Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Nhìn lại để đi tới

Sỹ Hào - 14:13, 20/01/2020

Cách đây gần 17 năm, ngày 12/3/2003, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 24). Để nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống, yêu cầu đặt ra là phải xây dựng được Chương trình hành động sát với thực tiễn, từ đó huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đưa nghị quyết trở thành sức mạnh hành động.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai giảng năm học mới của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tại xã Đăk Hà-Tu Mơ Rông - Kon Tum ngày 05/9/2018).
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước luôn quan tâm phát triển vùng DTTS và miền núi. (Trong ảnh: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Lễ khai giảng năm học mới của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tại xã Đăk Hà-Tu Mơ Rông - Kon Tum ngày 05/9/2018)

Ngày 12/6/2003, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 122/2003/QĐ-TTg về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 24. Chương trình hành động của Chính phủ đã xác lập một hệ thống chính sách đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực cho vùng DTTS và miền núi.

Hệ thống chính sách đó liên tục được bổ sung, sửa đổi để phù hợp với yêu cầu trong từng giai đoạn cụ thể. Theo thống kê, vùng DTTS và miền núi đã có tổng cộng 118 chính sách đầu tư, hỗ trợ, bao phủ hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; trong đó có 54 chính sách trực tiếp và 64 chính sách gián tiếp.

Kết quả kiểm tra của Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 24 trong năm 2019 cho thấy, các chính sách phát triển kinh tế, an sinh xã hội là những chính sách đã đóng góp rất lớn vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn vùng DTTS và miền núi; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được cải thiện.

Tính đến hết tháng 6/2019, vùng DTTS và miền núi có khoảng 3.241 xã/7.165 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; bản sắc văn hoá truyền thống của các dân tộc được bảo tồn, phát triển. Tính riêng 3 năm (2016 – 2018) đã có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS được xếp hạng di tích quốc gia; có 126 di sản văn hóa phi vật thể, 276 nghệ nhân ưu tú là người DTTS được công nhận. Cũng trong 3 năm này, đã có 6 dân tộc được tổ chức ngày hội văn hóa riêng của mình (Dao, Mường, Mông, Thái, Chăm, Khmer).

Điểm nhấn ấn tượng nhất trong lĩnh vực công tác dân tộc sau khi có Nghị quyết 24 đến nay là giảm tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS. Một số liệu của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp-Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, năm 2002, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS chiếm 69% tổng số hộ nghèo cả nước. Đến năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo người DTTS chiếm 55,27% tổng số hộ nghèo cả nước.

Nhìn qua, từ năm 2002 đến nay tỷ lệ hộ nghèo người DTTS giảm không nhiều. Nhưng nguyên nhân là, năm 2002, mỗi nhân khẩu/hộ có thu nhập bình quân dưới 210.000 đồng/người/năm được xác định là hộ nghèo khu vực nông thôn; còn nay, định mức đã được tăng lên thành dưới 700 nghìn đồng/người/năm.

Nhưng quan trọng hơn, thời điểm năm 2002, tiêu chí để xác định là hộ nghèo chỉ căn cứ vào thu nhập bình quân (nghèo đơn chiều). Còn từ năm 2016 đến nay, việc thống kê tỷ lệ hộ nghèo được xác lập theo bộ tiêu chí nghèo đa chiều, tức là ngoài thu nhập còn có các tiêu chí tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (nhà ở, giáo dục, y tế, thông tin,…).

Do đó, trên thực tế tỷ lệ hộ nghèo là DTTS vẫn giảm sâu. Điều này thể hiện rõ ở tiêu chí về thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng lên rất đáng kể. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2002, thu nhập bình quân đầu người ở vùng DTTS chỉ đạt xấp xỉ 271 nghìn đồng/người/năm; đến năm 2010 tăng lên 4,2 triệu đồng/người/năm, đến năm 2018 đã tăng lên khoảng 21 triệu đồng/người/năm, tức là tăng gấp hơn 77 lần.

Những kết quả đạt được trong lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc sau khi Nghị quyết 24 được ban hành là niềm khích lệ lớn lao cho cả hệ thống chính trị. Đây là động lực để các cấp ngành, địa phương nỗ lực hơn cho sự nghiệp phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi, bởi phía trước vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức.

Tại Hội thảo “Công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào DTTS” do Ban Chỉ đạo Trung ương tổng kết Nghị quyết 24 tổ chức ngày 8/8/2019, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã chỉ ra thực tế, vùng DTTS và miền núi đã, đang và tiếp tục là “lõi nghèo của cả nước”; đồng bào các DTTS đang đứng trước “nguy cơ” tụt hậu ngày càng xa hơn so với sự phát triển chung của đất nước.

Sau khi tổng kết Nghị quyết 24, trên cơ sở những thành quả đã đạt được cũng như nhận diện đúng và trúng những tồn tại, hạn chế, tin rằng lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc sẽ có bước đột phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Niềm tin đó được củng cố vững chắc khi trước thềm năm mới 2020, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 65-KL/TW, ngày 30/10/2019 về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24. Đây là văn bản “khung” để Quốc hội, Chính phủ xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Trước mắt là triển khai Nghị quyết số 88/2019/QH14, tập trung xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Tin cùng chuyên mục
Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 20/9, có những thông tin đáng chú ý sau: Nhân lên tình người vượt mưa lũ. Phát triển du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm. Già làng Alăng Đàn làm cầu treo cho dân. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.