Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những mái ấm đặc biệt cho trẻ em DTTS

PV - 14:57, 06/06/2018

Mặc dù được nhận tấm bằng thạc sĩ danh giá của Chương trình học bổng Chính phủ Úc, song cô gái Tày ở Hà Giang đã từ chối cơ hội làm việc ở nơi thuận lợi và mức lương hấp dẫn.

Cô trở về địa phương phối hợp với  nhóm chuyên gia xây dựng mô hình giáo dục cộng đồng tại Hà Giang dành cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như khuyết tật, tự kỷ, trẻ em DTTS ở vùng sâu vùng xa… Tham vọng của nhóm là từ mô hình này có thể nhân rộng ra cả nước.

Bài 3: Nơi mở ra chân trời mới

Từ lá thư gửi Bí thư Tỉnh ủy

Chúng tôi gặp Hoàng Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Cộng đồng TP. Hà Giang đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6. Từng có 3 năm học ở trời Tây, song cô gái người Tày vẫn giữ nguyên được những nét mộc mạc, gần gũi. Đặc biệt ở cô luôn toát ra sự nhiệt huyết vô tận với trẻ em DTTS.

Lớp tiếng Anh dành cho trẻ em DTTS Lớp tiếng Anh dành cho trẻ em DTTS

Hoàng Diệu Thúy cho biết, cô sinh ra và lớn lên ở TP. Hà Giang, song gia đình cô quê gốc ở xã Xuân Giang, huyện Quang Bình. Suốt những năm tháng tuổi thơ, cô vẫn thường xuyên về thăm quê để được “tắm mình” trong không gian văn hóa cộng đồng. Mỗi lần về quê, chứng kiến hành trình cắp sách đến trường của các bạn nhỏ đã trở thành 1 phần ký ức luôn day dứt trong cô gái người Tày. Lớn lên tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Thái Nguyên rồi công tác tại Công viên địa chất toàn cầu (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang) những tưởng cuộc đời Hoàng Diệu Thúy sẽ bình yên trôi đi như biết bao con người yên phận khác.

Nhưng cái chất của người miền núi, luôn muốn được thử thách, được chinh phục đã thôi thúc Hoàng Diệu Thúy làm những điều khác thường. Năm 2012, Thúy nỗ lực và giành được học bổng thạc sĩ toàn phần của Chính phủ Úc. Tại đây, cô chọn học ngành Văn hóa và phát triển, nghiên cứu chủ yếu về đề tài dân tộc, đói nghèo, bệnh tật trong các nhóm thiểu số… những mong sau này về góp phần thay đổi quê hương.

Năm 2015, trở về Việt Nam với tấm bằng danh giá, Hoàng Diệu Thúy có quá nhiều lựa chọn cho bản thân mình. Thế nhưng, sự lựa chọn của Thúy không chỉ cho riêng mình, cô muốn làm mô hình giáo dục dựa vào cộng đồng, vì cộng đồng và phục vụ cộng đồng. Đối tượng cô hướng tới chính là trẻ em DTTS có các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Chia sẻ những suy nghĩ của mình với các bạn đồng trang lứa và đồng chí hướng, sự nhiệt huyết của Thúy nhận được sự đồng hành của những người cùng đi học ở Úc về gồm Dương Thu Trang, một cô gái dân tộc Tày Hà Giang và anh Đỗ Quyết Tiến ở Hà Nội.

Ngồi lại với nhau, những tấm lòng chân thiện cùng kiến thức tiên tiến bàn bạc làm một mô hình giáo dục cộng đồng. Họ muốn kết hợp với chính quyền địa phương, xây dựng một mô hình điểm sau đó chuyển giao cho cán bộ cơ sở. Nghĩ là như vậy nhưng trong bối cảnh và cơ chế hiện tại mô hình rất khó triển khai.

Trong lúc khó khăn, Hoàng Diệu Thúy đánh liều vào cổng thông tin điện tử của tỉnh Hà Giang rồi lấy địa chỉ Email của Bí thư Tỉnh ủy. Sau đó, cô gửi một lá thư trình bày toàn bộ tâm huyết cũng như dự định của nhóm. Thúy tâm sự “gửi thì cứ gửi thôi, chứ mình không chắc sẽ nhận được hồi âm”.

Vậy nhưng, lá thư của Thúy được gửi vào sáng thứ 7, ngay lập tức Chủ nhật cô nhận được cuộc điện thoại của ông Triệu Tài Vinh, Bí Thư Tỉnh ủy Hà Giang mời cả nhóm lên gặp mặt vào sáng thứ 2. Trong buổi gặp mặt đó, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cũng tỏ ra rất vui mừng với việc các bạn trẻ đi du học về muốn đóng góp cho quê hương và sẵn lòng tạo điều kiện cho nhóm hoạt động.

Đến Trung tâm Giáo dục cộng đồng

Nút thắt đã được mở, nhóm của Hoàng Diệu Thúy phối hợp cùng với các ban ngành địa phương hoàn tất Đề án “Mô hình thí điểm Trung tâm Giáo dục Cộng đồng thành phố Hà Giang”, ra mắt tháng 8 năm 2017, trực thuộc UBND TP. Hà Giang. Hiện Trung tâm gồm 14 người đến từ nhiều địa phương, nhiều thành phần dân tộc khác nhau nhưng cùng chung một tâm huyết xây dựng một mô hình mới làm mẫu nhân rộng ra toàn tỉnh và các vùng miền núi khác.

Trẻ tự kỷ được các cô kiên trì dạy học Trẻ tự kỷ được các cô kiên trì dạy học

Để thực hiện phù hợp với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hiện nay Trung tâm Giáo dục Cộng đồng TP. Hà Giang thiết kế mô hình với 4 hợp phần. Gồm: Chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em DTTS; chương trình giáo dục đặc biệt; chương trình dạy học theo phương pháp STEM và chương trình thư viện cho em.

Đối với chương trình dạy tiếng Anh cho trẻ em DTTS. Trung tâm chọn các địa phương vùng sâu, vùng xa như các xã Phương Thiện, Phương Độ, Ngọc Đường của TP. Hà Giang rồi đưa giáo viên trực tiếp đến cộng đồng.

Đi cùng với giáo viên của Trung tâm còn có các cộng tác viên trợ giảng là những tình nguyện viên nước ngoài đến Hà Giang. Tình nguyện muốn trợ giảng cũng phải qua vòng phỏng vấn, thẩm định của Trung tâm mới được xuống cộng đồng. Chương trình này, đã góp phần giúp cho trẻ em DTTS ở các xã vùng sâu, vùng xa có thể sử dụng khá tốt tiếng Anh, qua đó góp phần phát triển du lịch ngay tại địa phương.

Đối với chương trình dạy học theo phương pháp STEM (một chương trình tích hợp 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), các chuyên gia STEM từ Mỹ và Hà Nội đã trực tiếp lên Hà Giang, tập huấn cho các giáo viên của trung tâm và giáo viên trên địa bàn để triển khai các hoạt động STEM tại các trường học và Trung tâm.

Mặc dù mới được thành lập, nhưng Trung tâm cũng đã được UBND TP. Hà Giang hỗ trợ đầu tư cho một cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động ban đầu, bao gồm nhiều loại trang thiết bị giáo dục. Sau một thời gian triển khai, mô hình đã giúp trang bị cho các học sinh trong nhà trường những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến 4 lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Đặc biệt, STEM giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể tự tay áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Để thực hiện chương trình thư viện thân thiện cộng đồng, Trung tâm mở một thư viện ngay tại trụ sở. Không những vậy, hằng tuần những cán bộ còn mang sách đến các điểm ở vùng sâu, vùng xa. Tại các buổi này, cán bộ Trung tâm đọc sách, chiếu phim miễn phí cho các em bé người DTTS. Sau khi xem xong, cán bộ sẽ hỏi lại các em về nội dung, cảm nhận… từ đó đưa ra các bài học thiết thực.

Tiếp tục tìm hiểu về mô hình, cán bộ trung tâm đưa chúng tôi đi thăm quan mô hình giáo dục đặc biệt. Tại phòng vận động, em Sùng A Phúc (tên nhân vật đã được thay đổi) năm nay mới 3 tuổi, đang được cô giáo Nguyễn Thiên Nga cho tập chơi đồ chơi lắp ghép. Cô Nga chia sẻ, khi mới đến lớp Phúc bị tự kỷ, cả ngày không nói, chỉ ngồi 1 chỗ. Ai hỏi còn hét lên hoặc đuổi đánh. Thế nhưng, các cô giáo đã phải rất kiên trì, riêng dạy cho trẻ biết đánh răng các cô mất nguyên một tuần. Nhưng được sự dạy dỗ tận tình, qua hơn 3 tháng, Phúc đã bớt hành vi cáu gắt, nhận biết được 1 số bộ phận trên cơ thể. Phát âm được từ 2-3 từ. Biết vỗ tay và thực hiện theo yêu cầu. Chắp ghép các hình học để tạo thành các hình mới theo yêu thích và yêu cầu…

Hoàng Diệu Thúy cho biết, từ tháng 8/2017 đến nay, Trung tâm đã tiến hành can thiệp, trị liệu cho 24 em có hoàn cảnh đặc biệt, với nhiều mức độ dạng tật khác nhau như, tự kỷ, rối loạn giao tiếp, rối loạn tăng động, giảm tập trung. Trong đó có nhiều em có hoàn cảnh rất đáng thương. Như em Mùa A La (tên nhân vật được thay đổi) quê ở huyện Yên Minh, cách trung tâm hơn 100 cây số. A La sinh ra đã mắc chứng bệnh down nên ông bà nội thường hắt hủi 2 mẹ con. Mẹ A La thương con cũng chỉ biết khóc thầm. Rồi đến tháng 10/2017, nghe tin ở TP. Hà Giang có một trung tâm riêng dạy cho trẻ mắc các chứng bệnh đặc biệt, mẹ A La đã trốn gia đình đưa con đi điều trị. Qua 5 tháng A La đi học ở trung tâm, em ngày càng tiến bộ. Nhưng chính lúc này em bị gia đình phát hiện nên cả 2 mẹ con lại bị gia đình bắt về Yên Minh.

Cùng với A La còn nhiều trường hợp khác cũng đáng thương không kém. Cũng như chính trung tâm giáo dục cộng đồng này hành trình của họ hẳn sẽ còn nhiều trắc trở chông gai. Nhưng với những kiến thức học hỏi được, cùng với tấm lòng nhiệt huyết của nhóm chuyên gia, chắc chắn mô hình sẽ nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng đem lại sự đổi thay cho các em DTTS có hoàn cảnh khó khăn.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.