Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lợi ích kép khi xây dựng làng nghề thành điểm du lịch

Hồng Phúc - 22:15, 28/02/2021

Cùng với sự phát triển của xã hội, làng nghề ngày nay không chỉ mang đặc trưng cơ bản trong truyền thống kinh tế, mà còn thu hút khách du lịch. Khai thác và phát huy các làng nghề truyền thống theo hướng du lịch mang đến hiệu quả kép: vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Làng Chăm Châu Phong thuộc thị xã Tân Châu, An Giang không chỉ nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Làng Chăm Châu Phong thuộc thị xã Tân Châu, An Giang không chỉ nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn.

Nhiều lợi thế

Xã Châu Phong, huyện Tân Châu (An Giang) là một trong những ngôi làng của người Chăm có truyền thống dệt thổ cẩm nổi tiếng. Làng hiện có gần 500 hộ đồng bào Chăm, chủ yếu làm nghề dệt để sinh sống. Nghề truyền thống không chỉ mang lại giá trị kinh tế cho bà con, mà còn khiến ngôi làng trở thành điểm đến thu hút khách du lịch với chương trình “Trở thành một người Chăm”. 

Đến đây, khách du lịch sẽ được thưởng lãm quy trình làm ra những thước vải kỳ công, tinh tế từ bàn tay những người thợ dệt. Đặc biệt là, được trải nghiệm vai thôn nữ dệt thổ cẩm và múa những vũ điệu độc đáo, được thưởng thức những món ăn mang đậm đà bản sắc nơi đây.

Chị Bùi Thuý (22 tuổi), du khách tham quan làng Châu Phong chia sẻ: “Đây là một trải nghiệm du lịch đáng nhớ của tôi. Tôi chưa từng nghĩ du lịch làng nghề lại thú vị đến vậy. Không chỉ khám phá văn hoá độc đáo của người Chăm, tôi còn mua được rất nhiều sản phẩm thổ cẩm về làm quà cho gia đình và bạn bè”.

Làng Chăm Châu Phong, là một trong hàng trăm làng nghề nổi tiếng của nước ta phát triển thành công theo hướng kép như vậy. Ngoài ra, có thể kể đến nhiều làng nghề như: Làng gốm Bát Tràng, làng lụa Vạn Phúc, làng thúng Chai Phú Yên, làng đá mỹ nghệ Non Nước…; Một bộ phận lớn khách tham quan chia sẻ, họ biết đến những ngôi làng này thông qua mạng xã hội, báo chí… nên luôn nghĩ đây là điểm du lịch nhất định phải đến.

Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cả nước hiện có khoảng hơn 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng gần 2.000 làng nghề truyền thống, với 115 nghề truyền thống đã được công nhận. Thực tế cho thấy, kinh tế làng nghề đã góp phần thay đổi diện mạo nhiều làng quê Việt Nam, đồng thời  đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, làng nghề được đánh giá như một tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa; bởi sở hữu cảnh quan hấp dẫn, văn hoá đặc sắc. Du lịch làng nghề đang là hướng đi đầy triển vọng của du lịch Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng.

Du khách nước ngoài trải nghiệm làm gốm tại làng Bát Tràng
Du khách nước ngoài trải nghiệm làm gốm tại làng Bát Tràng (Ảnh TL)

Đa dạng các sản phẩm du lịch

Có bốn nhóm sản phẩm du lịch tại các làng nghề truyền thống có thể thiết lập, đó là: Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa nghề truyền thống; nhóm sản phẩm du lịch văn hóa nghề nông; nhóm sản phẩm du lịch các di sản kiến trúc, cảnh quan; nhóm sản phẩm văn hóa phi vật thể.

Khai thác các làng nghề làm sản phẩm kinh doanh du lịch, với hình thức “3 cùng: cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, gần giống với mô hình “Homestay”. Theo hướng này không chỉ kéo khách du lịch cùng hòa vào cuộc sống của người dân sở tại, mà còn làm cho thời gian lưu trú của khách tăng lên, kéo theo nhu cầu về dịch vụ ăn uống, mua sắm tăng theo; đặc biệt là nhu cầu mua sắm những sản phẩm của chính làng nghề này.

 Chính những điều này, tạo cơ hội bán hàng tại chỗ, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân qua dịch vụ phục vụ du lịch, góp phần tăng nguồn thu cho người dân, tăng ngân sách cho địa phương và xã hội.

Rõ ràng, bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, thì quan trọng hơn, du lịch làng nghề còn có nhiều đóng góp cho công cuộc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc  trong thời kỳ hội nhập. Theo Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương, chuyên gia nghiên cứu các vấn đề về kinh tế-xã hội (Văn phòng Quốc hội), hiện nay có 2 mô hình làng nghề du lịch đang được đầu tư phát triển. Một là, phát huy làng nghề truyền thống trên cơ sở vốn có tồn tại từ xa xưa của địa phương. Hai là, các doanh nghiệp đầu tư xây dựng khu du lịch rồi đưa mô hình làng nghề vào đó phục dựng không gian truyền thống để khai thác các giá trị sản phẩm văn hóa.

Tuy nhiên, phát triển du lịch làng nghề trong thời gian qua, còn mang tính tự phát. Số làng nghề được chọn làm điểm du lịch, còn hạn chế so với số lượng các làng nghề truyền thống hiện nay. Phần lớn, các làng nghề chưa được đầu tư về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật; khả năng tổ chức, quản lý, vốn kiến thức thị trường và kỹ năng marketing, truyền thông ở địa phương còn thiếu và yếu.

Về giải pháp,Tiến sĩ Đoàn Mạnh Cương, cho rằng, các địa phương nên căn cứ theo từng đặc điểm, quy hoạch của mỗi làng nghề mà lựa chọn mô hình phù hợp. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần sự hỗ trợ đồng bộ của các cấp chính quyền, các ngành hữu quan, sự thống nhất trong các chủ trương, chính sách của Nhà nước với các giải pháp nhằm khuyến khích, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển loại hình du lịch làng nghề trong hiện tại và tương lai.

 Đồng thời, người dân cần được giáo dục ý thức, nâng cao nhận thức đúng và đủ về du lịch cộng đồng; hiểu về du lịch cộng đồng là giải pháp tạo ra công ăn việc làm, bảo đảm sinh kế, nâng cao thu nhập...; từ đó để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.