Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nhìn lại cuộc chiến chống Covid - 19 qua lăng kính nhân quyền: Rủi ro lớn nhất trong trung hạn (Bài 1)

Sỹ Hào - 06:55, 20/11/2022

Ở Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật. Điều này một lần nữa được khẳng định trong cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid – 19, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng của thế giới về bảo vệ quyền con người trong cuộc khủng hoảng toàn cầu.

Đại dịch Covid – 19 khiến đại đa số đồng bào DTTS thêm phần khó khăn. (Ảnh minh họa)
Đại dịch Covid – 19 khiến đại đa số đồng bào DTTS thêm phần khó khăn. (Ảnh minh họa)


Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nếu khủng hoảng khí hậu là rủi ro lớn nhất trong dài hạn, thì đại dịch Covid – 19 chính là rủi ro lớn nhất của toàn cầu trong trung hạn. Trong “Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2022”, tổ chức này bày tỏ mối quan ngại về tình trạng bất bình đẳng, trong các biện pháp tiếp cận tài chính và y tế công trong đại dịch sẽ kéo dài trong trung hạn (2024 - 2027).

Nhận diện khủng hoảng kéo dài

Hằng năm - bắt đầu từ năm 2006, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) tiến hành cập nhật Báo cáo Rủi ro toàn cầu. Năm 2022, báo cáo cập nhật này được WEF công bố hồi giữa tháng 1.

Theo WEF, rủi ro toàn cầu, là các rủi ro lớn tác động đồng thời tới nhiều quốc gia tại mỗi thời điểm và ảnh hưởng đến việc các quốc gia thực hiện các mục tiêu phát triển của mình. Trong “Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2022”, WEF đánh giá, trong năm 2022 và đầu năm 2023, thời tiết cực đoan là rủi ro lớn nhất trên toàn cầu, tiếp theo là cuộc khủng hoảng sinh kế do Covid – 19.

Tác động của đại dịch Covid – 19 được dự báo tiếp tục kéo dài trong trung hạn, từ năm 2024 cho đến năm 2027. Trong bối cảnh toàn cầu hóa sâu rộng hiện nay, những rủi ro như vậy, đặt các quốc gia trong thế bị động và tác động trực tiếp, sâu sắc, thậm chí mang tính thay đổi cấu trúc đến các quốc gia trên nhiều khía cạnh từ chính trị, kinh tế, đến các mặt khác của đời sống kinh tế - xã hội (KT – XH).

Theo tổng hợp của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chưa tính thiệt hại về kinh tế, Covid - 19, đã làm chết khoảng 15 triệu người trên toàn cầu, kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2019. Tác động của đại dịch này đối với sức khỏe của dân số thể giới còn nhiều hơn nữa. Đối với hàng trăm triệu người trên khắp thế giới, việc nhiễm coronavirus SARS-CoV-2 đã gây ra một loạt vấn đề, từ các tác động cấp tính của bệnh đến các triệu chứng kéo dài được gọi là Covid kéo dài.

Bảo đảm an sinh cho người dân trong đại dịch là trách nhiệm của toàn xã hội. (Trong ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước phối hợp Ban trị Sự Phật giáo huyện Bù Gia Mập và đoàn tình nguyện thăm và tặng quà cho các hộ dân tộc thiểu số thôn Bù Kroai, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập).
Bảo đảm an sinh cho người dân trong đại dịch Covid - 19 là trách nhiệm của toàn xã hội. (Trong ảnh: Ban Dân tộc tỉnh Bình Phước phối hợp Ban trị sự Phật giáo huyện Bù Gia Mập và đoàn tình nguyện thăm và tặng quà cho các hộ dân tộc thiểu số thôn Bù Kroai, xã Đức Hạnh, huyện Bù Gia Mập)

Đây chính là Rủi ro xã hội - cộng đồng được WEF đưa ra trong “Báo cáo Rủi ro toàn cầu năm 2022”. Theo WEF, đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt, nhưng đây không phải là sự kiện chưa có tiền lệ trong lịch sử nhân loại. Lần đại dịch lớn tương tự diễn ra cách đây hơn 100 năm, từ năm 1918-1920, dịch cúm Tây Ban Nha (H1N1) ước tính đã có khoảng 20 - 50 triệu người chết; hai đại dịch cúm tiếp theo, dịch cúm châu Á (H2N2) năm 1957 - 1958 và đại dịch cúm Hồng Kông (H3N2) năm 1968, ước tính khoảng 1 - 4 triệu người thiệt mạng.

Đại dịch cúm H1N1 năm 2009, mặc dù vắcxin đã được sản xuất kịp thời, nhưng ước tính đã có khoảng 100 nghìn - 400 nghìn người thiệt mạng. Từ năm 2000 đến nay, dịch bệnh ở cấp độ nhỏ hơn cũng diễn ra ở nhiều nơi như dịch Ebola ở Tây Phi, lan sang châu Âu và Mỹ, đã làm hơn 11 nghìn người thiệt mạng, hay gần đây nhất là dịch Zika năm 2016.

Với đại dịch Covid -19, theo báo cáo mới được công bố của Hội đồng Khoa học quốc tế (ISC), rủi ro này hiện vẫn chưa kết thúc. ISC dự báo dịch bệnh toàn cầu này sẽ kéo dài ít nhất 5 năm nữa, nhưng đại dịch kết thúc như thế nào là tùy thuộc vào hành động của chính con người.

Đặc biệt, ISC cho rằng, nếu đại dịch kéo dài đến năm 2027 thì có thể khiến tình trạng bất bình đẳng toàn cầu trở nên trầm trọng hơn. Các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (được thúc đẩy từ thập niên 1980 và được cụ thể hóa thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ - MDGs, cho giai đoạn trước 2015 và các mục tiêu phát triển bền vững – SDGs, trong nghị trình 2030 cho giai đoạn sau 2015) sẽ bị lùi lại một thập kỷ.

Tác động tại Việt Nam

Là một quốc gia có nền kinh tế đang trên đà tăng trưởng, trong quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và các chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế toàn cầu cũng như các nền kinh tế lớn. Do vậy, nước ta cũng dễ “phơi nhiễm” hơn với các rủi ro và biến động kinh tế thế giới, từ đó tác động đến việc thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong dài hạn.

Mặc dù đứng trước những thách thức chưa từng có nhưng Việt Nam đã nỗ lực duy trì và tiếp tục đạt được một số tiến bộ đáng kể trong thực hiện các mục tiêu SDGs với các kết quả nổi bật như: tỷ lệ nghèo đa chiều giảm mạnh; chỉ số bao phủ các dịch vụ y tế thiết yếu cao hơn mức chung toàn cầu; tỷ lệ học sinh được công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đạt ở mức cao; hạ tầng công nghệ thông tin đã được cải thiện đáng kể; tỷ lệ số hộ sống trong các nhà tạm giảm nhanh…
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc
Phát biểu tại Hội nghi trực tuyến về “Vai trò của Quốc hội đối với các mục tiêu phát triển bền vững” diễn ra ngày 6/4/2022.

Đặc biệt, đại dịch Covid – 19, theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) sẽ tác động tiêu cực đến việc thực hiện “Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững - SDGs” được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015. Tại một hội nghị do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức đầu tháng 4/2022, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, trước khi xảy ra đại dịch Covid - 19, Việt Nam dự báo đến năm 2030 có khả năng đạt được 5/17 mục tiêu SDGs.

“Tuy nhiên, ảnh hưởng bởi đại dịch, tiến độ thực hiện các mục tiêu SDGs sẽ chậm lại; đặc biệt là mục tiêu 3 về đảm bảo sức khoẻ và tăng cường phúc lợi, mục tiêu 4 về chất lượng giáo dục, mục tiêu 8 về tăng trưởng kinh tế bền vững và việc làm đầy đủ và mục tiêu 10 về bất bình đẳng trong xã hội”, bà Ngọc cho hay.

Thứ Trưởng Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, nền kinh tế chịu nhiều tác động nặng nề và đa diện từ đại dịch Covid - 19 sẽ dẫn đến nguy cơ tăng trưởng chững lại và tụt hậu xa hơn so với các nước. Đặc biệt, tình trạng chênh lệch giàu nghèo và trình độ phát triển giữa một số vùng, miền và địa phương sẽ có xu hướng ngày càng gia tăng; việc huy động nguồn lực để đáp ứng nhu cầu thực hiện các mục tiêu SDGs hiện nay và trong những năm tới chắc chắn gặp nhiều khó khăn…

Thực tế triển khai các chương trình phát triển KT - XH giai đoạn 2021 – 2025, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (gọi tắt là Chương trình MTQG), là minh chứng. 

Số liệu đưa ra tại phiên họp mở rộng để thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tiến độ triển khai Chương trình MTQG do Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức ngày 3/10/2022 cho thấy, tính từ thời điểm tháng 9/2021 đến nay, việc thực hiện Chương trình chủ yếu ở nội dung xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế chính sách.

Tác động của đại dịch làm giãn tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)
Tác động của đại dịch Covid - 19 làm giãn tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT – XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. (Ảnh minh họa)

Sự chậm trễ này là hoàn toàn dễ hiểu, bởi đây là chương trình MTQG lần đầu tiên được ban hành, với những cơ chế, thủ tục hoàn toàn mới; lại được bắt tay vào thực hiện trong thời điểm cả nước dồn hết sức người, sức của để phòng chống dịch. Trong thời điểm căng sức “chống dịch như chống giặc”, Đảng ta vẫn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị hoàn thiện các trình tự, thủ tục để bắt tay vào thực hiện Chương trình MTQG ngay sau khi cơ bản khống chế được đại dịch Covid - 19. Điều này khẳng định vai trò “chỉ đường, dẫn lối” của Đảng trên mặt trận vừa chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh dự Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024

Với chủ đề “Các dân tộc tỉnh Thái Nguyên đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, ngày 24/10/2024, tại Tp. Thái Nguyên, Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Thái Nguyên lần thứ IV - năm 2024 đã được tổ chức long trọng. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đến dự và chỉ đạo Đại hội.