Về thôn Đá Giăng, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu (Phú Yên) những ngày này, bà con ai nấy cũng vui mừng, vì trước Tết Nguyên đán, cây cầu bê tông vững chắc bắc qua suối Đá Giăng đã được hoàn thành, hiện thực hóa ước mơ từ bao đời nay của người dân. Ông Nguyễn Thanh Sơn, một người dân ở đây phấn khởi cho hay: “Tui sống ở đây gần hết đời người. Hằng ngày phải đi qua đi lại bằng cây cầu tạm bợ hoặc lội băng qua suối rất nguy hiểm. Giờ Nhà nước xây cho cây cầu bê tông, bà con ở đây mừng lắm”.
Cũng như người dân thôn Đá Giăng, người dân ở thôn Tân Thuận, xã miền núi Sơn Hội, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) nay đã yên tâm hơn mỗi khi qua suối. Trước đây, người dân trong thôn qua lại suối bằng cây cầu treo bằng gỗ. Khi có dự án LRAMP về thôn, cây cầu được đầu tư xây dựng bằng bê tông cốt thép gồm hai nhịp, dài 16m trước sự vui mừng của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Theo bà Trương Thị Bích Liên, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Hội, trước đây vào mùa mưa, tất cả hoạt động giao thương, vận chuyển nông sản của người dân thôn Tân Thuận đều rất khó khăn, có lúc bị gián đoạn do nước lớn, người dân không qua được suối. Đi lại trên cầu treo thì quá nguy hiểm. Ngày làm cầu bê tông, bà con mừng lắm vì thoát khỏi cảnh nước lũ cô lập.
Được biết, tại Phú Yên, từ năm 2017 đến nay, dự án LRAMP đã thi công và đưa nhiều công trình cầu dân sinh vào sử dụng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt, bảo đảm an toàn giao thông, góp phần thay đổi diện mạo giao thông ở các vùng đặc biệt khó khăn. Theo ông Nguyễn Khoa Khanh, Phó Giám đốc Ban Quản lý Các dự án đầu tư xây dựng tỉnh Phú Yên, điều đặc biệt của dự án LRAMP là, các cây cầu được xây dựng tại các thôn, buôn vùng sâu, vùng xa, nơi bất lợi về giao thông. Tuy kinh phí đầu tư xây dựng mỗi cây cầu không lớn, nhưng rất có ý nghĩa và giá trị đối với cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
Còn ở Bình Định, những năm qua, dự án LRAMP cũng đã tài trợ xây dựng hàng chục cây cầu dân sinh cho những vùng đất khó. Riêng năm 2019, dự án tài trợ hơn 78 tỷ đồng giúp xây dựng 15 cầu. Đơn cử như cầu Thanh Sơn, thuộc xã An Tân, huyện An Lão.
Ông Nguyễn Đức Thạch, Trưởng thôn Thanh Sơn (huyện An Lão), phấn khởi: Lâu nay, người dân xóm 4 rất khổ sở mỗi khi qua lại sông An Lão vì không có cầu. Chỉ cách có hơn 100m nhưng hàng hóa, nông sản muốn đưa đến chợ tiêu thụ phải trung chuyển nhiều lần, chi phí cao, đời sống người dân rất khó khăn. Đặc biệt là đến mùa mưa lũ, học sinh ở xóm 4 phải nguy hiểm vượt sông bằng đò ngang để đến trường. Mỗi khi trong xóm có người ốm cả làng phải xúm vào khiêng võng vượt sông mới kịp đến trạm y tế. Bây giờ, có cầu bắc qua sông rồi, người dân ở đây ai cũng đều rất vui mừng.
Đánh giá về hiệu quả mang lại từ các công trình cầu, cống dân sinh vừa được xây dựng, ông Trần Thanh Dũng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bình Định cho rằng, đây là những công trình giao thông có ý nghĩa rất lớn đối với đời sống dân sinh của người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, góp phần giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.