Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Nhiếp ảnh gia Lò Văn Chiến với văn hóa Pú Nả

Hà Minh Hưng - 22:46, 30/07/2022

Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, người ta vẫn thấy già Chiến (Nghệ sỹ Lò Văn Chiến - Hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam) lỉnh kỉnh trên lưng balo, máy ảnh. Nhiều người bảo ông được trời phú cho sức khoẻ. Đúng thế, ngoài 80 mà ông vẫn chạy Honda cả trăm km khắp các bản làng nơi vùng cao Tây Bắc một cách ngon lành để ghi lại những “khoảnh khắc” vùng cao và “chép lại” một cách sinh động văn hoá của người Pú Nả (một nhánh của dân tộc Giáy).

Hàng ngày ông Chiến vẫn một mình cặm cụi bên máy tính và những trang bản thảo
Hàng ngày ông Chiến vẫn một mình cặm cụi bên máy tính và những trang bản thảo

Những “đứa con” của duyên nợ và trách nhiệm

Để tìm hiểu về văn hóa Pú Nả, tôi tìm đến bản Tả Xin Chải, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu (trước đây bản thuộc xã San Thàng) các cao niên trong bản chỉ tới nhà nhiếp ảnh gia Lò Văn Chiến – Hội viên Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tả Xin Chải được bao quanh bởi những hàng rào đá rất đẹp. Bởi thế vùng này được du khách gọi với cái tên khá mỹ miều - “phố đá”. Đặc biệt bà con nơi đây vẫn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống qua trang phục và nếp sinh hoạt thường ngày.

Bước vào nhà già Chiến, khi ông đang chăm chú bên máy tính cùng những tư liệu viết tay dang dở đang bày la liệt trên bàn. Bên ấm trà đặc quánh hương vị núi San Thàng, ông cười và “nhả” mấy câu thành ngữ Pú Nả: “Vứt được quần áo rách/ Không bỏ được anh em/ Mười nán nương không bằng một góc ruộng/ Suối không cá, ruộng không thóc…” (phóng viên).

Qua câu chuyện, được biết, ông học xong lớp 4 thì làm cán bộ xã, ông kinh qua nhiều vị trí công tác, cao nhất là Chủ tịch UBND huyện (huyện Phong Thổ cũ). Nhưng đi đâu, làm gì, những câu chuyện cổ dân tộc Pú Nả mẹ kể đêm hè, những tháng Giêng lễ hội truyền thống, cảnh trai gái xúng xinh trong lễ hội “Lồng tồng” (xuống đồng), những ngày xuân rực rỡ sắc màu truyền thống văn hóa Pú Nả, trong tiếng kèn pí kẻo của đám rước dâu; hay những đêm hương án nghi ngút nghe các thầy mo xin cầu… tất cả, chưa khi nào rời tâm trí ông.

Nhấp ngụm trà, già Chiến ngâm nga vài câu ca dao người Pú Nả, rồi ông vui mừng giới thiệu với chúng tôi gần 10 đầu sách về: tín ngưỡng, văn hóa, ẩm thực người Pú Nả được các nhà xuất bản Hội Nhà văn, Văn hóa Dân tộc ấn hành.

Đến nay, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lò Văn Chiến có gần mười đầu sách sưu tầm, sáng tác văn học nghệ thuật về dân tộc Pú Nả
Đến nay, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lò Văn Chiến có gần mười đầu sách sưu tầm, sáng tác văn học nghệ thuật về dân tộc Pú Nả

Để phục vụ cho công tác biên soạn, xuất bản các công trình văn hóa dân tộc Pú Nả. Từ năm 1999 dến 2015, ông đã 2 lần sang Hà Giang khảo cứu, tìm hiểu, văn hóa dân tộc Bố Y, nhờ các nhà chuyên môn của Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đánh giá, kiểm chứng, để từ đó có những kết luận chuẩn xác, phục vụ cho công tác xuất bản.

Rồi ông giới thiệu những trang bản thảo bao năm ông dày công sưu tầm, sáng tác về văn hóa Pú Nả: “Thuở nhỏ theo cha đi nghe hát đêm khắp bản này, mường kia. Có những cuộc hát được “thi triển” thâu đêm suốt sáng, bản nào có người ca hay, hát giỏi thì hãnh diện lắm. Cũng chính từ những cuộc hát đối mà nhiều đôi nên duyên, cha mẹ tôi cũng thành đôi từ những lần hát như thế…” - ông Chiến kể.

Nhìn ông nâng niu những những “đứa con tinh thần” mà bao năm ông chăm chút, phải là người tâm huyết, có một tình yêu rất đặc biệt với văn hoá Pú Nả mới cho ra đời những tác phẩm như: “Từ vựng Pú Nả - Việt ở vùng Tam Đường Lai Châu, Thơ dân ca Pú Nả, song ngữ, dân ca trong lễ cưới, Thơ dân ca giao duyên Pú Nả, Then của người Pú Nả Lai Châu, Văn hóa ẩm thực của người Pú Nả…”.

Hành trình bảo tồn văn hóa Pú Nả

Người dân Phong Thổ cũ vẫn nhắc chuyện thời trước, ngày cuối tuần lại thấy ông chủ tịch huyện lóc cóc chiếc xe đạp vào bản, chụp ảnh, ghi ghi chép chép cái gì đó. Năm 2000, ông nghỉ hưu, ông có nhiều thời gian hơn dành cho công việc tâm huyết bấy lâu. Già Chiến chia sẻ: “Mỗi lần về bản lại buồn, thấy ngày lễ hội trẻ em, phụ nữ mặc trang phục truyền thống ít hơn, số người biết hát dân ca ngày một thưa, phần lớn không thuộc lời, hoặc không thích hát”. Chính vì điều đó càng thôi thúc ông phải tranh thủ gặp các “bảo tàng sống”ghi chép ngay những giá trị văn hóa phi vật thể để lưu giữ lại cho con cháu.

Bằng tình yêu với văn hóa Pú Nả, ông đã “thổi” lên ngọn lửa yêu nghệ thuật đến với bà con bản Giáy, Tả Xin Chải. Năm 2020, ông Chiến đã tập hợp được hơn 30 thành viên là những người đam mê, cùng say, yêu văn hóa nghệ thuật Pú Nả, gồm các nhóm bảo tồn như: Dân ca dân vũ; dệt thổ cẩm, sưu tầm các cổ vật Pú Nả; theo kế hoạch, khi được chính quyền cho phép sẽ trưng bày các hiện vật tại nhà văn hóa bản.

Với ông Lò Văn Chiến, 82 tuổi (áo đen), bản Tả Xín Chải, phường Đông Phong, thành phố Lai Châu, xem việc gìn giữ bảo tồn văn hoá người Pú Nả Lai Châu là duyên phận trách nhiệm
Với ông Lò Văn Chiến, việc gìn giữ bảo tồn văn hoá người Pú Nả Lai Châu là duyên phận và trách nhiệm

Chị Trần Thị Phấy, dân tộc Giáy, thuộc nhóm dân ca dân vũ của Câu lạc bộ (CLB) bảo tồn văn hóa dân tộc Pú Nả cho biết: “Bà con ai cũng yêu văn hoá văn nghệ, chúng tôi là thế hệ trẻ, nhờ có già Chiến mới rõ nguồn gốc văn hóa dân tộc mình. Qua những cuốn sách về dân ca người Pú Nả, từ vựng, thơ song ngữ, văn hoá ẩm thực… của già Chiến mà nhiều anh chị em đã thuộc dân ca Pú Nả, biết về nghệ thuật hát đối, biết những câu chuyện dân gian, những luật tục trong tang ma, lễ cưới cần phải gìn giữ bảo tồn, để bản sắc dân tộc mình, không bị mai một…”.

Năm 2021, già Chiến cũng với các thành viên chủ chốt của bản đã hoàn thiện hồ sơ xin thành lập CLB bảo tồn văn hóa dân tộc Pú Nả bản Tả Xin Chải. Hiện hồ sơ, thủ tục xin thành lập CLB đã hoàn tất và đang chờ cấp có thẩm quyền công nhận.

Về bản tìm tư liệu, nghiên cứu văn hoá, chụp ảnh là niềm đam mê với Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lò Văn Chiến (áo đen)
Về bản tìm tư liệu, nghiên cứu văn hoá, chụp ảnh là niềm đam mê với Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lò Văn Chiến (áo đen)

Ngày ngày, ông vẫn đều đặn đến thăm CLB bảo tồn văn hoá Pú Nả, ông say sưa chỉ bảo từng động tác, nhịp điệu, trang phục của mỗi bài dân ca, điệu múa. Anh Lù Văn Quải, thành viên CLB vui vẻ: “nhờ có ông Chiến, bà con Pú Nả thêm yêu bản mình, qua đó thắt chặt, vun đắp tình đoàn kết cộng đồng”.

Nhà văn Đỗ Thị Tấc - Nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Lai Châu cho biết: “Nghệ sỹ Lò Văn Chiến là người Lai Châu duy nhất dành nhiều tâm huyết trong việc giữ gìn truyền thống văn hoá Pú Nả. ông Chiến không chỉ yêu văn hóa Pú Nả mà ông là người nghiên cứu văn hóa Pú Nả rất trách nhiệm, toàn bộ thời gian và sức lực cuối đời bác dành trọn cho công tác bảo tồn văn hóa Pú Nả. Đặc biệt là công tác tuyên truyền văn hóa Pú Nả qua thơ song ngữ, qua nhiếp ảnh”.

Chia tay ông, chia tay bà con người Giáy Tả Xín Chải khi hoàng hôn treo đỉnh núi. Chúng tôi nhìn sâu vào ánh mắt người già, ở cái tuổi bách niên, đôi mắt ấy vẫn ngời sáng mộc mạc như những trang sách, những con chữ, nơi ấy là cả một kho tàng văn hóa địa phương cần được gìn giữ... 

Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.