Chuyển biến rõ nét
Ngày 12/3/2003, tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc. Trước đó, ngày 23/9/1994, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII cũng đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW về một số công tác ở vùng đồng bào dân tộc Mông.
Đây là hai văn bản “khung” để Quốc hội, Chính phủ xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ, từng bước phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW và 25 năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW, kinh tế-xã hội của các địa phương vùng DTTS và miền núi đã có sự thay đổi nhất định; đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên, an sinh xã hội từng bước được cải thiện; quốc phòng-an ninh được giữ vững.
Lấy huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) để dẫn chứng. Là huyện vùng cao biên giới và là một trong những huyện nghèo của cả nước, Bảo Lạc đã được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh thông qua các dự án từ nguồn 30a, 134, 135, 120... Nhờ đó, hiện 100% trung tâm xã, thị trấn của Bảo Lạc đã có điện lưới quốc gia, đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã được phủ sóng điện thoại; trụ sở xã, trường học được xây dựng cơ bản, các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội năm sau cao hơn năm trước.
Cơ sở hạ tầng được đầu tư, đồng bào các dân tộc được hỗ trợ phát triển đã góp phần tăng thu ngân sách của địa phương. Nếu như năm 2009, thu ngân sách trên địa bàn của Bảo Lạc chỉ được 2,5 tỷ đồng thì đến năm 2018, huyện thu ngân sách đạt trên 32 tỷ đồng.
Hay như huyện Mường Tè (Lai Châu), hiện 100% các xã của huyện đã có đường ô tô đến trung tâm, 100% các xã đều có điện lưới quốc gia… Hết năm 2018, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 21 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 42,35% (bình quân giảm 5-6%/năm). Hầu hết đồng bào DTTS nghèo ở vùng sâu, vùng xa đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, các giá trị văn hóa được giữ gìn, phát huy và bảo tồn.
Cuộc sống mới với nhiều đổi thay rõ nét cũng hiện diện ở khắp các bản làng, phum sóc của cộng đồng các DTTS trên tất cả các vùng miền đất nước. Từ nguồn lực của các chính sách đầu tư, hỗ trợ, vùng DTTS và miền núi đã đạt được những kết quả quan trọng.
Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, tính đến hết năm 2018, 100% xã thuộc vùng DTTS và miền núi có đường ô tô đến trung tâm, 99% trung tâm xã và 80% thôn có điện, hơn 50% xã có trạm y tế đạt chuẩn… Cơ sở hạ tầng được đầu tư đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo. Chỉ tính trong 3 năm (2016-2018), bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực này giảm 3,5%/năm.
Tạo “cú hích” để phát triển toàn diện
Phải khẳng định, diện mạo nhiều bản làng miền núi có đông đồng bào DTTS đã thực sự “thay da, đổi thịt”, nhất là trên phương diện xóa đói giảm nghèo. Có được kết quả này một phần lớn từ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Theo thống kê, hiện có 54 chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế cho vùng DTTS và miền núi còn hiệu lực.
Cùng với chính sách để tạo động lực cho đồng bào DTTS phát triển, nguồn lực Nhà nước đầu tư cũng tăng trưởng theo từng năm. Trong đó, giai đoạn 2016-2020, Chính phủ bố trí gần 200.000 tỷ đồng cho 53 tỉnh có đồng bào DTTS, tăng gấp 2,28 lần so với giai đoạn 2011-2015. Vốn ODA đầu tư cho khu vực DTTS cũng tăng rất nhanh; giai đoạn 2016-2020, 3 khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ được dành hơn 38.000 tỷ đồng, tăng 2,47 lần so với giai đoạn 2011-2015…
Kết quả đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW và 25 năm thực hiện Chỉ thị 45-CT/TW là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, một thực tế đang hiện hữu là, dù tỷ lệ hộ nghèo là DTTS tuy có giảm nhanh nhưng vẫn còn rất cao. Như huyện Mường Tè (Lai Châu), dù bình quân giảm tỷ lệ hộ nghèo 5-6%/năm nhưng hiện tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn 42,35%. Hay như Minh Hóa (Quảng Bình), hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chung của huyện là 24,47% nhưng hộ nghèo là người DTTS vẫn chiếm tỷ lệ 71% tổng số hộ DTTS của toàn huyện…
Cùng với việc tỷ lệ hộ nghèo còn cao thì thu nhập bình quân của đồng bào DTTS vẫn rất thấp so với mức bình quân chung. Như huyện Mường Tè, năm 2018, thu nhập bình quân chung chỉ đạt 21 triệu đồng/người/năm; trong khi bình quân chung của tỉnh Lai Châu là 33 triệu đồng/người/năm. Còn tại Nghệ An, thu nhập bình quân chung của tỉnh năm 2018 là 36,64 triệu đồng/người/năm thì bình quân thu nhập ở khu vực đồng bào DTTS chỉ đạt 29,9 triệu đồng/người/năm…
Nêu vậy để thấy, để phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, việc rà soát, sửa đổi cũng như xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ mới phù hợp hơn là điều chắc chắn phải thực hiện. Bởi qua thực tế trao đổi, tiếp xúc với đồng bào DTTS ở nhiều vùng, miền trên cả nước, có thể lấy một ví dụ về ban hành chính sách thế nào cho phù hợp. Đó là việc người nghèo ở TP. Hồ Chí Minh chỉ cần vay 10 triệu đồng, đầu tư 1 xe bán bánh mì là có thể xóa nghèo. Nhưng với hộ nghèo ở Tây Nguyên, được vay 10 triệu đồng thì lại khó khăn khi không đủ đầu tư cho trồng cây cà phê hay cao su để xóa nghèo trên vùng đất của mình.
Như vậy, không phải cứ ở thành phố cần vay vốn nhiều và ở miền núi cần vay ít. Do đó, yêu cầu quan trọng nhất là phải rà soát được tất cả các chính sách, đánh giá việc thực hiện các chính sách đó và đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành chính sách mới phù hợp đối với đồng bào DTTS trong tình hình mới.
SỸ HÀO