Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những cây cầu xóa vùng “tứ tắc” biên cương

Nguyễn Thanh - 11:29, 24/09/2024

Rảo bước trên những cây cầu đã xây dựng xong, và ngay cả những cây cầu hãy còn dang dở, chúng tôi mang một tâm trạng hân hoan khó tả. Chẳng phải từ đây hết cảnh cách sông lụy đò? Chẳng phải “nhịp cầu nối những bờ vui”, nối liền nhiều vùng đất... rồi sẽ mở ra bao cơ hội đổi đời cho vùng đất còn bộn bề gian khó nơi biên cương xứ Nghệ này.

Cầu Sông Hạt trên lý trình nối quốc lộ 48 vào bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến (Châu Tiến) được xây dựng đã chấm dứt cảnh bất an khi mưa lũ về gây ngập úng
Cầu Sông Hạt trên lý trình nối quốc lộ 48 vào bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến (Châu Tiến) được xây dựng đã chấm dứt cảnh bất an khi mưa lũ về gây ngập úng

Hết cảnh “tứ tắc”

Lũ về, quãng đường từ Quốc lộ 48 vào bản du lịch cộng đồng Hoa Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu, Nghệ An) tắc cứng vì dòng nước chảy xiết. Đường thấp, cầu tràn càng thấp… khiến cho bao người tham gia giao thông bất an, nơm nớp. Nhưng đó là câu chuyện của mấy năm trước. 

Từ đầu năm 2023, tuyến đường và cầu đã hoàn thành, đưa vào sử dụng, chấm dứt tình trạng ngập nước vào mùa mưa lũ. Thầy Nguyễn Bá Vinh, giáo viên trường THCS Châu Tiến chia sẻ: Nhà trường đã an tâm hơn vì học sinh vùng trong ấy đi học an toàn hơn, không còn phải nghỉ học khi lũ to về gây ngập đường như trước.

Chúng tôi đã có nguyên một ngày để chiêm ngưỡng, cảm nhận, lắng nghe sẻ chia của bà con dân bản về những cây cầu mới được dựng xây, đưa vào sử dụng trên địa bàn huyện Quỳ Châu, là cầu Châu Thắng, cầu Châu Bính, cầu sông Hạt, cầu Đồng Minh (xã Châu Hạnh); cầu Khe Cọc (thị trấn Tân Lạc); cầu Tồng Sơn (xã Châu Hội); cầu Tà Chiềng (xã Châu Hạnh)...

Bí thư Huyện ủy Quỳ Châu Nguyễn Thanh Hoài chia sẻ: Mấy năm trước, cứ vào mùa mưa lũ, nhiều xã bị chia cắt, cô lập do nước sông dâng cao gây ngập cầu cống. Huyện rất vất vả trong việc cắt cử lực lượng túc trực chốt chặn để cảnh báo người dân. Nhưng khi các cầu được xây dựng và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2023 đến nay, thì đã xóa thế bế tắc, cô lập của các vùng đất.

Ở vùng Con Cuông, phía hữu ngạn sông Lam là các xã Đôn Phục, Mậu Đức, Bình Chuẩn, Thạch Ngàn… với tiềm năng rất lớn về kinh tế rừng và phát triển lâm nghiệp. Thế nhưng, tiềm năng ấy đang bị bó hẹp bởi cây cầu treo già cỗi, có tải trọng chưa đến 2 tấn. Ngày ngày, dòng người và các phương tiện giao thông nhỏ nối nhau qua cầu trong phập phồng lo sợ.

Cầu Châu Thắng nối quốc lộ 48 với trung tâm xã Châu Thắng được đưa vào sử dụng đã xóa cảnh bị chia cắt, cô lập do nước lũ trên sông Hiếu dâng cao
Cầu Châu Thắng (Quỳ Châu) nối Quốc lộ 48 với trung tâm xã Châu Thắng được đưa vào sử dụng đã xóa cảnh bị chia cắt, cô lập do nước lũ trên sông Hiếu dâng cao

Để phá thế bế tắc của vùng đất, khai thác tốt hơn tiềm năng lợi thế của vùng hữu ngạn trong phát triển lâm nghiệp, huyện Con Cuông lập dự án triển khai xây dựng cầu cứng Thanh Nam; nối thị trấn Con Cuông đi xã Bồng Khê và các xã vùng hữu ngạn. Hiện tại, cầu Thanh Nam đã xây dựng xong, đang tiến hành giải phóng mặt bằng để thi công đường dẫn phía Nam. 

Chủ tịch UBND huyện Con Cuông Lô Văn Thao bày tỏ: Đây là dự án trọng điểm, cấp bách của huyện Con Cuông, góp phần hoàn chỉnh hệ thống mạng lưới giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng, xóa thế bế tắc của các xã vùng hữu ngạn.

Ngoài những cây cầu hàng tỷ đồng trích từ nguồn ngân sách nhà nước, thì mỗi năm còn có nhiều cây cầu nhỏ, có tổng mức đầu tư vài trăm triệu đồng, được xây dựng bằng nguồn tiền xã hội hóa nối các cụm bản, khu dân cư ở vùng sâu, vùng xa. Những cây cầu ấy cũng mang vác sứ mệnh lớn lao trong việc kết nối, thông thương với thế giới bên ngoài để phát triển kinh tế, xã hội cho bản làng.

Nỗ lực để có thêm những nhịp cầu…

“Nhịp cầu nối những bờ vui”, nối liền nhiều vùng đất... rồi sẽ mở ra bao cơ hội đổi đời cho vùng đất còn bộn bề gian khó nơi biên cương xứ Nghệ. Bởi có cầu, thì sẽ khai phá hết tiềm năng, lợi thế của các vùng đất; giúp kết nối, thông thương các bản làng vùng sâu, vùng xa… Thế nhưng, việc thi công cầu ở vùng miền núi đang gặp muôn vàn khó khăn do mưa lũ, diễn biến thất thường và địa hình đồi núi dốc dẫn đến khó vận chuyển nguyên vật liệu.

Những trụ cầu đang xây dựng dở dang nằm trên tuyến đường giao thông từ xã Yên Tĩnh vào các xã Hữu Khuông, Nhôn Mai và Mai Sơn
Những trụ cầu đang xây dựng dở dang nằm trên tuyến đường giao thông từ xã Yên Tĩnh vào các xã Hữu Khuông, Nhôn Mai và Mai Sơn (Tương Dương)

Cứ nhìn vào vị trí án ngữ của hai cây cầu cứng ngay trên tuyến giao thông từ xã Yên Tĩnh đi Hữu Khương, rồi Nhôn Mai và Mai Sơn của vùng lòng hồ bản Vẽ, Tương Dương thì quá rõ. Hiện, đơn vị thi công đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ, khắc phục những khó khăn về việc vận chuyển vật liệu bằng thuyền, phà vượt lòng hồ; về tính toán cốt ngập nước đổ trụ móng cầu…

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Phụ trách Ban quản lý các dự án đầu tư xây dựng huyện Tương Dương nhấn mạnh: Đơn vị thi công đang nỗ lực hoàn thành đường và cầu trong năm 2025. Nhưng những khó khăn hiện tại và diễn biến thất thường của thời tiết khiến cho tiến độ rất khó đạt.

Trong chuyến thực tế hồi cuối tháng 8/2024 của Đoàn công tác Ủy ban Dân tộc tại Kỳ Sơn, chúng tôi đã được chứng kiến những bước chân hối hả của cánh thợ xây trên những nhịp cầu trọng điểm ở huyện rẻo cao này. Hiện tại, hai cây cầu cứng, thay thế cầu treo Xiêng Thù xã Chiêu Lưu và cầu treo Xốp Nhị, xã Hữu Kiệm đang thi công phần trụ móng và đúc dầm. 

Cả hai cây cầu đều bắc qua sông Nậm Mộ, là điểm nút giao thông quan trọng của huyện miền núi Kỳ Sơn trong việc kết nối từ Quốc lộ 7 đi các xã phía Bắc của huyện như Hữu Lập, Hữu Kiệm, Bảo Nam, Bảo Thắng; mang vác sứ mệnh lớn lao trong việc kết nối các bản làng với trung tâm huyện trên những cung đường huyết mạch.

 Ông Nguyễn Viết Hùng, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn tâm sự: Hai cây cầu là những dự án trọng điểm của huyện, đang gấp rút được thi công. Chúng tôi đã chỉ đạo nhà thầu nỗ lực khắc phục khó khăn về thời tiết, về giải phóng mặt bằng để sớm hoàn thành đúng tiến độ, phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân.

Những nỗ lực của bao người thợ trên những cây cầu dang dở, đầy hối hả và gấp gáp. Giấc mơ về những nhịp cầu giờ đã là hiện thực./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.