Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người dân Ea Rớt liều mình cưỡi bè qua suối

PV - 09:33, 11/07/2018

Gần hai năm nay, cứ mùa mưa đến hoặc khi lòng hồ Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đăk Lăk) tích nước, nhiều tuyến đường dân sinh ở thôn Ea Rớt bị ngập sâu 7-8m. Người dân, học sinh phải liều mình, đánh cược sinh mạng trên những chiếc bè tự chế thô sơ để qua suối mưu sinh, học tập

Chỉ tay về phía bên kia con suối Đất, anh Vàng Seo Dễ, người dân thôn Ea Rớt cho biết, rẫy nhà anh ở bên đó. Để qua suối làm rẫy, mùa nắng nước cạn, lòng suối hẹp, gia đình anh phải lội nước sang. Mùa mưa, nước dâng cao, nới rộng khoảng cách từ bờ này sang bờ kia gần 60m, anh và các hộ dân khác góp tiền kết bè tạm để đi.

suối Trẻ em thôn Ea Rớt qua suối bằng bè.

Bè được kết từ thân cây tre, cây sao khô nhẹ, dài khoảng 7-10m. Hai bên bờ, người dân đóng cọc, buộc chặt sợi dây to. Khi lên bè, người dân chỉ cần níu sợi dây buộc sẵn, chiếc bè tự động di chuyển theo. Một lượt bè chỉ chở từ 1-2 người. Nhiều lúc cao điểm đúng giờ đi làm rẫy, người dân lên bè đông mang theo dụng cụ lao động cồng kềnh khiến chiếc bè lật nhào.

Chị Hầu Thị Dua kể, một người dân trong thôn kể, tháng 3/2018, chị địu theo đứa con 1 tuổi cùng người dân lên bè qua rẫy. Chiếc bè trôi đến nửa suối thì đảo nghiêng, đổ cả đoàn người xuống nước. Chồng chị trong nhà nghe tiếng hô hoán nên lao xuống cứu kịp vợ con lên bờ. Sau lần suýt mất mạng ấy, chị Dua rất sợ hãi nhưng vẫn phải qua suối để làm rẫy, nếu không thì biết lấy gì để ăn.

Trưởng thôn Ea Rớt Vàng Seo Măng cho hay, dẫu biết qua suối bằng bè rất nguy hiểm, nhưng người dân ở đây không còn cách nào khác. Bởi khi mùa mưa về, mọi tuyến đường dân sinh đều bị ngập sâu dưới lòng nước. Điểm ngập sâu nhất 7-8m, nơi thấp nhất 4m. Ea Rớt như một “ốc đảo” thu nhỏ, bốn bề bị dòng suối, vách núi chia cắt. Ngay ở trong thôn cũng bị chia tách thành nhiều điểm.Người dân muốn đi từ điểm này sang điểm kia, qua rẫy, ra trung tâm xã Cư Pui, qua huyện Ea Kar hay học sinh muốn đến trường… vào mùa nước dâng cũng phải đi bằng bè.

Không chỉ đi lại, bè còn là phương tiện vận chuyển nông sản của người dân. Vào mùa thu hoạch, chiếc bè hoạt động liên tục, kèm theo đó là số vụ lật bè, rớt suối nhiều vô kể. Nước suối chỉ dâng chứ không chảy xiết và người dân, trẻ nhỏ trong thôn phần lớn biết bơi nên chưa có vụ chết người vì rớt suối. Nhưng số người bị thương, dụng cụ lao động, phương tiện xe máy đi lại bị hư hỏng rất nhiều.Theo ước tính của anh Măng, từ năm 2017 đến nay có 48 chiếc xe máy của người dân bị rớt xuống suối. Người dân phải thuê thợ lặn với giá 1 triệu đồng/chiếc mới vớt xe lên, chưa kể tiền sửa vì hư hỏng nặng.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Cư Pui xác nhận, tình trạng người dân dùng bè để đi lại tại thôn Ea Rớt đã diễn ra gần 2 năm nay, nhất là vào mùa mưa hoặc khi lòng hồ Ea Rớt tích nước. Nhận thấy việc qua sông bằng bè rất nguy hiểm, UBND xã khuyến cáo người dân hạn chế, chỉ đi lại khi cần thiết.

Xã cũng hỗ trợ tiền mua dây thừng, thùng phi nhựa, ván gỗ cho dân đóng bè chắc chắn hơn, đồng thời đã nhiều lần kiến nghị, phản ánh tình hình này lên cấp trên. Năm 2017, UBND tỉnh có phê duyệt dự án đắp 2 điểm bị ngập nước tại khu dân cư Ea Rớt với tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa triển khai vì chưa có vốn.

HẢI ĐĂNG

 

Tin cùng chuyên mục
Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Kim Bôi (Hòa Bình): Phát huy sức mạnh tổng hợp tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi, những năm qua, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm xóa bỏ tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH-HNCHT) và đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Nhằm hiểu rõ sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền cũng như kết quả trong phòng chống TH-HNCHT trên địa bàn huyện, phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Việt Hòa, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kim Bôi về vấn đề này.