Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Phát triển không gian sinh hoạt chung của cộng đồng (Bài 3)

Sỹ Hào - 15:26, 28/11/2024

Nhà văn hóa cộng đồng không chỉ là nơi hội họp sinh hoạt mà còn là không gian bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Việc thu thập thông tin về thực trạng nh,à văn hóa ở vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ góp phần triển khai hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc về văn hóa hiện hành; đồng thời là một trong những cơ sở để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 vừa được Quốc hội khóa XV thông qua chủ trương đầu tư ngày 27/11/2024.

NVH có vai trò quan trọng trong việc tập luyện, biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ truyền thống của cư dân địa phương, đóng góp vào công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. (Trong ảnh: CLB hát Soọng cô thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên luyện tập tại NVH)
NVH có vai trò quan trọng trong việc tập luyện, biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ truyền thống của cư dân địa phương, đóng góp vào công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. (Trong ảnh: CLB hát Soọng cô thôn Quảng Cư, xã Quang Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc thường xuyên luyện tập tại NVH)

Ưu tiên đầu tư

Nhà văn hóa (NVH) cộng đồng đã trở thành một công trình phổ biến trong đời sống dân cư ở các địa phương. Trong đó, ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hầu hết các thôn bản đều đã có NVH, hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng.

Đây là nơi để người dân hội họp, sinh hoạt tập thể của thôn bản, của các hội nhóm cư dân địa phương. Ngoài ra, NVH còn đóng vai trò quan trọng trong việc tập luyện, biểu diễn các tiết mục văn hóa văn nghệ truyền thống của cư dân địa phương, đóng góp vào công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

Khoản 1, Điều 16 – Luật Đất đai 2024 quy định: “Có chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, tín ngưỡng, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng”.

Kể từ khi triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS được đẩy mạnh thì vai trò của NVH ở cơ sở càng được phát huy cao hơn. Ở nhiều địa phương, NVH là nơi để người dân tổ chức truyền dạy các di sản văn hóa, các ngành nghề truyền thống; trưng bày, quảng bá các sản phẩm đặc trưng.

Với vai trò quan trọng đó, từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719, các địa phương đã ưu tiên bố trí vốn để đầu tư, nâng cấp, cải tạo NVH ở cơ sở. Nhờ đó, tỷ lệ xã, thôn bản có NVH đã tăng so với thời điểm tiến hành điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III – năm 2019.

Hiện dữ liệu tổng hợp về thực trạng NVH ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được Tổng cục Thống kê tổng hợp báo cáo từ các địa phương (dự kiến công bố vào tháng 7/2025). Nhưng qua số liệu được đưa ra tại Đại hội đại biểu các DTTS cấp tỉnh lần thứ IV – năm 2024 được các địa phương tổ chức trong tháng 10, tháng 11 vừa qua, cũng đã cho thấy sự tăng trưởng khá mạnh về tỷ lệ xã, thôn bản có NVH.

Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các địa phương đã đầu tư, nâng cấp, cải tạo NVH ở cơ sở. (Trong ảnh: NVH xã Đak Mang, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định được đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, đưa vào sử dụng tháng 8/2024).
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, các địa phương đã đầu tư, nâng cấp, cải tạo NVH ở cơ sở. (Trong ảnh: NVH xã Đak Mang, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định được đầu tư từ Chương trình MTQG 1719, đưa vào sử dụng tháng 8/2024).

Đặc biệt, nhiều địa phương có tỷ lệ NVH trước đây rất thấp, nay đã có sự cải thiện rõ rệt. Như tỉnh Điện Biên, số liệu cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, toàn tỉnh mới có 44/126 xã có NVH, chiếm tỷ lệ hơ 34%. Đến năm 2024, tỉnh Điện Biên đã nâng tỷ lệ này lên thành 79,07%.

Không chỉ cấp xã mà tỷ lệ thôn, bản có NVH cũng được nâng lên. Đơn cử tỉnh Cao Bằng, năm 2019, toàn tỉnh có 1.866/2.487 thôn bản có NVH, chiếm tỷ lệ hơn 75%. Đến nay, tỷ lệ thôn bản trên địa bàn tỉnh có NVH đã đạt 98,5%.

Quan tâm không gian sinh hoạt chung

Ngày 27/11/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Như vậy, từ năm 2025, các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã “chắc suất” triển khai 02 Chương trình MTQG, gồm Chương trình MTQG 1719 và Chương trình MTQG về phát triển văn hóa.

Trong Báo cáo thẩm tra số 2457/BC-UBVHGD15 ngày 23/5/2024 về Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trong 3 Chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025 đang triển khai đều có nội dung đầu tư về phát triển văn hóa.

Hiện tỷ lệ thôn bản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có NVH đã đạt 98,5%, nhưng nhiều NVH được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp. (Trong ảnh: NVH thôn Khuổi Nạng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An - Ảnh chụp ngày 03/11/2024)
Hiện tỷ lệ thôn bản trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có NVH đã đạt 98,5%, nhưng nhiều NVH được đầu tư đã lâu, nay xuống cấp. (Trong ảnh: NVH thôn Khuổi Nạng, xã Kim Đồng, huyện Thạch An - Ảnh chụp ngày 03/11/2024)

Với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022, mục tiêu xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất văn hóa thể thao cấp xã, thôn được quy định tại Nội dung 05 thuộc nội dung thành phần số 02; với Chương trình MTQG 1719 đã được quy định chính sách tại Dự án 6;... Vì sự trùng lắp này, Chính phủ kiến nghị chuyển Dự án số 6 của Chương trình MTQG 1719 vào Chương trình phát triển giai đoạn 2025 – 2035.

Trước đề xuất của Chính phủ, 49/51 thành viên của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội cho rằng, không nên tích hợp Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719 vào Chương trình phát triển giai đoạn 2025 – 2035. Nguyên nhân là, mỗi chương trình, dự án đều có mục tiêu tổng thể và giai đoạn thực hiện khác nhau; các nội dung về văn hoá được xây dựng phù hợp với mục tiêu riêng của từng chương trình, dự án.

Triển khai Luật Đất đai 2024, hiện nhiều địa phương đã ban hành Nghị quyết của HĐND tỉnh về chính sách đất đai đối với đồng bào DTTS; trong đó có quy định về quỹ đất để đầu tư xây dựng, phát triển không gian sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào các DTTS.

Việc điều chuyển và tích hợp Dự án 6 vào Chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 có thể gây khó khăn cho việc đánh giá mức độ hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu trong từng chương trình, dự án. 

Đây cũng là ý kiến của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khi thẩm tra Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Thực trạng NVH ở các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi hiện nay là cơ sở thực tiễn để nhận định, đề xuất tích hợp Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719 vào Chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 là không phù hợp.

Hiện nay, tỷ lệ xã, thôn bản có NVH ở nhiều địa phương dù đã cải thiện nhưng vẫn còn rất thấp. Như Cao Bằng, đến năm 2024, tỷ lệ xã có NVH của tỉnh mới đạt 35%; trong khi tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có trên 60% số xã có NVH.

Với đơn vị hành chính cấp thôn bản, nhiều địa phương hiện có tỷ lệ thôn có NVH rất thấp. Đơn cử là Điện Biên, đến năm 2024, toàn tỉnh mới đạt tỷ lệ 55% thôn có NVH; còn khoảng cách rất xa so với mục tiêu được đặt ra trong Chương trình MTQG 1719 là hết năm 2025 có 80% thôn có NVH, điểm sinh hoạt cộng đồng.

Theo quy định tại Điều 16 của Luật Đất đai 2024, các địa phương phải bố trí quỹ đất để đầu tư, xây dựng không gian sinh hoạt cho cộng đồng. (Trong ảnh: NVH tổ số 8, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ hẹp không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân sau khi sáp nhập tổ dân phố)
Theo quy định tại Điều 16 của Luật Đất đai 2024, các địa phương phải bố trí quỹ đất để đầu tư, xây dựng không gian sinh hoạt cho cộng đồng. (Trong ảnh: NVH tổ số 8, phường Quang Trung, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên được xây dựng từ lâu, diện tích nhỏ hẹp không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân sau khi sáp nhập tổ dân phố)

Thực trạng NVH ở các xã, thôn bản vùng đồng bào DTTS và miền núi sẽ được nêu rõ sau khi Tổng cục Thống kê tổng hợp và công bố số liệu từ cuộc điều tra, thu thập thông tin kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ IV – năm 2024. 

Đây sẽ là một trong những dữ liệu quan trọng để các cơ quan liên quan tham mưu, xây dựng Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để triển khai. Trong đó, có hay không tích hợp Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719 vào Chương trình MTQG về phát triển văn hóa cần được cân nhắc kỹ lưỡng; trên hết cần phải ưu tiên đầu tư, phát triển không gian sinh hoạt chung của cộng đồng.

Ngoài 03 Chương trình MTQG hiện hành thì nhiều chương trình liên quan đến phát triển văn hóa do Thủ tướng Chính phủ ban hành có nội dung trùng lặp về mục tiêu, đối tượng thụ hưởng, nguồn vốn thực hiện. Đó là: Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa giai đoạn 2023 - 2025; Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Quyết định số 1230/QĐ-TTg ngày 15/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa Việt Nam, giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 2026/QĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình số hóa Di sản văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2030; Quyết định 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 1341/QĐ-TTg ngày 08/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 69/QĐ-TTg ngày 09/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình nghiên cứu, tổng hợp, công bố các tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, tiến tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 100 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

(Báo cáo thẩm tra số 2457/BC-UBVHGD15 ngày 23/5/2024 của Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội về Báo cao đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình MTQG về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035)


Tin cùng chuyên mục
Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Sa Thầy (Kon Tum): Người có uy tín, kênh truyền thông hữu hiệu Chương trình MTQG 1719

Những năm qua, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn huyện biên giới Sa Thầy (Kon Tum) đã phát huy vai trò của mình, chung tay, góp sức cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và chăm lo phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, Người có uy tín là một “kênh truyền thông” hữu hiệu Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình MTQG 1719) đến với Nhân dân.