Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW ở Thái Nguyên: Tạo động lực để Thái Nguyên trở thành trung tâm kinh tế vùng Đông Bắc

PV - 09:46, 21/05/2019

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc, kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng DTTS và miền núi của tỉnh Thái Nguyên từng bước ổn định và phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS không ngừng được nâng lên.

Thái Nguyên Người dân bản Lũng Cà, xã Thượng Nung, Võ Nhai góp công làm đường bê tông, với sự hỗ trợ từ các chính sách dân tộc.

“Xuống núi”-đó là suy nghĩ của anh Hoàng Văn Tài, dân tộc Mông, Bí thư Chi bộ, Người có uy tín xóm Mỏ Chì, xã Cúc Đường, huyện Võ Nhai cách đây đúng 15 năm. Anh Tài chia sẻ: Người Mông xưa nay vốn quen sống trên núi cao, đường sá đi lại khó khăn nên ít giao lưu. Hàng hóa, sản phẩm làm ra ít được buôn bán, tiêu thụ bên ngoài. Vì thế cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Phải thay đổi mới có cuộc sống ấm no hơn.

Cuối năm 2004, anh Tài quyết tâm thực hiện suy nghĩ của mình bằng việc “hạ sơn”. Hồi mới xuống núi, dù gặp nhiều khó khăn nhưng với bản tính cần cù, chịu khó, anh Tài chắt chiu từng cơ hội, từng sự hỗ trợ để vươn lên.

Hơn một năm sau, thực tế đã chứng minh quyết định của anh Tài là sáng suốt. Với nguồn lực đầu tư từ các chính sách dân tộc, anh Tài được hỗ trợ ngô giống, phân bón. Cuộc sống dưới chân núi khá thuận lợi, việc dẫn nước trồng cây lúa, cây ngô dễ dàng hơn trên núi. Xe máy đi từ nhà đến chợ chỉ mất 10 phút nên bắp ngô, con gà dễ dàng mang ra chợ bán. Bằng sự cần cù, chịu khó, cuộc sống của anh Tài đã có những đổi khác. Sau 3 năm, anh đã có của ăn, của để. Đến nay đã có gần nửa số hộ dân ở Mỏ Chì theo anh Tài “hạ sơn”. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình như hộ anh Hoàng Văn Nguyên, Trương Văn Thanh hiện có 6 con trâu, bò; hộ anh Ngô Văn Tờ, Dương Văn Khèn vay vốn trồng cây ăn quả, hằng năm thu về 30-40 triệu đồng…

Ông Dương Văn Tiến, Bí thư Huyện ủy Võ Nhai khẳng định: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24, đời sống KT-XH vùng đồng bào DTTS huyện Võ Nhai đã có nhiều chuyển biến đáng kể. Với tổng nguồn lực đầu tư trên 1.500 tỷ đồng (từ năm 2003-2018), huyện đã đầu tư kết cấu hạ tầng và hỗ trợ sản xuất cho đồng bào DTTS. Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa, tập trung chủ yếu vào cây ăn quả, như: bưởi Diễn, thanh long, ổi, nhãn… Đồng thời, huyện quy hoạch cụm công nghiệp Trúc Mai, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện tăng từ 2,94 triệu đồng (năm 2003) lên 24 triệu đồng (năm 2018); tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 52,4 (năm 2006) xuống còn 18,56% (năm 2018).

Năm 2017, hộ anh Vũ Văn Như ở thôn Vũ Quý, xã Sơn Phú, huyện Định Hóa được hỗ trợ chiếc máy cày từ nguồn vốn của Quyết định 755. Ngoài việc sử dụng chiếc máy cày để giảm công sức lao động, anh Như còn vay vốn ngân hàng đầu tư phát triển sản xuất, chế biến, kinh doanh chè sạch. Với 3 sào chè, một năm, gia đình anh thu được ngót 5 tạ chè khô, trừ chi phí, công chăm sóc, anh Như thu về ngót 40 triệu đồng.

Thời gian qua, các nguồn vốn đầu tư cho vùng đồng bào DTTS của huyện Định Hóa đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Tính từ năm 2014 đến nay, huyện đầu tư trên 200 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc. Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành, sự nỗ lực vươn lên của đồng bào, tỷ lệ hộ DTTS nghèo của huyện Định Hóa đã giảm từ 20,36% (năm 2015) xuống còn 11,17% (năm 2018). Năm 2018, toàn huyện đã giải quyết việc làm mới cho trên 2.100 lao động, đạt 109% kế hoạch năm, trong đó có nhiều lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đã tìm được việc làm ổn định, nâng cao mức thu nhập của gia đình.

Ông Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thái Nguyên khẳng định: Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24, công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết cấu hạ tầng từng bước được đầu tư, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng DTTS, miền núi đã thay đổi căn bản theo hướng tích cực. “Tỉnh Thái Nguyên xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện nhiều chính sách giúp người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, vươn lên thoát nghèo”, ông Bùi Xuân Hòa cho biết thêm.

Nghị quyết 24 như một làn gió mới thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Trong những thành tựu đó, ngoài sự nỗ lực phấn đấu, vượt khó của mỗi người dân, yếu tố then chốt, quyết định là sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền cùng sự đoàn kết một lòng của cả hệ thống chính trị.

Trong giai đoạn 2003-2018 đã có hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư cho vùng đồng bào DTTS, miền núi tỉnh Thái Nguyên. Tỷ lệ hộ nghèo của 124 xã, thị trấn vùng DTTS giảm còn 9,16%. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn đạt 10,44%, xấp xỉ đạt chỉ tiêu kế hoạch (chỉ tiêu kế hoạch là tăng 10,5%). 

MINH THỨ