Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Phóng sự

Những lời ru buồn vượt dãy Trường Sơn: Hệ lụy từ tảo hôn (Bài 2)

Khánh Ngân - 20:07, 28/12/2021

Thực trạng tảo hôn ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông (Quảng Trị), đặc biệt là ở trong vùng đồng bào DTTS đã đến mức báo động và hệ lụy để lại là không nhỏ...

Tảo hôn khiến vợ chồng trẻ (xin giấu tên) gặp rất nhiều khó khăn trong nuôi dạy con cái và phát triển kinh tế gia đình
Tảo hôn khiến vợ chồng trẻ (xin giấu tên) gặp rất nhiều khó khăn trong nuôi dạy con cái và phát triển kinh tế gia đình

Con đường dẫn đến tảo hôn

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, tảo hôn là việc lấy vợ, lấy chồng khi một bên hoặc cả hai bên chưa đủ tuổi kết hôn, cụ thể là nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên. 

Tảo hôn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, tăng tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh, tăng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi, tăng tỷ lệ tử vong của bà mẹ liên quan đến thai sản; thiếu kiến thức nuôi dạy, chăm sóc con cái; mất cơ hội tìm kiếm việc làm; gia đình nghèo đói, trẻ em thất học; ảnh hưởng đến chất lượng dân số và suy thoái giống nòi; tăng chi phí và áp lực cho xã hội để giải quyết các hậu quả do tảo hôn gây ra trên nhiều lĩnh vực và tạo thành vòng luẩn quẩn của sự nghèo đói, thất học, bệnh tật, không có việc làm tốt. Tảo hôn là vi phạm pháp luật.

Qua tìm hiểu thực tế, nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn vẫn là do trình độ nhận thức còn hạn chế; việc giáo dục con cái của các bậc phụ huynh thiếu chặt chẽ, chưa quan tâm đến đời sống tâm lý khi con bước vào độ tuổi vị thành niên ...

Bên cạnh đó, công tác quản lý học sinh tại các trường trung học phổ thông, phổ thông dân tộc nội trú giữa nhà trường và gia đình chưa chặt chẽ, kèm theo sự phát triển của công nghệ thông tin, mạng xã hội, sự du nhập của văn hóa ngoại lai, lối sống thử, thiếu kinh nghiệm giới tính…, đã ảnh hưởng trực tiếp đến học sinh, nên xảy ra những trường hợp mang thai ngoài ý muốn phải nghỉ học, dẫn đến tảo hôn...

Mặt khác, các chính sách pháp luật về vấn đề hôn nhân và gia đình chưa thực hiện hiệu quả ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Mức xử phạt thấp, chưa đủ sức răn đe, chính quyền địa phương vẫn còn lúng túng trong vấn đề xử lý vi phạm về tảo hôn...

Không có việc làm hoặc cần người để làm việc cũng là yếu tố góp phần làm tỷ lệ kết hôn sớm tăng. Đặc biệt đối với đồng bào DTTS, miền núi thì kết hôn sớm do nhu cầu về lao động là động cơ quan trọng. Những phản ứng từ phía cộng đồng còn rất yếu ớt, hầu hết đều coi đây là chuyện riêng của từng gia đình. Thậm chí cộng đồng không những không phản đối mà còn đồng tình ủng hộ.

Hệ lụy buồn

Theo kết quả khảo sát số liệu trẻ em từ 12 - 18 tuổi trên địa bàn 8 xã gồm 66 thôn ở hai huyện Hướng Hóa và Đakrông có 4.470 trẻ. Số trẻ kết hôn dưới 18 tuổi: 240 trẻ (nam: 73; nữ: 168); tỷ lệ nữ chiếm 70% (phổ biến trẻ em tảo hôn ở độ tuổi 15 - 16). Gần như 100% trẻ sau khi lấy vợ, lấy chồng đều không tiếp tục đi học. Con đường thất học, nghèo đói và lại tảo hôn hiện hữu trước mắt. Gánh nặng của “gia đình trẻ con” ấy lại đè nặng lên gia đình lớn, khó khăn chồng chất khó khăn.

Trường hợp (bên trái ảnh) tảo hôn ở huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đời sống gặp rất nhiều khó khăn
Cán bộ địa phương tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn

Bế đứa cháu nội gần 1 tuổi trên tay, anh Hồ La. V. sinh năm 1981, ở thôn Thanh 1, xã Thanh, huyện Hướng Hóa giọng buồn khi kể về chuyện tảo hôn của con trai. Vì cuộc sống khó khăn, nên anh V. đầu tắt mặt tối trên nương rẫy lo cho gia đình có đến 5 người con. 5 năm qua, 2 con gái lớn đã lập gia đình đúng độ tuổi. Riêng người con trai thứ 3, Hồ Văn M. (sinh năm 2004), anh V. cho con đi học với mong muốn thay đổi cuộc sống, thoát khỏi cảnh đói nghèo.

Nhưng niềm hy vọng của anh V. đã không thể trở thành hiện thực, khi M. bỏ học, tảo hôn với Hồ Thị T. (cũng sinh năm 2004) vào tháng 9/2020 và sinh con gái đầu lòng sau đó ít tháng. Em T. cho hay, cả hai yêu nhau khi học lớp 9 mà gia đình không hề hay biết, rồi vượt quá giới hạn. 

Khi hay tin T. có thai, cả hai gia đình bàn chuyện cưới xin, nhưng vì không đủ tuổi kết hôn nên chỉ làm lễ rồi về ở với nhau. Từ đó, cuộc sống của “vợ chồng trẻ con có thêm con thơ” khó khăn trăm bề. Nhìn cặp vợ chồng trẻ con chăm sóc con nô đùa cùng với đám trẻ gần nhà, chúng tôi thấy xót xa.

Để ngăn chặn và xóa bỏ tình trạng tảo hôn, ngoài sự nỗ lực của cơ quan công tác dân số, rất cần sự quan tâm của các cấp chính quyền và các đoàn thể ở địa phương. Đồng thời, công tác truyền thông phải sát với tình hình thực tế, tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền dễ hiểu, dễ thực hiện, để những câu chuyện buồn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS nói chung, tỉnh Quảng Trị nói riêng đi đến hồi kết.

Tin cùng chuyên mục
Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Những cuộc di cư bất đắc dĩ vì... sạt lở đất

Thành lệ, mỗi khi có mưa kéo dài, nhiều hộ gia đình vùng miền núi Nghệ An lại tất tả di cư để bảo vệ tính mạng. Những cuộc di cư bất đắc dĩ ấy, lại khởi đầu cho một cuộc sống mới khó khăn, vất vả hơn khi mà chốn ở cũ đã bị núi sụt, lũ quét vùi lấp.