Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình khẳng định: Hội thảo “Hội Nông dân tham gia phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào DTTS và miền núi” được tổ chức tại tỉnh Hoà Bình có ý nghĩa rất quan trọng. Đây là dịp để Trung ương và các tỉnh, thành phố đại diện cụm thi đua cả nước và các tỉnh miền núi phía bắc đánh giá kết quả đã đạt được trong những năm qua. Đồng thời chia sẻ những vướng mắc khó khăn, kinh nghiệm trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ chung của từng địa phương; có điều kiện phối hợp, tham gia thúc đẩy phát triển KT- XH đồng bào DTTS và miền núi những năm tiếp theo.
Trải qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác Dân tộc và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW ngày 23/9/1994 của Ban Bí thư khóa VII về một số công tác ở vùng dân tộc Mông, cơ sở hạ tầng vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi được xây dựng đồng bộ hơn; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt, đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 25,5% (giảm hơn 3% so với năm 2017); kết cấu hạ tầng KT-XH thay đổi rõ rệt: 98,6% xã có đường ô tô đến trụ sở UBND xã, có 99,8% số xã và 95,5% số thôn có điện…
Thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, các cấp Hội Nông dân đã xây dựng được trên 10.500 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGap, trên 170.000 mô hình sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh: Đoàn kết các dân tộc có vị trí chiến lược trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Đầu tư phát triển toàn diện KT-XH vùng DTTS và miền núi là một chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước. Nguyên tắc cao nhất, đảm bảo cho sự đoàn kết và phát triển toàn diện của các dân tộc là Bình đẳng, tôn trọng, đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển.
Xuất phát từ vị trí, tầm quan trọng nêu trên, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết 24-NQ/TW về công tác dân tộc; Ban Bí thư khóa VII đã ban hành Chỉ thị 45-CT/TW về một số công tác ở vùng dân tộc Mông.
Trải qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW, chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng, toàn diện. Cơ sở hạ tầng vùng DTTS và miền núi được xây dựng đồng bộ hơn; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa được quan tâm đầu tư phát triển; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được cải thiện rõ rệt; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi được giữ vững; niềm tin vào Đảng và nhà nước được củng cố và tăng cường.
Tuy vậy, từ thực tiễn cũng cho thấy, một số chủ trương, chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong nghị quyết của Trung ương, kết luận, chỉ thị của Bộ Chính trị chưa đạt được; nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh trong thực tế chưa được giải quyết thấu đáo. Báo cáo thẩm tra của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho thấy, hiện nay vùng DTTS và miền núi là vùng khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất, KT-XH phát triển chậm nhất, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản thấp nhất, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Trong xu thế hội nhập và phát triển, thời cơ thách thức đối với vùng DTTS và miền núi đan xen, hàm chứa một số yếu tố khó lường, đòi hỏi phải đánh giá đúng đắn kết quả đạt được, chỉ rõ hạn chế, bất cập, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đề ra chủ trương giải pháp phù hợp trong tình hình mới.
Vì trên 92% đồng bào DTTS sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi thực chất là giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Nếu nông nghiệp, nông thôn miền núi phát triển thì đời sống đồng bào DTTS được cải thiện và ngược lại. Làm sao để đồng bào DTTS sinh sống được từ nghề rừng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây dược liệu, hương liệu; chăn nuôi đại gia súc, gia cầm; du lịch sinh thái gắn với văn hóa đặc sắc của các dân tộc, thì công cuộc xóa đói, giảm nghèo của chúng ta thành công. Để thực hiện được những điều như thế thì vai trò, vị trí của Hội Nông dân các cấp đặc biệt quan trọng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Đỗ Văn Chiến đề nghị hội thảo tập trung làm rõ một số nội dung như: Quá trình tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương, Chỉ thị của Ban Bí thư ở các cấp Hội; các kết quả đạt được đã tương xứng với đòi hỏi thực tiễn chưa; những nội dung bức xúc nhất mà hội viên là đồng bào DTTS đang gặp phải và các giải pháp phù hợp nhằm giảm dần khoảng cách phát triển giữa vùng DTTS và miền núi với các vùng khác…
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi những kinh nghiệm và có những kiến nghị nhằm thực hiện hiệu quả hơn chính sách phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi phía Bắc; Hội Nông dân nhân rộng mô hình nhà nông làm du lịch tại vùng đồng bào Mông…
( cema.gov.vn )