Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tăng A Pẩu cùng những cuộc phiêu lưu với cánh chim trời

Hồng Phúc - 11:05, 07/02/2022

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu, hiện là chủ nhân của khối tài sản “khủng” là hàng nghìn bức ảnh về hơn 500 loài chim quý của Việt Nam. Ảnh của ông, không chỉ khiến người xem trầm trồ trước vẻ đẹp của các loài chim mà còn mang những thông điệp về bảo vệ thiên nhiên trước nguy cơ xâm hại của con người.

Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu
Nhiếp ảnh gia Tăng A Pẩu

Người con của rừng

Lần nào gọi hỏi Tăng A Pẩu là được nghe ông khoe mình đang ở rừng, từ rừng Nam Cát Tiên (Ðồng Nai) đến Tràm Chim (Ðồng Tháp), Bidoup (Lâm Ðồng), Hòn Bà (Nha Trang), Kon Ka Kinh (Kon Tum), Lò Gò (Tây Ninh), Bạch Mã (Huế), Cúc Phương (Ninh Bình)...

Tăng A Pẩu (1959) là người Nùng. Ông sinh ra ở ngôi làng nhỏ Lương Sơn, gần Sông Lũy, thuộc xã Suối Nhuôm, quận Hoà Đa, tỉnh Bình Thuận. Từ cậu sinh viên lâm nghiệp nhưng không theo ngành, sau mấy chục năm mưu sinh, khi quay lại rừng, Tăng A Pẩu đã ngỡ ngàng, xót xa trước sự “sống mòn” của rừng, của động vật từ sự tàn phá của thiên tai, bão lũ đến bàn tay con người.

Cuối cùng cái duyên với những cánh rừng già đã níu ông lại, như vừa là trách nhiệm, vừa là niềm say mê, dẫu rằng đó là đam mê đầy vất vả, tốn kém mà hiếm người chọn lựa chứ chưa nói đến khả năng để duy trì hàng chục năm nay. Ông Pẩu chia sẻ, thiên nhiên đẹp đẽ, kỳ diệu, chứa đựng những triết lý sâu sắc hơn cả những gì con người biết. Cứ thế, ông lang thang khắp cánh rừng này đến cánh rừng khác để chụp lại những sinh vật “của rừng”.

“Đừng để đến khi những loài chim rừng mất đi ta mới biết tiếc nhớ. Chụp ảnh các loài chim không phải là nghề mà đó là niềm vui vô tận của đời tôi”, Tăng A Pẩu nói. Ông miệt mài kiếm tìm những dấu vết dù ít ỏi của những loài sinh vật nhỏ bé mang tiếng hót, sức sống cho những cánh rừng già.

Ông không quản ngại leo núi, băng rừng, phục kích chờ đợi ròng rã hàng chục tiếng, thậm chí “nằm gai, nếm mật” mấy ngày trời để chụp được một con chim, hay có những khi là một đàn bò tót chỉ ở khoảng cách có 10m, khi cả người và vật đều có thể nghe rõ hơi thở của nhau.

Trong suốt những hành trình ấy, ông phát hiện những phẩm chất đáng quý, thậm chí ngôn ngữ riêng của động vật, đặc biệt là loài chim. “Không biết bao nhiêu lần tôi đã run rẩy, thổn thức khi nhìn vẻ đẹp của chúng qua ống kính”.

Ông kể, có lần, trong một chiều mưa mùa Hè, ông may mắn gặp được một đôi chim cụt đuôi cánh xanh đang tìm mồi nuôi đàn con nhỏ. Đây là loài di cư từ xứ lạnh về Việt Nam mỗi năm một lần, có tập tính làm tổ ở dưới đất. Ông lặng lẽ đứng quan sát đôi chim bố mẹ bới giun cho con ăn suốt cả một buổi chiều mưa tầm tã. Lúc phát hiện ra có người theo dõi, nó kêu toáng lên, thất thanh như báo động với đàn con rằng “Có thích khách”. Nhưng A Pẩu lại chậm rãi, bình tĩnh mà “giải thích” với chúng bằng ánh mắt hiền lành, an toàn như những người bạn. Thế là việc ai nấy làm, nghệ sĩ đã lưu giữ được khoảnh khắc hiếm có ấy, những bức ảnh tuyệt vời về tình cảm gia đình của loài chim này cũng đã trở thành kiệt tác.

Mùa nào chim ấy, cuộc phiêu lưu của ông cứ gắn liền với những cánh chim như thế.

Tăng A Pẩu cùng những cuộc phiêu lưu với cánh chim trời 1

Chung tay bảo vệ loài chim quý

Người ta gọi Tăng A Pẩu là người con của rừng, bởi ông biết chính xác được loài sếu đầu đỏ ở Việt Nam còn bao nhiêu con; hạc cổ trắng - Loài chim trong Sách Đỏ cần bảo vệ khỏi sự tuyệt chủng tại Việt Nam nay đã biến mất khỏi vùng Đồng bằng sông Cửu long, chỉ còn rất ít ở rừng Tây Nguyên và Đông Nam bộ”; “Khướu Ngọc Linh - Loài đặc hữu cực kỳ quý hiếm, sống trên đỉnh núi Ngọc Linh…

Ở Việt Nam có khoảng hơn 900 loài chim, trong đó chụp được khoảng 300 loài là khá phổ biến, còn chụp được 500 loài như nghệ sỹ Tăng A Pẩu thì khá hiếm. Nhìn bộ ảnh các loài chim của ông chụp, rõ từng cọng lông, màu sắc, điệu bộ, đủ hiểu ông tâm huyết thế nào với cái “nghiệp” này.

Năm 2015, công chúng lần đầu biết đến Tăng A Pẩu qua triển lãm ảnh với tên gọi “Chim rừng mùa kết bạn” do Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR) và Nhà văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Là tay máy nổi tiếng, có nhiều đóng góp vào sách ảnh về các loài chim hoang dã ở Việt Nam và tham gia nhiều diễn đàn bảo vệ chim trời, người nghệ sĩ già vẫn luôn đau đáu cho số phận của loài sinh vật bé nhỏ lúc nào cũng trong trạng thái “nơm nớp” khi bị kẻ xấu lăm le săn bắt.

Những bức ảnh của Tăng A Pẩu dù không lời, nhưng lại như tiếng kêu cứu cho loài sinh vật bé bỏng trước nạn phá rừng, săn bắt và buôn bán trái phép các loài chim quý hiếm, hủy hoại sinh cảnh hiện nay.

“Chúng ta phải làm gì đó trước khi chúng biến mất. Hãy chân thành lắng nghe thiên nhiên quanh mình, mẹ thiên nhiên sẽ không bao giờ bội bạc với con người chúng ta”.

Gần đây, ông đã rao bán ảnh của mình nhằm góp quỹ cho Chi hội Nghiên cứu và Bảo tồn Chim hoang dã Việt Nam vừa ra mắt. Đây là tổ chức đầu tiên bảo vệ loài chim. Sắp tới, ông dự định cùng những cộng sự của mình tiếp tục cùng với tổ chức tìm giải pháp kịp thời và cần thiết để giải cứu, bảo vệ những loài chim quý của Việt Nam. 

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.