Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Những lớp học trước bình minh

Tùng Lâm - 16:51, 14/07/2023

Vùng biên huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum), 2 giờ sáng, núi rừng đang say giấc bỗng được đánh thức bởi tiếng xe máy chạy dọc các nẻo đường. Trong bộ đồ lao động lấm lem, đầu đội đèn pin, những công nhân cạo mủ cao su hối hả đến các điểm trường gửi con để bắt đầu ngày làm việc mới.

Lớp học của trẻ từ 2,5 đến 3 tuổi của điểm trường số 1, Trường Mầm non 04-3, Chi nhánh 716 thuộc Binh đoàn 15.
Lớp học của trẻ từ 2,5 đến 3 tuổi của Điểm trường số 1, Trường Mầm non 04-3, Chi nhánh 716 thuộc Binh đoàn 15.

Cô Lô Thị Oanh (35 tuổi) và cô Trần Thị Lâm (35 tuổi) cũng vội vàng lên Điểm trường Đội 1 ở thôn Ia Der (xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) để mở cửa đón học sinh.

Theo lời giới thiệu của cô Đặng Thị Mai Hoa - Hiệu trưởng Trường Mầm non 04-3, Chi nhánh 716 thuộc Binh đoàn 15, Trường Mầm non gồm 12 điểm, 24 lớp, nằm rải rác ở các thôn trên địa bàn xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai. Trường Mầm non gồm 221 học sinh với 35 cán bộ, giáo viên, nhận giữ trẻ từ 3 tháng đến 5 tuổi, tất cả đều là con em của công nhân cao su.

Dọn dẹp xong lớp học, cô Oanh và cô Lâm vội rửa mặt để sẵn sàng đón trẻ. Tiếng xe máy rõ dần hơn và tắt hẳn khi đến trước cổng trường, phụ huynh đầu tiên đã đưa con đến lớp. Giờ mở cửa đã khác lạ, cách phụ huynh đưa con đến trường còn đặc biệt hơn. Các em nhỏ đến lớp đều trong tình trạng ngủ say. Một số cháu chỉ 6 tháng tuổi, đang cuộn mình trong chiếc chăn ấm đã phải rời xa vòng tay bố mẹ khi mặt trời còn chưa mọc. Sau khi gửi con cho cô giáo, các công nhân cũng lặng lẽ, yên tâm đi khai thác mủ.

Cô Oanh tâm sự: Trời ráo, phụ huynh đi lại dễ dàng hơn, còn trời mưa, phụ huynh đi lại vất vả, các cháu nhìn rất tội nghiệp. Tôi thấy thương các cháu, đang ấm áp say giấc thì phải đến trường để bố mẹ đi làm. Nhưng cũng chẳng còn cách nào khác để các phụ huynh yên tâm phơi mình ngoài lô khi trời còn tối mịt.

Cô Lâm kể, có những cháu, suốt mấy tháng đầu, còn quen hơi bố mẹ, đến lớp là khóc quấy, một cháu khóc khiến cả đám khóc theo. Lúc này, mỗi cô hai tay 2 cháu, dỗ dành từng cháu một. Có những cháu bị ốm, các cô phải túc trực, ôm trên tay, không nỡ lòng đặt xuống.

Khi các cháu ổn định và dần chìm vào giấc ngủ, các cô cũng tranh thủ chợp mắt, rồi lại thức dậy cùng tiếng gà gáy để chuẩn bị đồ ăn sáng cho các cháu.

Một năm có 12 tháng, nhưng đã có 9 tháng các cô thức dậy ăn sáng cùng các cháu, 3 tháng còn lại là thời gian “nghỉ Hè” của phụ huynh, là lúc mà các cháu được có giấc ngủ trọn vẹn trong vòng tay bố mẹ và cũng là tháng mà các cô giáo hoạt động đúng với thời gian sinh học theo lẽ thường...

Trong bộ đồ lấm lem vết mủ, chị Lan Thị Sen (thôn Ia Der, xã Ia Đal) vội vàng đến đón con sau một ngày làm việc vất vả. Chị Sen cho biết: Nhờ có lớp học trông giữ mà hai vợ chồng yên tâm cạo mủ cao su. Giờ đây, đứa con đầu lòng đã học lớp 4, cháu gái này mới 3 tuổi. Gửi con cho các cô, chúng tôi rất yên tâm. Các cô lo cho các cháu từng bữa ăn, giấc ngủ.

Tạm biệt các cô giáo mầm non Ia Đal, chúng tôi đến làng Thanh Niên, thôn 3, xã Ia Dom (huyện Ia H’Drai) để tìm hiểu về việc gửi con ở nơi này. Làng Thanh Niên chưa có điểm trường mầm non. Để những phụ huynh có con nhỏ yên tâm đi làm về đêm, Công ty Cổ phần Cao su Sa Thầy đã mở một nhà giữ trẻ 2 giờ sáng tại làng.

Được người dân cho ngủ nhờ cách điểm giữ trẻ vài chục mét, tôi không sao chợp mắt được. 1 giờ 30 phút sáng, tiếng xe máy ầm ì trên khắp nẻo đường, lúc này bảo mẫu Võ Thị Hương chở bé Tít, cô con gái 5 tuổi của mình đến nhà trẻ. Bé Tít với đôi mắt lờ đờ, tay ôm chặt chiếc chăn bông từ nhà lên, cô bé đứng đợi mẹ mở cửa rồi phi thẳng vào nhà trẻ ngủ tiếp. Có lẽ cô bé đã hiểu được và thích nghi với công việc của mẹ. Bé Tít không chút phàn nàn hay cáu bẳn khi phải thức dậy sớm cùng mẹ đến lớp.

Bảo mẫu Võ Thị Hương tâm sự: Nhà giữ trẻ có 2 người, vì số lượng con em gửi tương đối ít nên chúng tôi thống nhất chia làm hai ca sáng tối, mỗi tuần sẽ thay phiên nhau đổi ca. Tôi làm bảo mẫu được 3 năm, suốt 3 năm qua, mỗi lần tôi đến giữ trẻ lúc buổi đêm đều phải chở con gái theo, rồi cho cháu vào ngủ chung với mấy đứa nhỏ. Công việc tuy có chút vất vả, nhưng nhờ có nhà giữ trẻ thế này mà các phụ huynh làm công nhân cao su yên tâm làm việc, không phải lăn tăn chuyện gửi con cái để đi làm.

Nhờ có những lớp học trước bình minh, cùng sự chịu khó, chịu khổ của cô giáo, các phụ huynh làm công nhân cạo mủ cao su có thể yên tâm làm việc khi trời còn chưa sáng. Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng với lòng yêu nghề, yêu học trò, các cô giáo nơi vùng biên Ia H’Drai vẫn từng ngày chắp cánh tương lai cho các em học sinh nơi đây.

Gọi là nhà giữ trẻ, nhưng đó chỉ là căn phòng trong dãy nhà mượn tạm của làng. Căn phòng vỏn vẹn hơn 10 m2, có vài tấm ván kê tạm để cách đất, lót thêm tấm nệm mỏng dính, là chỗ cho các em tiếp tục giấc ngủ sau khi rời xa hơi ấm của bố mẹ.

Tin cùng chuyên mục
Tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh tại vùng ảnh hưởng bởi bão, lũ

Tổ chức dạy học linh hoạt cho học sinh tại vùng ảnh hưởng bởi bão, lũ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà trường tại những vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ thực hiện giải pháp dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn để bảo đảm tiến độ thực hiện chương trình theo khung thời gian năm học, không gây áp lực, quá tải cho giáo viên và học sinh.