Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Làng dệt 2 Túc viết tiếp câu chuyện thổ cẩm

Hồng Phúc - 18:34, 10/01/2021

Tháng 6/2020, nghề dệt thổ cẩm ở thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái được công nhận Làng nghề thêu dệt thổ cẩm cấp tỉnh. Đây là niềm vui, động lực và tạo điều kiện giúp bà con người Dao nơi đây gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá, nâng cao đời sống kinh tế...

Thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi được công nhận là Làng nghề thêu dệt thổ cẩm cấp tỉnh
Thôn 2 Túc, xã Phúc Lợi được công nhận là Làng nghề thêu dệt thổ cẩm cấp tỉnh

Nghề thêu dệt thổ cẩm thôn 2 Túc đã có từ lâu đời; và đến nay vẫn còn lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, mang đậm nét đặc trưng văn hóa của người Dao. Thổ cẩm đối với bà con nơi đây mang nhiều ý nghĩa khác nhau, thể hiện đời sống văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Dao. Điều đáng nói, quy trình dệt thổ cẩm ở thôn 2 Túc hoàn toàn thủ công, bằng chính đôi tay khéo léo và tỉ mỉ của người phụ nữ.

Từ năm 1995, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Yên Bái đã tổ chức mở một lớp dạy nghề thêu, dệt, may thổ cẩm và thành lập nhóm thêu dệt thổ cẩm thôn 2 Túc, với 45 thành viên. Từ đó đến nay, các thành viên trong nhóm duy trì hoạt động có hiệu quả và thu hút thêm một số thành viên trong thôn và các thôn khác cùng tham tham gia. Đến nay, số lượng thành viên tham gia trong làng nghề thêu dệt thổ cẩm thôn 2 Túc là 48 thành viên (trong đó có nghệ nhân và mỗi hộ có 1 thành viên tham gia trong làng nghề).

Nghệ nhân Triệu Thị Nhậy,  Trưởng nhóm chia sẻ, khi xã hội phát triển như ngày hôm nay, văn hoá của dân tộc Dao vừa có được cơ hội quảng bá, nhưng đồng thời cũng dễ bị mai một nếu như người dân không có ý thức giữ gìn. Bằng chứng là, nhiều sản phẩm của Trung Quốc trên thị trường được may công nghiệp, trông gần giống như những hoạ tiết thổ cẩm phải chỉn chu từng đường kim mũi chỉ của người phụ nữ Dao. Vì vậy, mỗi thành viên của nhóm thêu dệt thổ cẩm đều nhận thức được rõ mình đang giữ nghề là giữ cái gốc văn hóa của người Dao.

Chính vì sự tận tâm ấy, các sản phẩm làm từ thổ cẩm của người Dao ở thôn 2 Túc trở nên có tiếng ở trong tỉnh, nhiều khách, đơn vị đến tận nơi đặt hàng. Báo cáo của UBND xã Phúc Lợi cho biết, nghề thêu dệt thổ cẩm mang lại thu nhập bình quân hơn 3 triệu đồng/tháng cho mỗi người thợ. Điều này cải thiện đáng kể kinh tế cho đồng bào vì có thêm nguồn thu từ nghề truyền thống, ngoài nguồn thu nhập chính từ lâm nghiệp.

Bà Triệu Thị Nhậy cho biết, nhằm đa dạng hoá sản phẩm để quảng bá văn hoá người Dao, nhóm dệt đã thêu thổ cẩm trên những trang phục thường ngày hiện đại như váy, zip, cà vạt, … để tăng giá trị sử dụng cho khách hàng. Ngoài ra, nhóm cũng thử nghiệm làm thành đồ lưu niệm, trang trí như túi xách, khăn tay, … dành cho khách du lịch và đều nhận được những phản hồi tích cực.

Phụ nữ Dao ở 2 Túc đang thêu thổ cẩm
Phụ nữ Dao ở 2 Túc đang thêu thổ cẩm

Tuy nhiên, trên thực tế, làng nghề cũng đang đối mặt với một số khó khăn trong đổi mới phát triển. Để tạo ra các sản phẩm thổ cẩm với kiểu mẫu, hoa văn, màu sắc đẹp và phong phú, đòi hỏi những người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo. Đặc biệt là, công đoạn may để ghép thành các sản phẩm (hiện nay, công đoạn này được thực hiện chủ yếu bởi những người phụ nữ tuổi từ 40 trở lên), do đó cần có kế hoạch đào tạo cho thế hệ trẻ để nghề không bị mai một.

Hiện nay,  nhóm cũng chưa có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, chưa được tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường tiêu thụ. Thế nên, các thành viên trong nhóm mong muốn, tiếp tục được chính quyền quan tâm, hỗ trợ, đầu tư để làng nghề phát triển;  trong đó được hỗ trợ để xây dựng kế hoạch dài hơi, gắn việc phát triển làng nghề truyền thống với du lịch, xây dựng khu trưng bày sản phẩm; xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm tạo thu nhập ổn định cho các thành viên tham gia trong làng nghề...


Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.