Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ninh Thuận: Tháo gỡ khó khăn trong giáo dục dân tộc nhìn từ điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các DTTS

Tùng Nguyên - 11:30, 22/11/2024

Thiếu giáo viên dạy tiếng DTTS là một trong những khó khăn để phát triển giáo dục dân tộc ở tỉnh Ninh Thuận hiện nay. Thực trạng này đã được phân tích, đánh giá từ các cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS.

(BÀI CHUYÊN ĐỀ 53 DTTS) Ninh Thuận: Tháo gỡ khó khăn trong giáo dục dân tộc nhìn từ điều tra thực trạng kinh tế - xã hội các DTTS

Hành trình phục dựng chữ viết

Ninh Thuận hiện có 32 DTTS cùng sinh sống, với trên 173.765 người, chiếm 23,71% dân số của tỉnh, chủ yếu là dân tộc Chăm và Raglai. Trong đó, dân tộc Chăm chiếm 11% dân số toàn tỉnh; dân tộc Raglai chiếm 10,6%.

Đối với đồng bào Raglai, tại thời điểm năm 2019, kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ II cho thấy, toàn tỉnh có hơn 72.200 nhân khẩu (cả nước có có khoảng hơn 146.600 người); đồng bào sinh sống chủ yếu ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Hải và Thuận Nam.

Theo kết quả cuộc điều tra này, có 99,5% người Raglai biết tiếng của dân tộc mình; nhưng đại đa số không biết viết, biết đọc tiếng. Nguyên nhân được cho là, nguồn gốc ngôn ngữ Raglai chủ yếu là ngôn ngữ nói, không có chữ viết.

Trên thực tế, có một số hệ thống chữ viết Raglai được chế tác, phổ biến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những năm 1960 - 1965, tại vùng giải phóng ở miền Tây Khánh Hòa và Ninh Thuận, phong trào học và sử dụng chữ viết Raglai phát triển, góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ cách mạng người dân tộc Raglai.

Đến năm 2002, tỉnh Ninh Thuận đã đặt hàng Viện Ngôn ngữ học thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam với đề tài: “Xây dựng chữ viết và biên soạn sách học tiếng Raglai ở Ninh Thuận”; đề tài được nghiệm thu và công bố năm 2007.

Năm học 2024 – 2025, Ninh Thuận có hơn 150 nghìn học sinh ở các cấp học; trong đó, học sinh lớp 1 hơn 12.600 em; tỷ lệ học sinh dân tộc Chăm và Raglai chiếm khoảng 24% tổng số học sinh trên địa bàn tỉnh.

Năm 2017, tỉnh Ninh Thuận chủ trương biên soạn tài liệu bồi dưỡng tiếng Raglai dành cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng đồng bào dân tộc Raglai.

Sau thời gian hiệu chỉnh, tháng 10/2019, UBND tỉnh Ninh Thuận chính thức phê chuẩn “Bộ chữ viết tiếng dân tộc Raglai tỉnh Ninh Thuận”; đồng thời triển khai kế hoạch ứng dụng bộ chữ viết tiếng dân tộc Raglai trong các hoạt động văn hóa, giáo dục, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Raglai.

Từ năm học 2020 – 2021, học sinh lớp 1 ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh Ninh Thuận bắt đầu được học tiếng Raglai; đến năm học 2022 - 2023, sách giáo khoa tiếng Raglai lớp 2 cũng đã được ban hành. Trong đó, huyện Bác Ái đạt tỷ lệ 100% học sinh tham gia học tiếng Raglai.

Với đồng bào dân tộc Chăm, theo kết quả điều tra năm 2019, tỉnh Ninh Thuận có 67.517 nhân khẩu dân tộc Chăm; chiếm 37,8% người Chăm trên toàn quốc và chiếm 11,43% dân số tỉnh Ninh Thuận.

Chữ viết Raglai được đưa vào giảng dạy trong trường học từ năm học 2020 – 2021.
Chữ viết Raglai được đưa vào giảng dạy trong trường học từ năm học 2020 – 2021.

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và ngành Giáo dục, tiếng Chăm đã được đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông đến nay đã được 46 năm. Năm 1978, tỉnh Thuận Hải (nay là tỉnh Bình Thuận và tỉnh Ninh Thuận) đã đưa tiếng Chăm vào giảng dạy trong các trường học ở vùng đồng bào Chăm. Hiện nay, các trường Tiểu học trong vùng đồng bào Chăm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đều giảng dạy tiếng Chăm từ 2 - 4 tiết/tuần mỗi lớp.

Nhiều khó khăn do thiếu giáo viên

Việc giảng dạy tiếng Chăm và Raglai trong trường học giúp học sinh thích thú khi biết mặt chữ mà thường ngày vẫn sử dụng để giao tiếp ở nhà, từ đó bồi đắp thêm tỉnh yêu văn hóa truyền thống. Với đội ngũ giáo viên là người dân tộc Chăm, dân tộc Raglai, việc được dạy tiếng DTTS vừa là trách nhiệm, vừa là niềm tự hào.

Cô Chamaléa Thị Khuyên, giáo viên Trường Tiểu học Phước Thành A (huyện Bác Ái) là người tham gia biên soạn sách giáo khoa tiếng Raglai, đồng thời trực tiếp đứng lớp dạy tiếng Raglai cho học sinh. Cô rất tự hào và phấn khởi, bởi khi đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông, chữ Raglai được phổ biến rộng rãi, qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Raglai hiệu.

Còn ở Trường Tiểu học Vĩnh Thuận, thị trấn Phước Dân (huyện Ninh Phước) – với hơn 98% học sinh là con em đồng bào Chăm, cô giáo Đàng Thị Sơn có niềm vui không nhỏ lắng động sau hơn 30 năm dạy tiếng Chăm cho học sinh tiểu học.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc kiểm tra, khảo sát công tác dạy tiếng DTTS tại Trường Tiểu học và THCS Mai Thúc Loan, huyện Ninh Hải ngày 23/10/2024.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc kiểm tra, khảo sát công tác dạy tiếng DTTS tại Trường Tiểu học và THCS Mai Thúc Loan, huyện Ninh Hải ngày 23/10/2024.

Theo cô Sơn, chữ Chăm khó học vì nhiều nét, nhưng với tình yêu dành cho ngôn ngữ dân tộc mình, cô cố gắng tìm ra phương pháp giảng dạy dễ nhớ, dễ hiểu nhất cho học sinh. Cùng với đó, sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy tiếng Chăm ngày càng được hoàn thiện đã giúp công việc giảng dạy ngày càng thuận lợi, hiệu quả hơn.

Công tác dạy và học tiếng Chăm, tiếng Raglai được quan tâm, qua đó góp phần phổ biến rộng rãi trong cộng đồng dân tộc Chăm và dân tộc Raglai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Tuy nhiên, một khó khăn hiện nay của các trường là thiếu giáo viên dạy tiếng.

Trường Tiểu học và THCS Mai Thúc Loan là một trong 2 trường triển khai dạy và học tiếng Chăm từ lớp 1 đến lớp 5 hiện nay ở huyện Ninh Hải; với thời lượng 2 tiết/lớp/tuần.

Theo cô Nguyễn Thị Trang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Mai Thúc Loan, trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tiếng Chăm là môn học tự chọn nên không được bố trí biên chế giáo viên giảng dạy. Trong khi đó, trường là đơn vị bắt buộc dạy học bộ môn tiếng Chăm, biên chế không đáp ứng đủ, việc bố trí giáo viên dạy nhiều khó khăn.

Để giải quyết tình thế, Tiểu học - THCS Mai Thúc Loan phải tăng cường giáo viên cấp THCS dạy một số tiết Giáo dục thể chất, Tin học cấp Tiểu học; giảm các tiết ôn tập của các khối lớp cấp Tiểu học để ưu tiên bố trí đủ các tiết dạy tiếng Chăm theo quy định.

Không riêng Trường Tiểu học và THCS Mai Thúc Loan mà hầu hết các trường có dạy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang thiếu giáo viên. Đây là thực trạng được tỉnh Ninh Thuận báo cáo với đoàn khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) trong buổi làm việc ngày 24/10/2024.

Theo ông Nguyễn Thế Quang, Phó Trưởng phòng nghiệp vụ dạy học (Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận), theo biên chế giao để thực hiện chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho các trường dạy học 2 buổi/ngày là 1,5 giáo viên/lớp; tổng số tiết theo quy định của Chương trình chưa tính các tiết tự chọn. Thực tế, nếu chọn môn tiếng DTTS dạy từ lớp 1 đến lớp 5, tổng số biên chế được giao theo tỷ lệ 1,5 không đủ để bố trí giáo viên để thực hiện chương trình.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Mai Thúc Loan, huyện Ninh Hải trong tiết học tiếng Chăm.
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Mai Thúc Loan, huyện Ninh Hải trong tiết học tiếng Chăm.

Cùng với thực trạng thiếu giáo viên dạy tiếng DTTS chưa đủ đáp ứng yêu cầu dạy học do không được bố trí biên chế thì những năm gần đây, số lượng giáo viên người DTTS của tỉnh Ninh Thuận đang có xu hướng giảm.

Tại thời điểm năm 2016, số liệu trong Kế hoạch số 4255/KH-UBND ngày 19/10/2016 của UBND tỉnh Ninh Thuận về tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non và học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 trên địa bàn tỉnh cho thấy, toàn tỉnh có 480 giáo viên là người DTTS, chiếm tỷ lệ 35,1% tổng số giáo viên.

Đến năm 2019, kết quả điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ II cho thấy, tỷ lệ giáo viên người DTTS của tỉnh Ninh Thuận chiếm tỷ lệ 32,7% tổng số giáo viên toàn tỉnh...

Trong chuyến khảo sát tại Ninh Thuận ngày 24/10/2024, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Vụ trưởng Giáo dục dân tộc (Bộ GD&ĐT) cho rằng, vấn đề khó khăn và tồn tại lớn của địa phương hiện nay là tình trạng thiếu giáo viên dạy tiếng DTTS. 

Ông Thanh đề nghị UBND tỉnh Ninh Thuận, Sở GD&ĐT tỉnh Ninh Thuận cần có kế hoạch cụ thể, ưu tiên bổ sung biên chế dạy tiếng DTTS cho các trường, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn văn hóa dân tộc thông qua giáo dục.

Khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về công tác dân tộc đã quy định: “Đảm bảo việc giữ gìn tiếng nói, chữ viết, bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc”. Quy định này tiếp tục được luật hóa tại Nghị định số 127/2024/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 05/2011/NĐ-CP.

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.