốn quý từ văn hóa dân tộc.

Nghệ nhân giới thiệu sản phẩm chiếu cỏ bàng ở ấp Trà Phô
Nghệ nhân giới thiệu sản phẩm chiếu cỏ bàng ở ấp Trà Phô

Trà Phô đã từng được Dự án bảo tồn, khai thác bền vững đồng cỏ bàng Phú Mỹ nhắm tới từ năm 2004 và dự án kéo dài đến năm 2017 mới kết thúc. Dự án nhằm nghiên cứu, bảo tồn đồng cỏ - sinh cảnh của sếu đầu đỏ và quản lý, khai thác, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cỏ bàng dưới hình thức hợp tác xã làng nghề.

Trà Phô trở thành một xóm ấp có nghề, sản xuất đại trà hàng hóa sau khi đã được tập huấn kỹ năng, phổ biến tiêu chuẩn. Quan trọng nhất là người dân nhận thức và tư duy biến chuyển bằng cách canh tác cỏ bàng, thu hoạch, đan lát sau đó có cả tiếp thị và kinh doanh sản phẩm của mình quy mô gia đình.

Nhờ có những dự án từ nhiều hiệp hội, hội bảo tồn thiên nhiên, hội bảo tồn sếu… Phú Mỹ dần trở thành cái tên được nhiều chuyên gia bảo tồn thiên nhiên biết tới. Đồng cỏ bàng được bảo vệ khỏi sự xâm lấn của đô thị. Hết chuyện người ta có thể lật lên các vùng đất ngập mặn nhiễm phèn vốn là diện tích đồng cỏ để xây nhà, xây công trình.

Nghề đan cỏ bàng nhờ thế cũng được khôi phục lại, không chỉ giữ được nghề mà còn phát triển nghề hơn nữa. Người dân có thu nhập thì ắt sẽ giữ cánh đồng nguyên liệu của họ. Nhờ đó, môi sinh nguyên vẹn, sẽ còn chỗ để cho sếu trở về. Đó là kế sách một hướng đi, nhiều mục đích được thỏa mãn.

Phú Mỹ sẽ còn sáng lạn hơn nữa vì những người như Duyên và nhiều bạn trẻ khác còn thông thạo công nghệ, mạng xã hội, nơi có thể quảng bá hình ảnh và lan truyền động lực nhanh, hiệu quả. Họ hiểu rằng, môi trường, cánh đồng cỏ là nguồn gốc của mọi vấn đề, là sinh kế của cộng đồng.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.