Kết quả khả quan
Trong những năm qua, thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, công tác giảm thiểu tình trạng TH và HNCHT trên địa bàn tỉnh từng bước được đẩy lùi.
Đơn cử như tại huyện A Lưới, là một trong những huyện có tỷ lệ TH&HNCHT cao của tỉnh, nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, kết quả giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT đã mang lại kết quả khả quan. Số cặp TH năm sau thấp hơn năm trước, 3 năm gần đây không còn xảy ra tình trạng HNCHT. Qua đó cho thấy tình trạng TH&HNCHT ngày càng được xã hội quan tâm, nhận thức của người dân nhất là đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa được nâng lên.
Theo báo cáo giai đoạn 2015-2020, toàn huyện A Lưới có 129 cặp TH. 02 cặp HNCHT. Số cặp TH giảm qua các năm, cụ thể: năm 2015 có 30 cặp, năm 2019 có 18 cặp, đến tháng 02/2020 có 04 cặp. Trong 8 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh có 38 trường hợp TH và không có trường hợp HNCHT. Qua đó, cho thấy hiệu quả trong việc thực hiện Đề án Giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT trong vùng đồng bào DTTS.
Năm 2021, tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động ngăn ngừa tình trạng TH&HNCHT, tổ chức các buổi truyền thông tư vấn tại cộng đồng như phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ và Đoàn Thanh niên cấp xã tổ chức các hội nghị cung cấp thông tin, buổi nói chuyện tuyên truyền về nội dung giảm thiểu TH&HNCHT.
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp
Giai đoạn 2021-2025, Đề án giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT được thực hiện trên địa bàn các xã vùng đồng bào DTTS thuộc các huyện, thị xã: Nam Đông, A Lưới, Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà
Tỉnh đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp; lãnh đạo xã, cán bộ tư pháp, cán bộ phụ trách văn hóa - xã hội; cán bộ chuyên trách công tác dân số cấp xã và cộng tác viên dân số/y tế thôn, bản; già làng, trưởng thôn, Chi hội phụ nữ, Chi đoàn thanh niên, Ban công tác Mặt trận, Người có uy tín; tổng phụ trách đội, Bí thư đoàn ở các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trong vùng DTTS được tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn, truyền thông thay đổi hành vi về TH&HNCHT.
Phấn đấu giảm bình quân 2% - 3%/năm số cặp TH và không có trường hợp HNCHT đối với các địa bàn DTTS có tỷ lệ tảo hôn cao và còn trường hợp HNCHT; đến năm 2025, phấn đấu ngăn chặn, hạn chế tối đa tình trạng TH trong vùng DTTS.
Để đạt được mục tiêu đề ra, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh sẽ triển khai nhiều nội dung như: Tổ chức các hoạt động cung cấp thông tin về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình..., trên các phương tiện thông tin đại chúng, tờ rơi, tờ gấp, pa nô, áp phích, tranh cổ động.
Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về TH&HNCHT; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, lễ hội; tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí tại cộng đồng và lưu động tại thôn, bản. Biên soạn, cung cấp tài liệu, sản phẩm truyền thông, tài liệu tập huấn về kiến thức, kỹ năng truyền thông, vận động, tư vấn pháp luật liên quan đến luật hôn nhân và gia đình.
Đặc biệt là xây dựng, triển khai nhân rộng mới mô hình điểm và các mô hình chuyên đề “Can thiệp làm giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT” nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và sự tham gia của cộng đồng trong công tác ngăn ngừa TH&HNCHT.