Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Đừng lợi dụng nhân quyền để "chọc gậy bánh xe"

PV - 09:55, 26/03/2021

Vừa qua, cái gọi là tổ chức nhân quyền Safeguard Defenders công bố xuất bản một cuốn sách bằng tiếng Việt với mục đích hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky của Hoa Kỳ để trừng phạt vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Đây là hành động không thể chấp nhận vì đã can thiệp thô bạo, tinh vi vào nội bộ tình hình Việt Nam, tiếp tay cho những thế lực thù địch, chống phá Nhà nước và nhân dân Việt Nam.

Năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông từng tổ chức Triển lãm ảnh, tư liệu Thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam với tên gọi “Vì Hạnh phúc của mỗi người”
Năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông từng tổ chức Triển lãm ảnh, tư liệu Thành tựu bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam với tên gọi “Vì Hạnh phúc của mỗi người”

"Cẩm nang" hay sự núp bóng để phá hoại?

Safeguard Defenders là tổ chức phi chính phủ về nhân quyền thành lập vào cuối năm 2016 có trụ sở tại Madrid (Tây Ban Nha). Gần đây, tổ chức Safeguard Defenders đã có việc làm không thể chấp nhận là cho ra mắt cuốn sách nêu trên, nhằm hỗ trợ “nhà dân chủ” Phạm Đoan Trang và để "truyền cảm hứng cho những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền", thực chất là những đối tượng vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Tổ chức này rêu rao: "Cẩm nang hướng dẫn áp dụng Luật Magnitsky sẽ trở thành một công cụ tốt mà mỗi người dân Việt Nam, nhất là hàng triệu nạn nhân của bất công, tham nhũng và vi phạm nhân quyền, đều có thể sử dụng để trừng trị kẻ có tội".

Từ khi ra đời, nhất là từ khi tự khoác “áo” ẩn dưới từ “bảo vệ nhân quyền”, “thúc đẩy nhân quyền” và "nâng cao khả năng của xã hội dân sự", Safeguard Defenders đã tự cho mình quyền được can dự vào tình hình nội bộ của nhiều quốc gia có chủ quyền thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Safeguard Defenders xây dựng trang web bằng tiếng Anh, tiếng Trung Quốc và có cả phiên bản tiếng Việt để thúc đẩy mục đích trên.

Nhưng những hành động ấy không che lấp được mục đích chia rẽ khối đại đoàn kết ở Việt Nam, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Kể từ khi thành lập đến nay, Safeguard Defenders đã nhiều lần ra thông báo phản đối về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam một cách vô căn cứ, thiếu tính thuyết phục. Có thể nói, những hành động của Safeguard Defenders đã phần nào dung túng những kẻ mang động cơ chính trị, cố tình chống phá Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam. Hành động tự nguyện làm “bà đỡ” để xuất bản cuốn sách do Phạm Đoan Trang, kẻ thường xuyên viết những tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước và đang bị tạm giam ở Việt Nam đã cho thấy rõ Safeguard Defenders đang đi ngược lại với xu thế chung của nhân loại tiến bộ và Hiến chương Liên hợp quốc.

Cuốn sách mà Safeguard Defenders thực hiện đã cố tình cổ vũ cho cái gọi là Điều luật Chịu trách nhiệm về nhân quyền toàn cầu Magnitsky (gọi tắt là Luật Magnitsky) của Mỹ vốn đã và đang bị rất nhiều quốc gia trên thế giới phản kháng. Theo Báo Công an Nhân dân, từ các nguồn thông tin chính thống được đăng tải bởi các hãng thông tấn nước ngoài cho thấy, Manitsky là một dự án bắt nguồn từ một sự kiện tại nước Nga vào năm 2008 - 2009. Vào tháng 12-2016, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama ký thành văn bản luật từ dự luật S. 2943, tức Luật Chuẩn chi Ngân sách Quốc phòng năm 2017 (NDAA 2017).Trong đó, văn bản này có điều luật “Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky” (gọi tắt là Magnitsky Act), quy định chế tài với các cá nhân mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Luật Magnitsky đưa ra chế tài áp dụng với mọi công dân của các quốc gia trên thế giới nếu có bằng chứng vi phạm nhân quyền tin cậy (giết hại người bất hợp pháp, tra tấn hoặc các vi phạm nghiêm trọng khác về quyền con người) và sẽ bị các hình phạt: Không cấp VISA cho những cá nhân, kể cả công chức thực hiện công vụ nhập cảnh vào Hoa Kỳ; đóng băng tài sản của những người vi phạm nhân quyền, tham nhũng.

Việc ban hành mở rộng Magnitsky đã tạo ra nhiều phản ứng trái chiều đối với dư luận quốc tế, trong đó nhiều ý kiến cho rằng: Điều luật nhân quyền toàn cầu Magnitsky không phù hợp với các nguyên tắc trong quan hệ quốc tế, tính khả thi không cao, không có sự đóng góp tích cực cho sự phát triển các mối quan hệ giữa các quốc gia. Việc vận dụng luật này sẽ thiếu khách quan khi không có các bằng chứng chính xác, thậm chí là sẽ gây ra sự ảnh hưởng đến uy tín của một số quốc gia trên trường quốc tế, trong đó có Việt Nam.

Vi phạm quyền tự quyết của các dân tộc trên thế giới

Theo các chuyên gia về luật quốc tế, Luật Magnitsky đã vi phạm Khoản 2, Điều 1 của Hiến chương Liên hợp quốc, đó là cố tình cản trở sự phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc, không tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc trên thế giới. Thế nên, việc áp đặt quan điểm pháp lý của Luật Magnitsky lên các quốc gia có chủ quyền của Mỹ là không thể chấp nhận được và chỉ làm phức tạp hơn sự việc ở các quốc gia có chủ quyền. Thực tế cho thấy, từ khi Luật Magnitsky ra đời, nhiều quốc gia trên thế giới đã phản đối mạnh mẽ và tìm các biện pháp trả đũa, trong đó có Nga, Trung Quốc, Saudi Arabia... Điều đó khiến mối quan hệ song phương giữa Mỹ với nhiều đối tác chiến lược trên thế giới khó được khăng khít. Thế nên, việc Safeguard Defenders ủng hộ Phạm Đoan Trang cho xuất bản cuốn sách trên là hành vi cố tình ủng hộ Luật Magnitsky.

Tổ chức Safeguard Defenders đã có những việc làm không tôn trọng pháp luật Việt Nam. Bởi xem kỹ các nội dung thì cuốn sách chủ yếu chỉ ra cách thức giúp những kẻ vi phạm pháp luật ở Việt Nam tự xây dựng chiếc “khiên” trước khi thực hiện hành động chống phá Đảng, chính quyền, Nhà nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam. Điều này chẳng khác nào khuyến khích, “tiếp máu” cho những kẻ vi phạm pháp luật ở Việt Nam cố tình quậy phá, chia rẽ khối đại đoàn kết, làm phức tạp tình hình, gây mất ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Điều này có thể sẽ làm mất đi nhiều cơ hội phát triển của Việt Nam trong tương lai.

Tổ chức Safeguard Defenders lựa chọn tiếng Việt phát hành cuốn sách để hướng tới các “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” ở Việt Nam. Đây được xem là điều hết sức phi lý và càng không thể chấp nhận được. Lý do đơn giản là từ xưa đến nay, nhất là trong những năm gần đây ở Việt Nam chẳng hề có hiện tượng vi phạm nhân quyền như các tổ chức, cá nhân trên thế giới từng vu cáo. Ở Việt Nam không hề có cái gọi là “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm” mà chỉ có những công dân cố tình vi phạm pháp luật và pháp luật hình sự đã được pháp luật Việt Nam quy định. Quan điểm rõ ràng ấy được nêu cụ thể trên các phát ngôn, báo cáo chính thức, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông chính thống của Nhà nước Việt Nam. Đây là một sự thật không thể bị chối bỏ.

Đừng chọc gậy bánh xe

Thực tế cho thấy, Việt Nam luôn là một trong những nước vươn lên mạnh mẽ trong vấn đề bảo đảm quyền con người, được Liên hợp quốc thừa nhận. Các quyền được sống, quyền có ăn, có mặc, có nhà ở và quyền tham gia về chính trị, văn hóa, quyền về giáo dục, đào tạo, chăm sóc sức khỏe, quyền tự do kinh doanh hay những quyền tự do ứng cử, thể hiện quan điểm trong xã hội... ở Việt Nam được bảo đảm theo quy định của pháp luật rất rõ ràng. Từ nghèo đói đến nay Việt Nam đã trở thành một nước phát triển trung bình với 70% người dân được đảm bảo một cuộc sống ổn định, trong đó 13% người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu theo tiêu chuẩn quốc tế. Việt Nam là một trong những nước đã thực hiện thành công trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc.

Hiện nay, Việt Nam cũng luôn thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, trong đó có thực thi hiệu quả các công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Báo cáo quốc gia định kỳ của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát cho thấy việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đã nhận được sự đồng thuận, đánh giá cao của Liên hiệp quốc. Điều này cho thấy những tiến bộ vượt bậc của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người là rất đáng ghi nhận.

Bảo đảm nhân quyền là mục tiêu chung, bao trùm mà nhiều quốc gia, dân tộc trên thế giới theo đuổi mãi mãi. Tuy nhiên, muốn bảo đảm nhân quyền thì phải có nguyên tắc rõ ràng. Nguyên tắc đầu tiên là mỗi nhà nước phải có nghĩa vụ bảo đảm nhân quyền ở quốc gia của mình nhưng những công dân trong nhà nước ấy phải thực hiện quyền, nghĩa vụ theo các luật nhà nước ban hành. Nghĩa là công dân phải chấp hành pháp luật do nhà nước xây dựng trên cơ sở chế độ dân chủ đã được lựa chọn.

Ở Việt Nam, do nhiều nguyên nhân mà gần đây xuất hiện khá nhiều các "nhà dân chủ” tự phong. Họ là những ai? Xin trả lời ngay rằng, đó là những kẻ luôn ảo tưởng lấy dân chủ phương Tây là "khuôn vàng, thước ngọc" để so sánh và phê phán Việt Nam. Họ tôn thờ cái gọi là "thiên đường dân chủ" nhưng lại quên đi bổn phận và trách nhiệm công dân ở một đất nước, một quốc gia có chủ quyền. Sự nguy hại nhất trong hành động của họ là bị kẻ khác lợi dụng. Chúng bênh vực, khuyến khích người vi phạm và kích động họ đấu tranh chống phá Nhà nước Việt Nam kịch liệt. Chúng lên án và kêu gọi các tổ chức quốc tế điều tra độc lập các vụ việc... Theo dư luận xã hội, đó cũng được xem là một trong những hành vi “cõng rắn cắn gà nhà” cần phải lên án và tẩy chay mạnh mẽ.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới rất ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới xây dựng đất nước thông qua đẩy mạnh hợp tác đa phương, song phương. Thế nên, hành động hậu thuẫn xuất bản cuốn sách bằng tiếng Việt của Safeguard Defenders là không thể chấp nhận và cần phải lên án, tẩy chay ngay lập tức. Người Việt có câu: "Chân mình thì lấm bề bề, lại cầm bó đuốc đi rê chân người". Nếu Safeguard Defenders thiện chí thì hãy đến Việt Nam tìm hiểu, mạnh dạn bỏ vốn đầu tư và chung tay với dân tộc Việt Nam xóa đói nghèo, xây dựng kinh tế-xã hội phát triển bền vững. Mục đích ấy chắc chắn sẽ được nhân dân Việt Nam ủng hộ, chào đón nhiệt liệt chứ đừng “chọc gậy bánh xe” vào sự phát triển của Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.