Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những vấn đề cấp bách của các dân tộc có khó khăn đặc thù: Tập trung xóa “lõi nghèo” (Bài 3)

Cù Hương - Sỹ Hào - 09:06, 25/11/2023

Trong các dân tộc có khó khăn đặc thù, thì dân tộc Chứt hiện có tỷ lệ nghèo cao nhất; địa bàn sinh sống của đồng bào Chứt là “lõi” của vùng nghèo cả nước. Không chỉ về thu nhập, mà đồng bào dân tộc Chứt còn thiếu hụt nhiều chỉ số tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Vì vậy, việc bố trí nguồn lực tập trung xóa nghèo ở vùng đồng bào Chứt cần được ưu tiên thực hiện.

Từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đến nay cơ bản các hộ đồng bào Chứt ở Rào Tre đã có nhà kiên cố, 100% hộ gia đình có kinh tế vườn. (Một góc bản Rào Tre )
Từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đến nay cơ bản các hộ đồng bào Chứt ở Rào Tre đã có nhà kiên cố, 100% hộ gia đình có kinh tế vườn. (Một góc bản Rào Tre )

Đổi thay sau nhiều năm rời hang đá

Theo kết quả điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội (KT – XH) 53 DTTS gần đây nhất, do Ủy ban Dân tộc và Tổng cục Thống kê thực hiện, dân tộc Chứt có 2.051 hộ, với 7.513 nhân khẩu, là dân tộc có dân số ít thứ 12 ở nước ta. Đồng bào Chứt chủ yếu cư trú ở các huyện miền núi: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình (6.572 nhân khẩu) và 1 nhóm cư trú ở 2 xã Hương Liên, Hương Vĩnh thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh (206 nhân khẩu); còn lại sinh sống rải rác ở các địa phương khác.

Tại Hà Tĩnh, khoảng đầu thập niên 1990, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã phát hiện nhóm đồng bào dân tộc Chứt sống trong hang đá trên dãy Trường Sơn. Được đưa về sinh sống tập trung tại bản Rào Tre (thuộc xã Hương Liên), từ chỗ không có tên, không biết tuổi, sống tách biệt với thế giới bên ngoài, đến nay đồng bào Chứt ở bản Rào Tre đã biết cách tích lũy, sản xuất lúa nước, chăn nuôi, trồng rau màu các loại để phục vụ cuộc sống...

Từ các chính sách đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, đến nay cơ bản các hộ đồng bào Chứt ở Rào Tre đã có nhà kiên cố, 100% hộ gia đình có kinh tế vườn, hộ. Bình quân mỗi hộ có 1 - 2 ha đất lâm nghiệp để sản xuất, 100% hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt. Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống như: điện, đường, trường học, trạm y tế, thủy lợi đều được đáp ứng đầy đủ.

Còn tại Quảng Bình, xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) là xã có nhiều đồng bào dân tộc Chứt sinh sống, với hơn 4.000 nhân khẩu. Những năm qua, từ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, hệ thống giao thông từ trung tâm xã đến các bản đều đã được cứng hóa; gần 100% các hộ trong xã đã có điện sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất;… Hiệu quả của các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cũng như công tác tuyên truyền được cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng thực hiện đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cách nghĩ, cách làm, hăng hái lao động sản xuất của đồng bào Chứt ở Trọng Hóa.

Để tiếp tục hỗ trợ đồng bào đẩy mạnh sản xuất theo hướng hàng hóa, từ năm 2022 đến nay, thực hiện Nội dung số 01 thuộc Tiểu dự án 2 – Dự án 3 của Chương trình Chương trình MTQG phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQG 1719), xã Trọng Hóa đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất, như: Dự án nuôi dê cỏ sinh sản triển khai trong phạm vi 21 hộ đồng bào Chứt ở bản Dộ - Tà Vờng; triển khai giai đoạn 2 dự án trồng lúa nước có quy mô 6ha với tổng mức đầu tư hơn 5 tỷ đồng ở bản Lòm; nhân rộng mô hình lúa nước trên ruộng bậc thang ở bản Dộ - Tà Vờng;…

Khánh thành Nhà Văn hóa cộng đồng dân tộc Chứt ở Bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.
Khánh thành Nhà Văn hóa cộng đồng dân tộc Chứt ở Bản Ka Ai, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Tỷ lệ nghèo còn quá cao

Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước trong những năm qua, đồng bào dân tộc Chứt thực sự đã có những đổi thay rõ nét. Tại thời điểm tháng 4/2019, đã có 64,0% hộ dân tộc Chứt có ti vi; 51,0% hộ có điện thoại; 17,3% hộ có tủ lạnh; 48,7% hộ có xe máy (1,0% hộ có ô tô); 39,2% hộ có nguồn nước hợp vệ sinh; 21,3% hộ có sử dụng internet;…

Tuy nhiên, tỷ lệ nghèo cao là vấn đề cấp bách đối với đồng bào dân tộc Chứt. Tại thời điểm tháng 4/2019, theo chuẩn nghèo tiếp cận nghèo đa chiều, tổng số hộ nghèo người dân tộc Chứt là 1.143 hộ, chiếm tỷ lệ 60,6%; số hộ cận nghèo là 589 hộ, chiếm tỷ lệ 28,7%, đưa tỷ lệ nghèo của dân tộc Chứt chiếm tỷ lệ 89,3% trong tổng số 2.051 hộ.

Sau khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo ở các địa bàn đồng bào dân tộc Chứt sinh sống đã tăng lên gần chạm mức trần. Đơn cử tại bản Rào Tre (Hương Khê, Hà Tĩnh), thống kê mới nhất cho thấy, cả bản có có 44 hộ/153 nhân khẩu thì hộ nghèo chiếm tỷ lệ 90,3%, hộ cận nghèo là 9,7%.

Nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt được phục dựng, giữ gìn và phát huy. (Trong ảnh: Trẻ em bản Rào Tre tham gia lễ hội tết Lấp Lỗ của dân tộc - Ảnh: Hồng Duyên)
Nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chứt được phục dựng, giữ gìn và phát huy. (Trong ảnh: Trẻ em bản Rào Tre tham gia lễ hội tết Lấp Lỗ của dân tộc - Ảnh: Hồng Duyên)

Từ các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ, với nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp, đồng bào dân tộc Chứt đang dần thoát đói nghèo và mở ra tương lai về một cuộc sống no đủ nhờ sự xuất hiện của canh tác lúa nước. Nhưng đây cũng chỉ là đang trong giai đoạn khởi đầu cho một hành trình gian nan, như chia sẻ của chị Hồ Thị Bình, người dân bản Rào Tre, rằng: “Người dân tộc Chứt vẫn còn nghèo lắm. Bà con không có vốn, kiến thức về phát triển kinh tế còn hạn chế, đất ruộng, rẫy quá ít nên vẫn phải nhận gạo trợ cấp của Nhà nước”.

Để giải quyết tình trạng nghèo trong đồng bào dân tộc Chứt, việc triển khai Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG 1719 phải được cấp ủy, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh xác định, là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; đồng thời thực hiện hiệu quả Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, các địa phương cần đặc biệt quan tâm triển khai các chương trình, dự án khuyến nông, khuyến lâm, trao cơ hội tiếp cận kiến thức, kỹ thuật canh tác mới, tăng điều kiện thoát nghèo cho đồng bào. 

Bởi theo thống kê, tỷ lệ lao động làm “Nghề giản đơn” của dân tộc Chứt chiếm tới 85,9%; số lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật lên tới 94,2%; lao động dân tộc Chứt có trình độ cao đẳng mới đạt tỷ lệ 0,6%, đại học là 1,8%.

Với nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, hiện hầu hết trẻ em dân tộc Chứt trong độ tuổi đi học được đến trường. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin KT- XH 53 DTTS năm 2019, tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên biết đọc, biết viết chữ phổ thông là 64,9%, tỷ lệ người đi học chung cấp tiểu học 101,9%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học cơ sở là 84,7%, tỷ lệ người đi học chung cấp trung học phổ thông là 42,4%, tỷ lệ trẻ em ngoài nhà trường là 16,4%. Tuy nhiên, hiện 91,6% lao động người dân tộc Chứt vẫn làm trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; chỉ có 6,4% lao động là dịch vụ và 2,0% là công nghiệp và xây dựng.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.