Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Những lời ru buồn vượt dãy Trường Sơn: Xác định rõ trách nhiệm trong cuộc chiến chống tảo hôn (Bài 3)

Khánh Ngân - 17:12, 10/01/2022

Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn kéo dài dai dẳng, có nguyên nhân từ cán bộ chính quyền ở một số cơ sở, chưa thật sự quyết liệt trong việc xử lý vi phạm, đâu đó vẫn còn tình trạng vị tình, dung túng để tảo hôn tồn tại. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, thôn bản nơi xảy ra tình trạng tảo hôn chưa rõ ràng...

Tảo hôn gắn liền với sinh nhiều con làm cho chất lượng cuộc sống không được bảo đảm
Tảo hôn gắn liền với sinh nhiều con làm cho chất lượng cuộc sống không được bảo đảm

Cần nâng cao mức phạt hành chính

Mặc dù đã có chế tài rõ ràng xử phạt đối với người vi phạm tảo hôn, tuy nhiên, dường như chế tài, phạt hành chính đối với người vi phạm tảo hôn chưa đủ mạnh để răn đe. Đó là chưa kể đến việc, nhiều địa phương “vị tình” không xử phạt, thì hỏi  làm sao đủ sức răn đe để thay đổi nhận thức, đẩy lùi tảo hôn.

Nghị định 82/2020/NĐ-CP ngày 15/7/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có hiệu lực từ ngày 1/9/2020. Theo đó, tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn: Phạt tiền từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng; duy trì quan hệ vợ chồng trái pháp luật với người chưa đủ tuổi kết hôn mặc dù đã có bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án: Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng.

Trên thực tế, nhiều địa phương đã không thực hiện nghiêm chế tài, thậm chí bao biện “vì phong tục, tập quán của đồng bào DTTS”. Đơn cử, ở xã Thanh, một trong những địa phương có nhiều cặp đôi tảo hôn, nhưng trong năm 2021, toàn xã không có biên bản nào xử phạt hành chính về tình trạng tảo hôn.

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển, ông Hồ A Cất, Chủ tịch UBND xã Thanh (huyện Hướng Hóa) thừa nhận: “Địa phương có tồn tại tình trạng tảo hôn. Thế nhưng địa phương mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền vận động, còn xử phạt hành chính thì chưa thực hiện được”.

Trong khi chế tài đã được quy định rõ, tại sao không thực hiện? Phải chăng đó là hình thức “vị tình” trong thực hiện công vụ, để cho tảo hôn vẫn tồn tại? Bên cạnh việc tuyên truyền phổ biến pháp luật để thay đổi nhận thức, việc thực hiện chế tài được cho là một biện pháp hữu hiệu để thay đổi hành vi, thì các địa phương lại xem nhẹ, ngụy biện cho phong tục tập quán!

Đã đến lúc phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống tảo hôn, và hôn nhân cận huyết thống. Đặc biệt là cấp xã, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, nhất là đối tượng là cán bộ, đảng viên.

Không chỉ dừng lại ở việc xử phạt hành chính, mà cần đưa vào hương ước, quy ước thôn bản. Tiêu chuẩn xếp loại gia đình văn hóa, thôn, bản văn hóa cũng cần thiết phải đưa nội dung tảo hôn vào đề bình xét. Bên cạnh đó, cần phải tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, kịp thời đề ra các giải pháp chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Cán bộ dân số huyện Hướng Hóa vẫn xuống tận bản để tuyên truyền, thế nhưng tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra
Cán bộ dân số huyện Hướng Hóa thường xuyên xuống tận bản để tuyên truyền, thế nhưng tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra

Cần phát huy vai trò người đứng đầu

Để tình trạng tảo hôn giảm, tiến tới chấm dứt, thiết nghĩ cũng cần phải có các quy định, chế tài quy trách nhiệm rõ ràng đối với người đứng đầu thôn, bản, xã, huyện, địa phương nơi xảy ra tình trạng tảo hôn. Bởi từ thực tế, mặc dù, các địa phương nơi này cũng đã thực hiện công tác tuyên truyền vận động và xử phạt với người tảo hôn, nhưng tình trạng này vẫn còn tồn tại. Thậm chí ở một số địa phương, tình trạng tảo hôn đang có xu hướng tăng lên.

Hiện nay chưa có quy định nào quy trách nhiệm, trách nhiệm như thế nào đối với người đứng đầu nơi để xảy ra tình trạng tảo hôn. Điều này đã làm giảm đi tinh thần trách nhiệm, sức chiến đấu đối với “cuộc chiến” chống tảo hôn. Vì thế, đã đến lúc cần phải có biện pháp mạnh hơn, trong đó việc quy trách nhiệm với người đứng đầu là cần thiết.

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Thái Ngọc Châu, Chủ tịch UBND huyện Đakrông cho biết: “Chưa có hình thức xử phạt hay kỷ luật Chủ tịch xã, Trưởng thôn bản nơi xảy ra tình trạng tảo hôn, mà chỉ đưa vào đánh giá, xếp loại người đứng đầu và địa phương tồn tại tình trạng tảo hôn”.

Bên cạnh đó, việc chấn chỉnh, xử lý nghiêm những địa phương, đơn vị chưa làm tốt trách nhiệm để tồn tại tình trạng tảo hôn tăng, cũng cần được xử lý kịp thời. Không để xảy ra tình trạng nói chung chung, tuyên truyền lấy lệ. Việc xác định chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị phải luôn được đề cao. Các ban, ngành, đoàn thể cấp xã, nhất là cán bộ phụ trách thôn phải thực sự có trách nhiệm và phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND xã về thực trạng tảo hôn.

Cùng với đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của Người có uy tín, trưởng họ trong “cuộc chiến” chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Có như vậy, “cuộc chiến” chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS mới sớm đi vào hồi kết.

Tin cùng chuyên mục
Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Ông Vi Văn Sơn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An: Tăng cường công tác tham mưu quản lý, điều hành tổ chức hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Thực hiện giai đoạn I: từ 2021-2025 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế-xã hội, cơ sở hạ tầng... Ông Vi Văn Sơn, Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về thành quả, định hướng trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức triển khai hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trong giai đoạn tiếp theo.