Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhịp chiêng làng Tà Vót

Tiêu Dao - Nhị Phương - 11:44, 17/05/2023

Người Co ở làng Tà Vót ai cũng yêu chiêng, coi chiêng như báu vật của dân tộc mình. Chính vì thế, họ giữ chiêng, làm sống dậy hồn chiêng nơi núi rừng bằng cả trái tim nhiệt huyết.

Tiết mục đấu chiêng của Đội cồng chiêng làng Tà Vót biểu diễn tại xã Trà Thủy.
Tiết mục đấu chiêng của Đội cồng chiêng làng Tà Vót biểu diễn tại xã Trà Thủy

Làng có 100 bộ chiêng

Vẳng xa từ trong cây rừng và lá gió, tiếng chiêng trầm vang lên giữa buổi chiều muộn khiến cây cỏ cũng như hân hoan hơn. Người làng Tà Vót (xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) bao năm qua vẫn giữ được nhịp chiêng của mình như thế. Cồng chiêng đối với người làng Tà Vót không chỉ là tài sản vô giá do ông cha để lại mà còn mang giá trị tinh thần to lớn trong đời sống của các thế hệ nơi đây.

Ông Hồ Văn Nam (58 tuổi) làng Tà Vót luôn tự hào rằng, người Co ở Trà Bồng còn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, trong đó có chiêng. Sinh ra, lớn lên ở bản làng, thuở ấu thơ, ông đã theo cha đi biểu diễn chiêng trong các dịp Lễ mừng lúa mới, đám cưới, ăn trâu… Những âm thanh ngân vang của tiếng cồng, tiếng chiêng kết hợp giai điệu du dương đầy mê hoặc ấy đã ngấm vào tâm hồn ông lúc nào không hay.

Ông  Hồ Văn Nam được dân làng Tà Vót yêu quý bởi có những đóng góp trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa cồng chiêng. 
Ông Hồ Văn Nam được dân làng Tà Vót yêu quý bởi có những đóng góp trong việc giữ gìn và bảo tồn văn hóa cồng chiêng

Ông Nam cho biết, hiện nay, toàn huyện Trà Bồng có khoảng 300 bộ chiêng, trong đó xã Trà Thủy có trên 180 bộ chiêng, riêng làng Tà Vót có gần 100 bộ chiêng. Đối với người Co trước khi vào lễ hội, bao giờ cũng thực hiện một nghi thức qua điệu chiêng A Dút và điệu chiêng Pốt Ố để thông báo và mời thần linh, tổ tiên về chứng kiến lòng thành của dân làng. Đồng thời thông báo cho dân làng mình và các làng xung quanh cùng đến vui hội.

Trong các lễ hội truyền thống, người Co sẽ đánh các bài chiêng: Chào khách; tiễn khách, chiêng hội và chiêng cúng thần linh. Mỗi bài chiêng có nhịp điệu, âm hưởng khác nhau theo từng ngữ cảnh. Trong Lễ hội mừng lúa mới, cưới hỏi… nhịp chiêng nhanh, dồn dập, tạo không khí vui nhộn, thể hiện sự hào hứng của mọi người. Trong các nghi lễ tâm linh, nhịp chiêng chậm, trầm buồn như gửi gắm tiếng lòng vào thế giới thần linh…

"Thôn 2 (làng Tà Vót) đã thành lập đội cồng chiêng và tham gia biểu diễn tại nhiều sự kiện văn hóa, lễ hội trên địa bàn huyện. Để triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Huyện ủy về Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các DTTS trên địa bàn huyện Trà Bồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, xã Trà Thủy chuẩn bị thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng thôn 2 để phát huy di sản văn hóa cồng chiêng”.

Ông Hồ Văn Tự Chủ tịch UBND xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng

Cũng trong ngày hội, những trai làng khỏe mạnh, cường tráng nhất thường bắt cặp với nhau thi trổ tài. Thông qua nghệ thuật đấu chiêng mà được dân làng tin tưởng, giao phó gánh vác các công việc hệ trọng của làng.

Giữ gìn “hồn chiêng”

Ở làng Tà Vót, gia đình ông Hồ Văn Nam được coi là gia đình cồng chiêng bởi qua 5 - 6 đời, những thế hệ trong gia đình ông đều là “nghệ nhân chiêng” tài hoa có tiếng trong vùng. Cha của ông Hồ Văn Nam là già làng Hồ Văn Ba xưa kia chưa bao giờ vắng mặt trong đội chiêng của làng tham gia diễn tấu trong các nghi lễ mừng lúa mới, đám cưới, lễ ăn trâu…

Hiện tại, gia đình ông Nam vẫn lưu giữ được 10 bộ chiêng quý gia truyền. Đối với ông, những bộ chiêng này là tài sản vô giá, dù người ta trả bao nhiêu tiền, của, ông cũng không bán, không đổi. Ông Nam bày tỏ: “Cồng chiêng là tài sản ông cha truyền lại nhiều đời, mình phải có trách nhiệm giữ gìn để truyền lại cho con cháu”.

Ở cạnh nhà ông Hồ Văn Nam là gia đình ông Hồ Văn Điệp cũng đang lưu giữ 12 chiếc chiêng quý. Những chiếc chiêng này được ông Điệp cất giữ cẩn thận, chỉ đến khi có lễ hội mới mang ra sử dụng.

Vũ điệu dân gian của người Co làng Tà Vót.
Vũ điệu dân gian của người Co làng Tà Vót

Cùng với việc gìn giữ cồng chiêng, những thế hệ lớn tuổi như ông Nam, ông Điệp đều tâm huyết truyền dạy cho con, cháu cách đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng trong cuộc sống mới hôm nay. “Cồng chiêng cũng có “tâm hồn”, muốn điều khiển được chiêng phải hiểu sâu, coi chiêng như người bạn tri âm. Khi chơi chiêng, tâm hồn mình và hồn chiêng hòa quyện vào nhau, đẩy lên những âm thanh da diết, tuyệt vời”, ông Nam giải thích.

Từ sự chỉ dạy của những thế hệ đi trước, thế hệ thanh - thiếu niên người Co ở Tà Vót và xã Trà Thủy đã có thể chơi thành thạo tất cả các bài chiêng của dân tộc mình. 2 người con trai của ông Nam cũng chơi chiêng rất giỏi. Cứ như vậy, lớp trước dạy lớp sau để hồn chiêng được vang vọng mãi.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.