Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người Co lưu giữ nghệ thuật đấu chiêng

Tấn Vịnh - 08:27, 09/04/2023

Thời xưa, một nhóm người Co di cư từ huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) sang huyện Trà My (tỉnh Quảng Nam) sinh sống và chọn nơi đây là “quê hương thứ hai”. Bên này bên kia cách nhau bởi ngọn núi Răng Cưa huyền thoại. Là người đồng tộc cận cư với nhau nên bà con ở hai địa phương, thường qua lại thăm hỏi, hỗ trợ và gắn bó nhau trong cuộc sống sản xuất và sinh hoạt văn hóa, lễ hội cộng đồng.

Các nghệ nhân dân tộc Co huyện Trà Bồng thi tài đấu chiêng đôi trong Lễ hội văn hóa dân tộc Co tại huyện Bắc Trà My
Các nghệ nhân dân tộc Co huyện Trà Bồng thi tài đấu chiêng đôi trong Lễ hội văn hóa dân tộc Co tại huyện Bắc Trà My

Dân tộc Co có số dân khoảng dưới 30.000 người, phân bố chủ yếu ở 2 huyện Trà Bồng, Tây Trà (tỉnh Quảng Ngãi), với khoảng trên 24.500 người. Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chỉ có khoảng trên 4.500 đồng bào Co cư trú tại huyện Bắc Trà My và số ít ở Tam Trà, huyện Núi Thành.

Trong di sản văn hóa tộc người, bà con người Co còn bảo lưu nhiều loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo. Tuy nhiên, tại vùng đồng bào Co ở Bắc Trà My, một số loại hình nghệ thuật như diễn xướng, trang trí hoa văn, điêu khắc gỗ... đã bị thất truyền. Và chính các nghệ nhân ở Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã truyền dạy cho những người đồng tộc ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My để một số loại hình nghệ thuật được sống lại trong cộng đồng.

Người Co hầu như ai cũng biết nhạc và múa. Thế giới của âm thanh dường như hiện diện ở nhiều nơi trong cộng đồng Co. Nhạc, múa, trò diễn của người Co có khi là sinh hoạt thường ngày, có khi gắn với mục đích như xua đuổi chim thú, bảo vệ mùa màng, có khi lại gắn với nghi lễ thiêng liêng. 

Trong nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, người Co đã sáng tạo ra cách diễn tấu đặc sắc, mang đậm dấu ấn tộc người. Mỗi dịp lễ hội thì tiết mục đấu chiêng luôn được đồng bào chờ đợi, người chơi luôn hào hứng, thể hiện tài năng của mình.

Những nghệ nhân trẻ dân tộc Co xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My ( Quảng Nam) diễn tấu bài chiêng được các nghệ nhân huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) truyền dạy
Những nghệ nhân trẻ dân tộc Co xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My ( Quảng Nam) diễn tấu bài chiêng được các nghệ nhân huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) truyền dạy

Người Co xem đấu chiêng như một nghệ thuật đặc sắc, chỉ dành cho thanh niên, trai tráng có đủ sức vóc và có tài diễn tấu. Bởi vì lối đánh chiêng như đấu võ, thể hiện sức mạnh, sự dẻo dai, nhanh trí của người tham gia thi đấu. Nhạc cụ dành cho tiết mục đấu chiêng gồm 2 chiêng (chếch) và 1 chiếc trống (a-gơl). Tham gia đấu chiêng chỉ gồm 3 người: Một người dùng chiêng vợ, một người dùng chiêng chồng để đấu với nhau. Người thứ ba tham gia đánh trống, đóng vai trò như trọng tài giữ nhịp, kích thích cho hai bên thi đấu.

Với tiết mục đấu chiêng đôi, âm sắc nhạc điệu càng thêm độc đáo. Người diễn xướng vừa chơi nhạc cụ giỏi, vừa có sức khỏe tốt để diễn tả những động tác mạnh mẽ giống như võ sĩ. Người diễn thể hiện tinh thần thượng võ, vừa mang dáng dấp của nghệ sĩ, làm cho người xem thán phục, cổ vũ để họ trổ tài diễn xuất hết mình.

Chiêng đối đáp chẳng những được các nghệ nhân dân tộc Co ở Quảng Ngãi, biểu diễn trong các lễ hội truyền thống ở làng, mà còn mang đi trình diễn trong các lễ hội giao lưu văn hóa ở huyện, tỉnh và cao hơn là tầm khu vực và quốc gia. Nhiều nghệ nhân đấu chiêng giỏi cũng được mời đến tham gia, giao lưu với đồng bào mình tại Bắc Trà Mi (tỉnh Quảng Nam).

Điệu múa ka đấu và diễn tấu chiêng đôi trong đêm hội ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)
Điệu múa ka đấu và diễn tấu chiêng đôi trong đêm hội ở xã Trà Kót, huyện Bắc Trà My (Quảng Nam)

Còn nhớ, vào dịp Lễ hội Văn hóa Thể thao dân tộc Co của huyện Bắc Trà My, tổ chức vào năm 2013 tại xã Trà Kót, tiết mục hấp dẫn nhất là biểu diễn chiêng đối đáp với sự tham gia của các nghệ nhân dân tộc Co đến từ huyện Trà Bồng. Tại lễ hội Văn hóa Thể thao các dân tộc miền núi tỉnh Quảng Nam năm 2014, tổ chức tại huyện Bắc Trà My, tiết mục chiêng đối đáp được trình diễn trong lễ khai mạc, do các nghệ nhân dân tộc Co tại huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) và nhóm nghệ nhân xã Trà Kót múa ka đáu phù họa, là tiết mục hay nhất, gây ấn tượng nhất đối với du khách.

Chiêng đối đáp là một di sản văn hóa phi vật thể có giá trị nghệ thuật của dân tộc Co. Loại hình nghệ thuật này được đồng bào dân tộc Co ở Quảng Ngãi phát huy tốt, có nhiều nghệ nhân biểu diễn xuất sắc. Trong khi đó, ở Quảng Nam, đấu chiêng đồng bào Co không còn xuất hiện trong sinh hoạt lễ hội.

Gần đây, huyện Bắc Trà My đã mời một số nghệ nhân như Hồ Văn Biên, Hồ Văn Vương ở xã Trà Sơn, huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) đến, trực tiếp truyền dạy cho 15 thanh niên dân tộc Co tại hai xã Trà Nú và Trà Kót về nghệ thuật diễn tấu chiêng đôi. Các nghệ nhân đã dạy các bài bản tấu chiêng, qua đó họ đã truyền ngọn lửa đam mê nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng cho chính bà con dân tộc của mình.

Điệu múa ka đấu của dân tộc Co huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) tại Lễ hội phục dựng cây nêu các dân tộc tại huyện Tây Giang (Quảng Nam)
Điệu múa ka đấu của dân tộc Co huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) tại Lễ hội phục dựng cây nêu các dân tộc tại huyện Tây Giang (Quảng Nam)

Mỗi lần tổ chức lễ hội như Lễ Giã rạ, Lễ Cầu mùa, bà con dân tộc Co hai bên đều mời đại diện gia đình, tộc họ qua dự. Các nghệ nhân am hiểu nghệ thuật múa, tấu chiêng, điêu khắc trao đổi lẫn nhau, cùng hòa mình trong nhịp trống chiêng, điệu dân vũ lôi cuốn, trong men say của hơi ấm cộng đồng.

Nhờ vậy, nghệ thuật đấu chiêng đôi và một số loại hình diễn xướng dân khác của đồng bào Co cư trú trên địa bàn Quảng Nam, đã được phục hồi, di sản quý báu đã được truyền lại cho thế hệ trẻ. Mỗi lần hội làng, các nghệ nhân trẻ ở Trà Kót tự mình biểu diễn và tiếp tục phổ biến cho những người khác trong làng. 

Trong các sự kiện giao lưu văn hóa, lễ hội quy mô cấp tỉnh, khu vực được tổ chức trong thời gian gần đây, điệu chiêng đối đáp của nghệ nhân dân tộc Co đến từ Bắc Trà My, Trà Bồng cùng cất lên âm điệu, cùng nhau giữ gìn, trao truyền nét tinh hoa trong văn hóa tộc người ở miền núi Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.