Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Hạ tầng giao thông đi trước để phát triển vùng khó

Trọng Bảo - 11:46, 04/08/2024

Hạ tầng giao thông được coi là “huyết mạch”, là “chìa khóa” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; thời gian qua, tỉnh Lào Cai đã dành nhiều nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, nổi bật nhất là nguồn lực từ các Chương trình MTQG đã và đang từng bước giải quyết những khó khăn cấp thiết trong việc nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống giao thông nông thôn ở Lào Cai.

Từ nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia, hàng trăm cây số đường giao thông nông thôn ở Lào Cai đã được nâng cấp, mở mới và bê tông hóa
Từ nguồn lực các Chương trình mục tiêu quốc gia, hàng trăm cây số đường giao thông nông thôn ở Lào Cai đã được nâng cấp, mở mới và bê tông hóa

Thôn Nậm Cọ, xã Khánh Yên Thượng, huyện Văn Bàn có thế mạnh trồng cây quế. Có thể nói, cây quế đã góp phần “đổi đời” cho bà con Nhân dân nơi đây; diện tích trồng quế trong thôn ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, trước đây đường vào thôn Nậm Cọ rất khó khăn, khiến việc đi lại, giao thương cũng hạn chế, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của người dân. Nhưng khi tuyến đường giao thông vào thôn với chiều dài 1,5km được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, đã mở ra cơ hội mới cho bà con trồng quế nơi đây. 

Khi có chủ trương làm đường giao thông bà con trong thôn đều phấn khởi, đồng thuận. Dù đất sản xuất ở đây được ví như “tấc đất, tấc vàng”, bởi giá trị từ cây quế nhưng bà con đã hiến trên 2.000 mét vuông đất để tuyến đường hoàn thành theo đúng tiến độ.

Ông Phan Trọng Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Yên Thượng cho biết: Nậm Cọ là thôn ĐBKK của xã; trước đây, đường vào thôn vô cùng khó khăn, những ngày mưa thì phải đi bộ chứ xe máy không thể vào được. Bà con trồng quế nhưng giá cũng thấp vì xe không vào chở được, phải thuê vận chuyển rất tốn kém.

Ông Quang thông tin tiếp, bây giờ xe ô tô có thể vào tận đồi để chở quế, cấp ủy, chính quyền xã, thôn rồi bà con Nhân dân ai cũng vui mừng phấn khởi vì có đường bê tông kiên cố để đi lại. Có đường không chỉ thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, lưu thông hàng hóa, mà việc cán bộ vào thôn tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước cũng thuận lợi hơn trước rất nhiều. Qua đó, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự thôn bản…

Xây dựng giao thông nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi
Xây dựng giao thông nông thôn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi

Còn đối với huyện Bát Xát - huyện 30a của tỉnh Lào Cai, với đặc thù của huyện vùng cao, hầu hết các tuyến đường trong huyện có địa hình phức tạp, đường đến các thôn bản thường dài, nhiều tuyến có khối lượng đào đá nền đường rất lớn, thiên tai bão lũ thường xuyên xảy ra nên việc thi công mở rộng nền đường gặp rất nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, với quyết tâm và cách làm của địa phương, kết hợp lồng ghép các nguồn vốn của Trung ương, địa phương, nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia… hạ tầng giao thông nông thôn của huyện đã có sự phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Tính từ năm 2022 đến nay, đã có trên 123km đường giao thông nông thôn được đầu tư mở mới, nâng cấp và bê tông hóa.

“Huyện đã chủ động phân cấp cho các xã làm chủ đầu tư các tuyến đường giao thông nông thôn, từ đó các xã đã chủ động hơn trong việc lựa chọn các tuyến đường để đầu tư sao cho phù hợp nhất, cấp thiết nhất. Trong quá trình triển khai, huyện đã thành lập Tổ tư vấn hướng dẫn giúp các xã trong việc khảo sát, tư vấn thiết kế, thi công… Nhờ đó, các công trình sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng đều bảo đảm kỹ, mỹ thuật”, ông Lưu Trung Thành, Phó trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bát Xát cho biết.

Xác định giao thông có vai trò là “chìa khóa” để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng vùng DTTS và miền núi; ngay từ đầu nhiệm kỳ, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lào Cai đã chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện khảo sát nhu cầu để xây dựng đề án phát triển giao thông trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng với giao thông nông thôn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 22/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 về “Chính sách đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới”.

Những tuyến đường giao thông đang ngày một nối dài, thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa vùng thấp với vùng cao
Những tuyến đường giao thông đang ngày một nối dài, thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa vùng thấp với vùng cao

Ông Nguyễn Quốc Huy, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Lào Cai cho biết: Tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn tỉnh Lào Cai đã xây dựng được gần 1.000km đường giao thông nông thôn, gần 700km đường giao thông cấp huyện và hơn 700km đường tỉnh lộ… Với đặc thù là tỉnh vùng cao, thu ngân sách còn gặp nhiều khó khăn thì nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia có vài trò rất quan trọng góp phần giúp cho tỉnh Lào Cai củng cố, xây dựng hạ tầng giao thông, trong đó có hệ thống giao thông nông thôn.

Có thể nói, với sự quan tâm và bằng nhiều cách làm trong việc huy động mọi nguồn lực từ các dự án, chương trình chinh sách dân tộc, Chương trình MTQG... những con đường ở nhiều địa bàn vùng DTTS và miền núi tỉnh Lào Cai liên tiếp được mở rộng và làm mới, và đã phát huy công năng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho vùng khó, vùng cao của tỉnh Lào Cai, đưa diện mạo nông thôn thay đổi ngày một khang trang, hiện đại hơn. 

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.