Tham dự Hội thảo có các báo cáo viên, đại diện cơ quan Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội); Cục Thông tin đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông); Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an); Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền Chính phủ và đại diện Ban Chỉ đạo nhân quyền một số tỉnh.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho rằng, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay đã có những sửa đổi, bổ sung luật hóa một số quy định để đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích của lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Theo thống kê, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hàng năm, đặc biệt trong 5 năm gần đây, mỗi năm tăng thêm khoảng 10.000 người. Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài giảm xuống còn hơn 78 nghìn.
Cùng với số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng lên, số lượng người lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại các thị trường lao động ngoài nước cũng tăng lên đáng kể, từ khoảng 500 nghìn người năm 2010, tăng lên khoảng 580 nghìn người năm 2020. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất chế tạo (cơ khí, may mặc, giầy da, lắp ráp điện tử...), giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh, nông nghiệp, thủy sản,... ở các thị trường chính như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Đông, Malaysia....
Trong đó, phần lớn người lao động đi làm việc ở các thị trường khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc) là những thị trường có thu nhập khá cao, khoảng 1.200 - 1.400 USD/tháng ở Hàn Quốc, Nhật Bản; 700 - 800 USD/tháng ở Đài Loan (Trung Quốc), Châu Âu; 400 - 600 USD/tháng ở thị trường Trung Đông, Châu Phi và Malaysia.
Kết quả hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nói trên, không chỉ góp phần vào công tác giải quyết việc làm, giảm sức ép về tạo việc làm cho người lao động trong nước (chiếm tỷ lệ khoảng 7 – 9% số lượng lao động được giải quyết việc làm và tạo việc làm hàng năm của cả nước), mà còn qua đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động và gia đình. Lượng kiều hối do người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài chuyển về trong nước hàng năm ước đạt từ 3 – 4 tỷ Đô la Mỹ.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Phan Quốc Việt, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), tình trạng người lao động đi làm việc ở nước ngoài bất hợp pháp, lừa bán lao động đi nước ngoài cũng cũng gia tăng,diễn biến phức tạp, điển hình như vụ 39 người Việt chết trong xe container ở Anh vào tháng 10/2019.
Theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 1.266 vụ, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân đi lao động nước ngoài.
Về một số giải pháp trong công tác bảo hộ công dân đối với lao động Việt Nam di cư ở nước ngoài, PGS.TS Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người đề xuất một số vấn đề như: Về quản lý nhà nước cần rà soát để có định hướng khắc phục những bất cập trong thực thi pháp luật đảm bảo quyền đối với lao động di cư tự do; xây dựng một chiến lược, chính sách quốc gia và một khuôn khổ pháp luật có sự liên kết hợp tác quốc tế về lao động nói chung và lao động di cư tự do nói riêng; hoàn thiện pháp luật “nội luật hoá” các quy định của “Công ước quốc tế về quyền của tất cả những người lao động di trú và các thành viên gia đình họ”; hoàn thiện các quy định về quyền và nghĩa vụ nhằm bảo hộ tốt quyền cho lao động di cư tự do…
Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tới mọi tầng lớp Nhân dân thông qua báo chí, truyền thông, phát huy hơn nữa lợi thế của mạng Internet và các ứng dụng công nghệ thế hệ 5G...