Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ninh Thuận: Đau đáu nỗi lo mai một làng nghề

Lê Vũ – Trần Linh - 16:14, 16/11/2020

Những năm gần đây, các làng nghề truyền thống của đồng bào dân tộc Chăm tỉnh Ninh Thuận gặp rất nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ mai một. Để các làng nghề vượt qua khó khăn, tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều giải pháp hỗ trợ.

Nghệ nhân Đàng Thị Mượn chia sẻ nỗi trăn trở về sự mai một của làng nghề dệt thổ cẩm
Nghệ nhân Đàng Thị Mượn chia sẻ nỗi trăn trở về sự mai một của làng nghề dệt thổ cẩm

Chúng tôi đến thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước vào một ngày nắng đẹp. Đây là nơi tọa lạc của 2 làng nghề thủ công nổi tiếng nhất của người Chăm là làng gốm Bàu Trúc và làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp. Tuy nhiên, trái ngược với sự tưởng tượng của chúng tôi, nơi đây chỉ còn các sản phẩm trưng bày trong 2 khu hợp tác xã lớn của 2 làng và lác đác vài hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ.

Nghệ nhân Thuận Thị Trào, người đã gắn bó với làng dệt Mỹ Nghiệp hơn 50 năm cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp đã có từ hơn 400 năm nay, được truyền từ những phụ nữ người Chăm qua các thế hệ. Nhờ vào bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ của từng thế hệ nghệ nhân, mỗi tấm thổ cẩm làng Mỹ Nghiệp đều có nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, giờ đây không mấy người còn tha thiết với nghề truyền thống”.

Tương tự, tại làng gốm Bàu Trúc, nghệ nhân Lộ Thị Kết vừa trình diễn cho chúng tôi xem cách làm một bình gốm, vừa chia sẻ: Nghề gốm ở Bàu Trúc đã có từ mấy trăm năm, gia đình tôi đã được truyền nghề từ nhiều đời. Bản thân tôi từ năm 12 tuổi đã bắt đầu học những công đoạn đơn giản để phụ mẹ làm gốm như: Đập đất, nhồi đất sét… Để nặn ra một thành phẩm gốm, phải qua nhiều công đoạn. Đặc biệt, khi nặn sản phẩm đòi hỏi người nghệ nhân phải hết sức tập trung, tĩnh tâm. Nét độc đáo và đặc trưng của gốm Bàu Trúc là tất cả công đoạn đều làm thủ công. Màu gốm cũng được tạo thành từ màu tự nhiên bằng cách ngâm các loại rễ cây với nước lã, sau đó quét lên bình gốm…

Với nhiều nét đặc sắc, đặc trưng là thế, nhưng cũng giống như nhiều làng nghề khác, làng gốm giờ đây đang dần vắng bóng thợ gốm theo nghề.

 Các sản phẩm gốm của làng gốm Bàu Trúc
Các sản phẩm gốm của làng gốm Bàu Trúc

Trong những năm qua, để phát triển các làng nghề truyền thống của đồng bào Chăm, tỉnh Ninh Thuận đã có rất nhiều giải pháp. Chỉ tính giai đoạn 2008 - 2010, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ, tỉnh Ninh Thuận đã đầu tư hạ tầng các làng nghề trên địa bàn huyện Ninh Phước như đường giao thông, cổng làng nghề, điện, nước, nhà trưng bày với tổng mức đầu tư trên 25,5 tỷ đồng. Qua đó, đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của người dân làng nghề, nhất là du khách thăm quan làng nghề cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm làng nghề…

Tuy nhiên, với sự phát triển chóng mặt của xã hội hiện đại, khi nhu cầu sinh hoạt cao hơn thì thu nhập từ các nghề thủ công truyền thống của người dân không còn đủ để chi phí cho sinh hoạt. Nghệ nhân Đàng Thị Mượn có trên 60 năm gắn bó với nghề dệt thổ cẩm và cũng là người còn lưu giữ rất nhiều mẫu hoa văn cổ quý giá chia sẻ: “Trước đây, trong nhà có 1 khung dệt, túc tắc làm là đủ nuôi sống cả gia đình. Nhưng hiện nay, mỗi ngày miệt mài dệt được 1m vải thổ cẩm, bán ra cũng chỉ được hơn 50 ngàn đồng thì sao đủ sống. Đám trẻ giờ vẫn được dạy và học nghề dệt, đứa nào cũng biết dệt nhưng tụi nó đi làm công ty, xí nghiệp hết rồi…”.

Rời Mỹ Nghiệp và Bàu Trúc, chúng tôi trở về với những sản phẩm thủ công của 2 làng nghề để làm quà cho người thân, bè bạn. Những lời trầm trồ, khen ngợi xen lẫn thích thú về các sản phẩm khiến chúng tôi cảm thấy day dứt. Bởi lẽ, ít ai biết rằng, để có được một tấm khăn choàng thổ cẩm, người nghệ nhân phải ngồi dệt gần 2 ngày mới hoàn thành, nhưng giá bán chỉ 150 ngàn đồng. Hay bình gốm trang trí phải trải qua biết bao công đoạn mới nên hình, nhưng giá bán chỉ bằng 1 ly trà sữa… Nỗi lo mai một làng nghề luôn hiện hữu. 

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.