Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Giữ nghề làm nón Đan Du

PV - 17:16, 13/01/2022

Tháng 7/2021, UBND xã Kỳ Thư (tên xưa là làng Đan Đu), huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã thành lập Tổ hợp tác thu mua và sản xuất nón lá Trung Giang với 11 thành viên. Đây là nơi chị em phụ nữ hỗ trợ nhau làm nón, cùng nhau giữ lại nghề truyền thống cho thế hệ sau.

Giữ nghề làm nón Đan Du

Ông Nguyễn Văn Sau (76 tuổi), trú ở thôn Liên Miệu, xã Kỳ Thư đã có hơn 60 năm gắn bó với nghề làm nón. Từ thời niên thiếu, ông đã được cha mẹ truyền nghề. Bên cạnh việc đồng áng, nghề làm nón giúp gia đình ông có thêm thu nhập.

Ông và vợ, là bà Lê Thị Nơ (72 tuổi) bén duyên nhau cũng từ nghề nón. Tuy đã cao tuổi nhưng cả hai ông bà không bỏ được nghề. Một phần để kiếm thêm thu nhập, một phần vì nhớ nghề, muốn giữ gìn nghề đã nuôi sống người dân bao đời nay. Gắn bó với nghề cả cuộc đời, ông bà không nhớ mình đã làm được bao nhiêu chiếc nón.

Giữ nghề làm nón Đan Du 1

Theo chia sẻ của ông Sau, muốn làm một chiếc nón lá Đan Du, việc đầu tiên là chọn tre để uốn vành nón. Ông thường sử dụng tre trong vườn để làm vành. Tre cần thân nhỏ, độ già vừa phải để bảo đảm dẻo dai khi uốn vành. Nhà nào không có tre thì có thể ra chợ Điếm (xã Kỳ Thư) mua thân cây đùng đình về làm.

Giữ nghề làm nón Đan Du 2

Để có chiếc nón lá hoàn hảo, người thợ phải tỷ mỉ từ khâu chọn lá, phơi lá, vuốt lá. Lá làm nón tùy mỗi vùng miền và tùy làng nghề; có thể dùng lá dừa, lá mật cật, lá buông, lá cọ, lá đọt. Tranh thủ thời tiết hanh nắng, ông và vợ đưa lá ra phơi để đạt độ khô nhất định trước khi đưa lá đi hơ nóng, vuốt thẳng.

Giữ nghề làm nón Đan Du 3

Lá làm nón (lá đọt) có hai loại, lá trắng và lá xanh. Lá nón dài khoảng 50cm, được người dân lấy trên vùng rừng khu vực thị xã Kỳ Anh và cả ở tỉnh Quảng Bình đưa về bán. Một cuống khoảng 1 - 7 lá, mỗi bó khoảng 45 cuống, giá bán 25.000 đồng.

Giữ nghề làm nón Đan Du 4

Để may nón không thể thiếu dây cước trắng. Dây cước này thường bán ở chợ Điếm. Chợ Điếm là nơi bán dụng cụ làm nón duy nhất trên địa bàn, chỉ họp vào ngày chẵn (âm lịch) hằng tháng, vì vậy, thường mỗi lần đi chợ, người dân sẽ tranh thủ mua dùng cho cả tháng.

Giữ nghề làm nón Đan Du 5

Sau khi chọn được lá tốt, người thợ mang lá đi vuốt thẳng, bằng cách dùng một miếng gang đặt trên bếp lò được đốt nóng, lửa vừa độ. Sau đó, đặt lá nón lên miếng gang, dùng khăn vải thấm ướt vuốt cho đến khi lá thẳng bóng, nhưng không ngả vàng rồi đem phơi, ủ khô sao cho lá luôn giữ màu xanh - trắng tự nhiên.

Để làm được điều đó, người thợ phải biết sử dụng lực kết hợp nhuần nhuyễn giữa tay đè và tay vuốt. Công việc này khá cầu kỳ và cũng là khâu quyết định đến độ bền và tính thẩm mỹ của chiếc nón.

Giữ nghề làm nón Đan Du 6

Tiếp đến là công đoạn tạo hình nón gồm: Quấn vòng nón, cắt lá nón, khâu nón và làm vành nón.

Giữ nghề làm nón Đan Du 7

Vành nón chính là xương sống của nón. Vành nón phải đều tắp, không được méo mó, xộc xệch thì mới tạo ra được những chiếc nón lá đẹp.

Giữ nghề làm nón Đan Du 8

Sau công đoạn xếp vành lên khung là công đoạn lợp (có nơi gọi là xây) lá trên khung. Khâu này rất quan trọng, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm mới xoay lá đều, đẹp. Mỗi chiếc nón có 2 -3 lớp lá. Những chiếc lá được xếp ngay ngắn lên mô nón. Khi lợp lá, phải thật sự khéo léo và đều tay để những chiếc lá không bị chồng lên nhau hay xô lệch. Sau đó, sẽ dùng một cái vành, chụp lên bên ngoài mô nón để giữ cho lá nằm cố định, giúp chằm được dễ dàng.

Giữ nghề làm nón Đan Du 9

Tiếp đến, người thợ sẽ đính một cây kim ở phần chóp nón để giữ cho phần lá mới xếp nằm đúng vị trí, sau đó tiếp tục chèn lá xung quanh thân nón.

Giai đoạn chằm (hay còn gọi là khâu) nón là phần quan trọng nhất. Để làm nên một chiếc nón bền, đẹp, đòi hỏi người khâu phải có đôi tay khéo léo giữ cho các lớp lá không rách và giúp chiếc nón được phẳng, không tạo nên nếp nhăn hoặc lồi lõm.

Giữ nghề làm nón Đan Du 10

Người thợ cầm kim cũng phải thật mềm mại, mỗi mũi kim phải thẳng, đều như thêu từ trong ra ngoài, khoảng cách giữa những mũi kim vừa phải và giấu đi được những mối chỉ nối thì mới tạo ra sản phẩm đẹp. Mỗi ngày, 1 người thợ chỉ làm được tối đa 1 chiếc nón thành phẩm loại đẹp (hay còn gọi là nón cưới), loại nón dùng để lao động thì có thể làm 2 chiếc. Nón được làm ra có giá bán 50.000 - 70.000/chiếc, tùy loại.

Giữ nghề làm nón Đan Du 11

Khâu cuối là nức vành, đây là công đoạn khá quan trọng. Người thợ sẽ vót 1 cọng nan có thân dẹp gọi là cây tiến, cặp vào vành nón số 16 để khi nức, vành nón được tròn và chắc chắn, nón sử dụng được lâu bền. Ngoài ra, còn trang trí bên trong chóp nón bằng chỉ thêu màu đỏ, xanh, hồng và quét dầu bóng để bảo đảm độ bền, chống thấm nước trước khi đem bán.

Nét riêng của nón lá Đan Du rất dễ nhận biết - đó là thanh mảnh và nhẹ nhàng, được kết hợp với những khuôn hình vẽ các loài hoa vừa đẹp, vừa bền, được nhiều người ưa thích. Con gái làng Đan Du xưa khi đi lấy chồng thường mang theo nghề và cứ thế, nón lá Đan Du lan tỏa ở nhiều miền quê.

Giữ nghề làm nón Đan Du 12

Những năm gần đây các cấp, ngành địa phương đã quan tâm hỗ trợ phát triển nghề truyền thống. Tháng 7/2021, UBND xã Kỳ Thư đã thành lập Tổ hợp tác thu mua và sản xuất nón lá Trung Giang với 11 thành viên. Đây là nơi chị em phụ nữ hỗ trợ nhau làm nón, cùng nhau giữ lại nghề truyền thống cho thế hệ sau. Nhiều thành viên trong tổ hợp tác mang cháu nhỏ đi để dạy thêm nghề làm nón với mong muốn giữ nghề truyền thống.

Được biết, hiện nay, xã Kỳ Thư còn khoảng 275 hộ theo nghề làm nón. Sản phẩm làng nón Kỳ Thư không chỉ phục vụ người dân các vùng lân cận, mà còn được tiêu thụ tại các tỉnh miền Nam và khu vực Tây Nguyên.

Điều mà người dân làng nón Đan Du, Kỳ Thư mong muốn nhất, là sản phẩm có đầu ra ổn định. Người dân rất mong có thêm chính sách, cách làm… để hỗ trợ người làm nón giữ nghề, cũng là giữ nét văn hóa truyền thống của làng nghề nón lá, hát ví Đan Du./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.