Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Nâng cấp hạ tầng thương mại nông thôn (Bài 4)

Sỹ Hào - 08:08, 01/12/2024

Cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ IV tiến hành thu thập thông tin về số chợ của xã/phường/thị trấn còn hoạt động tính đến ngày 01/7/2024. Dữ liệu thu thập được là cơ sở tham chiếu quan trọng để định hướng thực hiện chính sách, cân đối nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng thương mại nông thôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Trong hạ tầng thương mại nông thôn, miền núi, chợ truyền thống vẫn khẳng định vai trò, vị trí không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt người dân. (Trong ảnh: Một góc chợ phiên Sàn Thàng, TP. Lai Châu)
Trong hạ tầng thương mại nông thôn, miền núi, chợ truyền thống vẫn khẳng định vai trò, vị trí không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt người dân. (Trong ảnh: Một góc chợ phiên Sàn Thàng, TP. Lai Châu)

Cuộc khảo sát thực trạng chợ

Năm 2021, Tổng cục Thống kê đã thực hiện cuộc điều tra mạng lưới chợ trên phạm vi toàn quốc. Theo kết quả điều tra, cả nước có 8.581 chợ các loại, bao gồm 236 chợ hạng 1; 902 chợ hạng 2 và 7.443 chợ hạng 3. Ở khu vực miền núi, vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống chủ yếu là chợ hạng 3.

Chợ hạng 3 là chợ có dưới 200 điểm kinh doanh hoặc chưa được đầu tư xây dựng kiên cố, bán kiên cố; có mặt bằng phạm vi chợ phù hợp với quy mô hoạt động của chợ; tổ chức các hoạt động tối thiểu như vệ sinh công cộng.

Đơn cử, khu vực Tây Bắc bộ có 243 chợ, thì có 239 chợ hạng 3, chỉ có 4 chợ hạng 2 (là chợ có từ 200 điểm kinh doanh đến 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố theo quy hoạch); 

Khu vực Bắc Trung bộ có 1.185 chợ thì có 1.145 hạng 3, có 16 chợ hạng 1 (chợ có trên 400 điểm kinh doanh, được đầu tư xây dựng kiên cố theo quy hoạch); ...

Theo Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, trong hạ tầng thương mại nông thôn, miền núi, chợ truyền thống vẫn khẳng định vai trò, vị trí không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt người dân. 

Vì thế, những năm qua, với nỗ lực cố gắng các địa phương miền núi, sự hỗ trợ chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành, việc phát triển hạ tầng thương mại miền núi, trong đó có phát triển hệ thống chợ đã có nhiều cải thiện.

Riêng giai đoạn 2021 – 2025, từ đề xuất của Bộ Công thương, chính sách đầu tư phát triển chợ khu vực miền núi được tích hợp trong Nội dung số 2, Tiểu dự án 1 – Dự án 4 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719).

Theo văn bản số 4292/BCT-TTTN ngày 25/7/2022 của Bộ Công thương hướng dẫn thực hiện Chương trình MTQG 1719 do Bộ chủ trì, giai đoạn 2021 – 2025, sẽ có 3.788 chợ được đầu tư xây mới (trên nền chợ cũ) thuộc 37 tỉnh; ngoài ra sẽ có 1.972 chợ trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố được bố trí vốn để nâng cấp, cải tạo.

Sau hơn 4 năm triển khai Nội dung số 2, Tiểu dự án 1 – Dự án 4 của Chương trình MTQG 1719 và các dự án phát triển thương mại miền núi khác, thực trạng về chợ ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thay đổi so với số liệu trong cuộc điều tra mạng lưới chợ cả nước được Tổng cục Thống kê thực hiện năm 2021.

Từ Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 – 2025, sẽ có 3.788 chợ được đầu tư xây mới thuộc 37 tỉnh; ngoài ra sẽ có 1.972 chợ trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố được bố trí vốn để nâng cấp, cải tạo. (Trong ảnh: Chợ xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành đưa vào sử dụng).
Từ Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2021 – 2025, sẽ có 3.788 chợ được đầu tư xây mới thuộc 37 tỉnh; ngoài ra sẽ có 1.972 chợ trên địa bàn 40 tỉnh, thành phố được bố trí vốn để nâng cấp, cải tạo. (Trong ảnh: Chợ xã Hiệp Lực, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành đưa vào sử dụng)

Do đó, trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024, Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê đã tiến hành thu thập thông tin về thực trạng chợ ở các xã/phường/thị trấn vùng đồng bào DTTS và miền núi. 

Điều tra viên thu thập tổng số chợ trên địa bàn các xã/phường/thị trấn, phân loại chợ theo tiêu chí tại Nghị định số 60/2024/NĐ-CP, ngày 05/6/2024 của Chính phủ quy định về phát triển và quản lý chợ. Đây có thể xem là một cuộc khảo sát toàn diện về thực trạng chợ ở địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Cân đối nguồn lực để đầu tư

Việc thu thập thông tin về thực trạng chợ ở các xã/phường/thị trấn trong cuộc điều tra có ý nghĩa quan trọng trên lộ trình phát triển thương mại ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Dữ liệu thu thập được sẽ phản ánh hiệu quả đầu tư của các chương trình, dự án; đồng thời nhận diện những bất cập, vướng mắc để kịp thời điều chỉnh.

Thực hiện Tiểu dự án 2 - Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG 1719, Bộ Công thương được giao chủ trì, phối hợp với các địa phương triển khai Nội dung số 02 “Đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp mạng lưới chợ vùng đồng bào DTTS và miền núi”. Ở một số địa phương đã xuất hiện tình trạng đầu tư thiếu bài bản, dẫn đến không cân đối được nguồn vốn thực hiện, công trình thực hiện dở dang.

Đơn cử tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang) được đầu tư xây mới chợ cuối năm 2023, với tổng kinh phí 4,4 tỷ đồng thuộc Chương trình MTQG 1719. Do địa điểm chợ cũ không đủ diện tích, nên chính quyền địa phương đã lựa chọn đầu tư tại địa điểm mới trên diện tích 1,4ha.

Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, cơ sở hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân. (Trong ảnh: Chợ Chu Hương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cần được đầu tư nâng cấp)
Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, cơ sở hạ tầng của nhiều chợ đã xuống cấp, không đáp ứng nhu cầu buôn bán của người dân. (Trong ảnh: Chợ Chu Hương, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn cần được đầu tư nâng cấp)

Do diện tích quá rộng, sau khi thực hiện san đắp mặt bằng, bồi thường giải phóng mặt bằng được một nửa (0,7ha) và xây dựng được hệ thống thoát nước, mương thủy lợi thì hết kinh phí. Các hạng mục khác chưa được đầu tư xây dựng nên chợ chưa thể đi vào hoạt động.

Tình trạng “nửa vời” ở chợ xã Phúc Ứng được ghi nhận trong cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2024. Chiếu theo Nghị định số 60/2024/NĐ-CP, ngày 05/6/2024 của Chính phủ quy định về phát triển và quản lý chợ thì xã Phúc Ứng vẫn chỉ mới có chợ hạng 3, dù diện tích chợ hiện “đủ chuẩn” để nâng cấp thành chợ hạng 2 nếu như có thêm nguồn lực đầu tư.

Từ thực tế ở xã Phúc Ứng cho thấy, việc cân đối nguồn lực để đầu tư chợ không chỉ là trách nhiệm của Trung ương, cấp tỉnh mà quan trọng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của cấp huyện, cấp xã. Nếu không tính toán khoa học thì hiệu quả đầu tư của ngân sách nhà nước sẽ không cao, địa phương sẽ khó hoàn thiện tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng nông thôn mới.

Tin cùng chuyên mục
Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Thúc đẩy hoạt động chế biến nông, lâm sản (Bài 5)

Nhận diện thực trạng kinh tế - xã hội theo điều tra phiếu xã: Thúc đẩy hoạt động chế biến nông, lâm sản (Bài 5)

Thu thập số lượng doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến nông, lâm sản ở các xã vùng đồng bào DTTS và miền núi, là nội dung trong cuộc điều tra thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS. Từ dữ liệu này, các bộ, ngành, địa phương sẽ đánh giá thực trạng, từ đó có các giải pháp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông, lâm sản, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị ở vùng đồng bào DTTS và miền núi.