Nhiều chương trình, dự án từ các nguồn ngân sách của Trung ương và các nguồn hỗ trợ khác được tỉnh Sơn La tập trung ưu tiên cho những địa bàn vùng cao biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Vân Hồ là một trong những huyện nghèo của tỉnh Sơn La, có 10/14 xã khu vực III đặc biệt khó khăn; 1 xã biên giới giáp với huyện Sốp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Toàn huyện có khoảng 14.750 hộ, với trên 61.690 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 93,4%; hộ nghèo chiếm 33,74% và cận nghèo chiếm 10,03%. Đến tháng 3/2020, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Vân Hồ vẫn sinh sống trong các ngôi nhà tạm bằng tre, nứa lá. Đây cũng là địa bàn phức tạp về tình hình an ninh, trật tự; điểm nóng về tội phạm ma túy.
Để bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn huyện Vân Hồ cần những giải pháp mang tính tổng thể vừa trước mắt, vừa lâu dài, giải quyết tận gốc vấn đề “xóa đói, giảm nghèo”, làm cho đời sống đồng bào các dân tộc được nâng lên, nhân dân tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, yên tâm lao động, sản xuất; UBND tỉnh Sơn La đã ban hành Quyết định số 1911/QĐ-UBND ngày 18/7/2014 phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Vân Hồ đến năm 2020. Công an tỉnh Sơn La cũng tham mưu ban hành Phương án số 279 về đấu tranh với tội phạm ma túy, chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy tại xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ và vùng phụ cận. Các đề án, phương án này đã làm chuyển biến căn bản diện mạo địa bàn huyện Vân Hồ, tuy nhiên đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn.
Trước tình hình đó, từ tháng 4/2020, được sự quan tâm, hỗ trợ đặc biệt của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, tỉnh Hưng Yên và các cơ quan, tổ chức, nhà hảo tâm, cùng sự vào cuộc trách nhiệm, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Sơn La, đến nay đã hoàn thành, bàn giao 1.229 ngôi nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở tại huyện Vân Hồ, với trị giá gần 50 tỷ đồng. Những ngôi nhà này được thiết kế theo tiêu chí “3 cứng” là nền cứng, khung - tường cứng và mái cứng. Nền nhà được láng bê tông vững chắc, khung nhà bằng sắt, xây tường, mái lợp tôn chống nóng, chống ồn. Đây là những món quà hết sức ý nghĩa, giúp các hộ nghèo có được nhà ở khang trang, kiên cố, yên tâm phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo và ổn định an ninh, trật tự trên địa bàn.
Là một trong những hộ được hỗ trợ nhà ở, anh Vàng A Ký dân tộc Mông, bản Pa Cốp, xã Vân Hồ (huyện Vân Hồ) chia sẻ: Gia đình anh thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp và làm thuê. Cả nhà gồm 6 người lớn và 1 cháu bé cùng sinh hoạt trong ngôi nhà nhỏ đã hư hỏng, dột nát. Nay được hỗ trợ nhà ở đàng hoàng, kiên cố, gia đình anh rất vui và không còn sợ mỗi khi mưa, nắng.
Hạnh phúc được ở trong ngôi nhà mới khang trang, chị Giàng Thị Súa dân tộc Mông, bản Pa Cốp bộc bạch: Chị có 4 con nhỏ, mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều trông chờ vào tiền công của chồng đi làm thuê. Vì thế, dù căn nhà nhỏ đã dột nát, sinh hoạt chật chội nhưng gia đình chị không có tiền để sửa chữa hay xây mới. Căn nhà là niềm mơ ước bấy lâu nay của gia đình chị. Nếu không được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, chưa biết đến bao giờ gia đình chị mới có được ngôi nhà khang trang, kiên cố. Đây là động lực giúp gia đình chị tích cực lao động sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Trưởng bản Pa Cốp Vàng A Tánh cho biết: Có nhà mới kiên cố, các hộ dân trong bản sẽ yên tâm tập trung lao động sản xuất, phát triển kinh tế và tham gia cùng với cấp ủy, chính quyền giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn.
Cũng như Vân Hồ, Sốp Cộp là huyện nghèo của tỉnh Sơn La. Huyện có 7/8 xã vùng III đặc biệt khó khăn; 4 xã biên giới tiếp giáp với hai tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Băng (Lào). Toàn huyện có khoảng 10.863 hộ, với 50.800 khẩu, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 96,5%; hộ nghèo chiếm 29,26% và hộ cận nghèo chiếm 12,36%.
Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của Trung ương, tỉnh Sơn La, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Sốp Cộp đã đoàn kết, phát huy nội lực, khắc phục mọi khó khăn thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, góp phần từng bước nâng cao đời sống của nhân dân về mọi mặt. Tuy nhiên, là huyện vùng sâu, vùng xa, điều kiện hạ tầng còn hạn chế, chưa đồng bộ; trình độ dân trí không đồng đều, phong tục canh tác lạc hậu, manh mún, nhỏ lẻ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Do đó, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn.
Bí thư Huyện ủy Sốp Cộp Bùi Thanh Thủy cho biết: Việc thực hiện chính sách về nhà ở là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã quan tâm chăm lo cho các đối tượng nghèo. Trong đó, trọng tâm là xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, người có công với cách mạng, người không nơi nương tự, người ốm đau kéo dài và đồng bào các dân tộc sống ở vùng sâu, vùng cao biên giới nhằm từng bước ổn định cuộc sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện.
Tuy nhiên, do là huyện nghèo, quy mô kinh tế nhỏ, nguồn ngân sách và nguồn lực xã hội hóa huy động được không đáng kể so với nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện. Trung bình, mỗi năm huyện xóa được từ 15-20 nhà tạm, nhà dột nát với giá trị từ 350-400 triệu đồng. Trong khi đó nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện còn gần 500 hộ.
Nhằm chung sức hỗ trợ các hộ nghèo khó khăn về nhà ở, tháng 6/2020, huyện Sốp Cộp được Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Sơn La, cùng các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ xóa nhà tạm cho trên 100 hộ, với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Các nhà ở đều đảm bảo diện tích sử dụng theo tiêu chuẩn “3 cứng” (khung-tường cứng, nền cứng và mái cứng), phù hợp với điều kiện tự nhiên, nhu cầu sử dụng và phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số.
Chị Vì Thị Ngương, bản Pói Lanh, xã Mường Và (huyện Sốp Cộp) được hỗ trợ làm nhà chia sẻ: Chị là nông dân thuộc hộ nghèo, chồng mất sớm, một mình nuôi hai con. Bản thân chị lại thường xuyên ốm đau nên kinh tế gia đình rất khó khăn, cơm ăn hàng ngày bữa đủ, bữa thiếu. Mấy năm trước, họ hàng thương tình dựng nhà tạm để mẹ con chị ở che nắng, mưa và tưởng cuộc sống sẽ mãi kéo dài như vậy. Nay được Công đoàn Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng sự chung tay đóng góp của họ hàng và chính quyền các cấp, chị đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, với diện tích 60 m2, 3 phòng ngủ. Đây là niềm vui rất lớn, từ nay chị không phải lo chỗ ở, yên tâm chăm lo cho các con.
Không giấu nổi niềm vui có nhà ở mới, bà Cút Thị Thái dân tộc Khơ Mú, bản Nà Cang, xã Mường Và bộc bạch: Bà năm nay hơn 50 tuổi, cả một quãng thời gian dài sống trong đói nghèo, dưới mái nhà cũ dột nát và chỉ mong có một ngôi nhà kiên cố để ở. Nay đã có nhà mới, bà rất vui và không tin nổi cuộc đời lại được sống trong ngôi nhà kiên cố, thoải mái như vậy.
Những mái ấm tình thương cho các hộ nghèo nơi vùng cao biên giới ở Sơn La không chỉ là tiền đề quan trọng giúp họ yên tâm lao động sản xuất, mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh Sơn La nói riêng và biên giới Tây Bắc của Tổ quốc nói chung.