Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh dịch Covid -19

Hiếu Anh - 16:11, 15/12/2020

Sáng 15/12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trong bối cảnh dịch Covid-19”. Hội thảo được tổ chức nhân Kỷ niệm ngày Quốc tế nhân quyền (10/12); đồng thời thông qua Hội thảo, các diễn giả tích cực bàn về các giải pháp nâng cao quyền con người trong bối cảnh thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch Covid -19.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Chí Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao cho biết, tính đến nay, toàn thế giới đã có hơn 73 triệu ca nhiễm dịch Covid -19 với hơn 1,6 triệu người tử vong tại hơn 210 quốc gia vùng lãnh thổ, hơn 20 triệu trường hợp vẫn đang phải điều trị tại các cơ sở y tế trên khắp thế giới. Tại Việt Nam, hiện nay đã có 1402 ca nhiễm với 1246 ca được chữa khỏi, 118 ca được điều trị và 35 ca tử vong.

Trong bối cảnh chưa có vắc xin phòng ngừa, thuốc hay pháp đồ điều trị đặc hiệu, dịch Covid-19 đã và đang trở thành một thảm hoạ y tế cho các quốc gia. Vì vậy, việc ứng phó với đại dịch này là một thách thức lớn đòi hỏi nỗ lực của nhà nước trên nhiều lĩnh vực. 

Để vượt qua được vấn đề toàn cầu này, các quốc gia cần có chính sách, hành động ứng phó toàn diện không chỉ về mặt y tế mà cả về chính trị, kinh tế, xã hội; trong đó có việc bảo đảm, cân đối giữa biện pháp phòng chống dịch bệnh với tôn trọng các quyền con người, nhân phẩm của mỗi cá nhân và cộng đồng là một yêu cầu thiết yếu. Những nỗ lực phòng chống đại dịch Covid-19 của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa qua đang đi theo hướng này. 

Việt Nam đã huy động sự tham gia của toàn hệ thống chính trị và nhân dân nhằm triển khai thực hiện một loạt các biện pháp y tế công. Trong đó, Chính phủ đặc biệt chú trọng triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm; triển khai các biện pháp khám và điều trị miễn phí... Trong bối cảnh, ở nhiều quốc gia trên thế giới bệnh nhân phải tự chi trả mọi chi phí điều trị Covid-19, thì đây là một nỗ lực đáng ghi nhận của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm quyền được tiếp cận điều trị Covid-19 cho tất cả bệnh nhân.

Theo ông Trần Chí Thành, để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin về dịch bệnh cho người dân, ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam đã áp dụng nhiều phương thức, cấp độ truyền thông khác nhau nhằm bảo đảm tiếp cận và minh bạch thông tin, đồng thời cũng tránh gây hoang mang, hoảng loạn trong xã hội. 

Cụ thể, người dân đã được cung cấp đầy đủ và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh ở Việt Nam và trên thế giới, thông tin về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh qua nhiều phương tiện truyền thông khác nhau, kể cả qua mạng xã hội, tin nhắn điện thoại. Việt Nam cũng đã triển khai các kênh thông tin để tiếp nhận ý kiến, khuyến cáo của chuyên gia, các bộ ngành và người dân về các đề xuất, sáng kiến phòng ngừa dịch bệnh.

Nhận diện rõ các tác động kinh tế và các vấn đề xã hội của dịch bệnh, song song với các ứng phó về y tế, Chính phủ Việt Nam đã ngay lập tức thảo luận về các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội và giải quyết các khó khăn về kinh tế để hỗ trợ người dân, cũng như các doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu, xây dựng nhanh nghị quyết về gói hỗ trợ về an sinh xã hội với tinh thần “người yếu thế không thấy mình bị bỏ rơi". Nhờ đó, ngày 10/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ trực tiếp cho người dân gặp khó khăn do Covid-19... 

Để đảm bảo quyền con người một cách tốt nhất trong quá trình phòng chống dịch, tại Hội thảo, các diễn giả đã tập trung bàn sâu về các chủ đề: bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên không gian mạng trong bối cảnh Covid -19, đảm bảo quyền con người trong việc triển khai các biện pháp ứng phó với dịch Covid -19 trong mối liên hệ với Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị; thực hiện các khuyến nghị về thúc đẩy và bảo vệ quyền của các đối tượng yếu thế trong bối cảnh dịch Covid -19; Công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài trong dịch Covid -19…

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.