Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Đồng bào DTTS, MN với CTMTQG

Nhất thể hoá chức danh bí thư và trưởng thôn ở Thanh Hoá: Phát huy vai trò Đảng cử, dân tin (Bài 3)

Quỳnh Trâm - 07:05, 20/11/2022

Bí thư chi bộ - trưởng bản là lực lượng nòng cốt, quan trọng, là đội ngũ hiện thực hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Trách nhiệm cao, nhiệt huyết lớn trong vận động, quy tụ Nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội của địa phương, vì vậy, cần có những chính sách quan tâm, động viên hơn nữa đối với những người làm công tác này.

Chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đòi hỏi phải lựa chọn những nhân tố thực sự có năng lực, có uy tín và tinh thần trách nhiệm cao
Chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn đòi hỏi phải lựa chọn những nhân tố thực sự có năng lực, có uy tín và tinh thần trách nhiệm cao

Xứng đáng vai trò Đảng cử, dân tin

Chủ động, tiết kiệm thời gian, tránh sự chồng chéo, phát huy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của người đứng đầu trong việc đưa chủ trương, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, đó là hiệu quả nổi bật của việc thực hiện mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Được triển khai thực hiện từ năm 2017, qua 5 năm, những kết quả mang lại đã có thể khẳng định, việc nhất thể hóa bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, khu phố là hướng đi đúng đắn, góp phần tinh gọn bộ máy ở cơ sở, tạo sự thống nhất, đồng thuận từ việc ban hành chủ trương cho đến khâu tổ chức thực hiện, phát huy vai trò nòng cốt “Đảng trong dân”. 

Đặc biệt, qua quá trình “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, nhiều bí thư kiêm trưởng thôn, khu phố đã có bước chuyển vượt bậc trong kinh nghiệm quản lý, điều hành, xử lý các tình huống ở cơ sở; với uy tín, năng lực, cách nghĩ, cách làm mới và tinh thần, trách nhiệm cao, đã khẳng định được vai trò đặc biệt quan trọng trong “dân vận khéo”, tạo sự đồng thuận giữa “lòng dân - ý Đảng”.

Đến thôn Cổ Đam, phường Lam Sơn, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng, khi những gam màu tươi mới hiện hữu khắp nơi. Những con đường được bê tông hóa, hai bên trồng các loài hoa thay thế cỏ dại trông thật đẹp mắt; hệ thống đường điện công cộng chiếu sáng cả một vùng quê lúc về đêm, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao...

Có được những thành quả đó là nhờ sự cố gắng, đoàn kết và nỗ lực vươn lên của người dân trong thôn, đặc biệt là tinh thần gương mẫu đi đầu của ông Phạm Văn Xô, người được tín nhiệm giao nhiệm vụ Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn.

Ông Xô tâm sự: “Vừa là người tiếp thu chủ trương, đường lối, nghị quyết vừa trực tiếp lãnh đạo thực hiện nên thuận lợi là triển khai công việc nhanh hơn, dễ tạo được sự thống nhất cao trong chi ủy, chi bộ và ban cán sự thôn. Tuy nhiên, để gánh trọn “hai vai” ngoài nỗ lực của bản thân còn đòi hỏi sự đoàn kết, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và sự ủng hộ của quần chúng”.

Là người đứng đầu thôn Cổ Đam có số hộ, số nhân khẩu, số đảng viên lớn; đây cũng là nơi có nhiều dự án trọng điểm của thị xã đang và sẽ được triển khai đầu tư… Một lúc gánh cả “2 vai” sức ép công việc nhiều nhưng ông Xô tâm niệm được “Đảng cử, dân tin”, thì dù khó mấy cũng phải làm cho tốt.

Cần có chính sách quan tâm đến những người làm công việc bí thư kiêm trưởng thôn tại cơ sở
Cần có chính sách quan tâm đến những người làm công việc bí thư kiêm trưởng thôn tại cơ sở

Khắc phục những điểm nghẽn

Bên cạnh những hiệu quả đã được chứng minh, mô hình nhất thể hóa bí thư kiêm trưởng thôn vẫn có những “điểm nghẽn”, đòi hỏi phải có giải pháp căn cơ, đồng bộ để thay đổi.

Tại các địa bàn miền núi, với đặc điểm địa bàn chia cắt, địa hình đi lại khó khăn nên bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn gặp nhiều bất lợi trong việc đảm bảo thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ của mình khi khối lượng công việc nhiều, nhưng lại chỉ một người đảm trách.

Chức danh bí thư kiêm trưởng thôn đòi hỏi phải lựa chọn những nhân tố thực sự có năng lực, có uy tín và tinh thần trách nhiệm cao. Trong khi đó, mức thu nhập dành cho những người này còn hạn chế, chỉ 2,9 triệu đồng/tháng, cho nên tại nhiều nơi có nhiều người không mặn mà với công việc này.

Ông Phạm Xuân Tháp, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Nê Cắm, xã Đồng Lương, huyện Lang Chánh cũng chia sẻ, trong quá trình làm kiêm nhiệm cũng có chút vất vả, công việc phải đi nhiều, khi ốm đau cũng ảnh hưởng đến việc điều hành công việc. Trong khi đó, số tiền phụ cấp ít ỏi chỉ đủ phục vụ xăng xe đi lại.

“Mặc dù cũng có lúc tâm tư và trăn trở giữa gia đình và công việc của thôn, song để không phụ sự tin tưởng của người dân, tôi vẫn sẽ cố gắng gắn bó và hoàn thành nhiệm vụ 2 vai của mình, xứng đáng với vai trò Đảng cử dân tin”, ông Tháp nói.

Ông Lê Hồng Chuyên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Huyện ủy Lang Chánh cho biết, trong kế hoạch đại hội Chi bộ nhiệm kỳ 2022-2025, huyện cũng đã xác định tiếp tục thực hiện việc nhất thể hóa. Đối với những đơn vị còn gặp khó khăn sẽ tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ để trong năm 2022, sẽ phấn đấu nhất thể hóa được trên 80%.

Để việc nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn, bản thực sự đạt hiệu quả và đi vào đời sống, cần thời gian cũng như sự nỗ lực, chung tay của các cấp, ngành, đặc biệt cần có chính sách quan tâm đến đời sống của những người làm công việc bí thư kiêm trưởng thôn tại các cơ sở.

Tin cùng chuyên mục
Khởi động Dự án 6: Bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng thụ hưởng

Khởi động Dự án 6: Bảo đảm đúng phạm vi, đối tượng thụ hưởng

“Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Dự án 6 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Năm 2022, tỉnh Tuyên Quang đã khởi động Dự án 6 và đạt được nhiều kết quả quan trọng.