Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Những “cột mốc sống” trên vùng biên giới

Hoàng Khánh - 11:34, 24/07/2022

Xác định già làng, trưởng bản là những người am hiểu đời sống địa phương, được Nhân dân tin tưởng và giữ vai trò quan trọng ở các cộng đồng dân cư khu vực biên giới. Những năm qua, tỉnh Điện Biên đã dựa vào những “cột mốc sống” nơi biên giới này để làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, góp phần bảo vệ bình yên trên vùng biên giới.

Ông Lỳ Xuyến Phù kiểm tra một mốc giới gia đình nhận quản lý, bảo vệ
Ông Lỳ Xuyến Phù kiểm tra một mốc giới gia đình nhận quản lý, bảo vệ

Là một trong những hộ gia đình tiêu biểu của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên ký kết tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc với chính quyền địa phương và lực lượng bộ đội biên phòng. Cứ định kỳ vào ngày đầu tiên tháng, ông Lỳ Xuyến Phù ở bản A Pa Chải, xã Sín Thầu lại dành thời gian tham gia cùng với các tổ tuần tra của Đồn Biên phòng A Pa Chải đi kiểm tra bảo vệ đường biên, cột mốc. Hành trang của ông Phù đơn sơ chỉ là con dao phát nương, bình nước, gói xôi để đi đến từng mốc quản lý, phát dọn cây cỏ cho sạch sẽ mốc giới quốc gia.

Ngoài thời gian đi tuần tra, những lúc làm nương hay chăn nuôi gia súc ông Phù thường xuyên kiểm tra khu vực đường biên, cột mốc gia đình nhận bảo vệ để kịp thời báo cho các cơ quan chức năng khi có những vấn đề phát sinh. Không chỉ tích cực đi đầu trong việc tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc, với vai trò là Người có uy tín của bản, ông Lỳ Xuyến Phù còn tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân trong xã cùng chung tay, góp sức cùng thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng giữ gìn tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị. Bởi với ông Phù, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới cũng đồng nghĩa với bảo vệ ngôi nhà của chính mình, phải làm bằng tất cả tinh thần, trách nhiệm và cả tấm lòng yêu quê hương, đất nước.

Ông Lỳ Xuyến Phù cho biết: Hàng tháng, hàng quý cả bản đều tiến hành sinh hoạt chứ không chỉ riêng những hộ được phân công bảo vệ đường biên cột mốc. Từ đó, các hộ gia đình trong bản ai ai cũng đều hiểu được vai trò, ý nghĩa của mốc biên giới để cùng nhau bảo vệ với trách nhiệm cao nhất và thường xuyên nhất. Thỉnh thoảng bà con Nhân dân bản A Pa Chải vẫn tổ chức sinh hoạt cộng đồng để tuyên truyền về vấn đề này, những hộ gia đình nào chưa hiểu, ông Phù sẽ đi đến tận nhà tuyên truyền để họ hiểu được ý nghĩa của mốc biên giới, vai trò quan trọng của biên giới quốc gia.

Còn với ông Hạng Dụ Chúng ở bản Hồ Chim, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm. Thế nhưng ông vẫn là một trong những tuyên truyền viên tích cực của xã, bản. Ông tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vận động Nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh tại địa phương. Đồng thời, ông còn phát huy vai trò của mình trong việc xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, chống xâm canh xâm cư, hạn chế tình trạng di cư tự do, tranh chấp đất đai, góp phần bảo vệ bình yên trên biên giới Việt – Lào.

Ông Hạng Dụ Chúng thông tin với các cán bộ biên phòng về tình hình mốc giới tại khu vực bản quản lý
Ông Hạng Dụ Chúng thông tin với các cán bộ biên phòng về tình hình mốc giới tại khu vực bản quản lý

Ông Chúng cho biết: Từ khi được bộ đội biên phòng địa phương tổ chức học tập, triển khai những chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về bảo vệ biên giới trong giai đoạn hiện nay. Cứ hàng tháng, những già làng, Người có uy tín như chúng tôi lại tổ chức các buổi họp với những già làng, những dòng họ có uy tín khác thảo luận về những cách làm, cách tổ chức thực hiện. Ngoài ra ông Chúng cũng tổ chức các tổ thành viên để tuyên truyền đến từng nhà, vận động cho bà con Nhân dân chấp hành và thực hiện tốt các quy chế biên giới.

Nhờ sự đóng góp quan trọng của những già làng, Người có uy tín như ông Lỳ Xuyến Phù hay ông Hạng Dụ Chúng mà những năm qua, tình hình an ninh khu vực biên giới luôn ổn định, mặc dù Điện Biên là tỉnh duy nhất có tuyến đường biên tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Trung Quốc dài hơn 455 km. Đó là nhờ vào việc phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, Người có uy tín trong việc quản lý, bảo vệ đường biên, cột mốc. Chính tiếng nói và sự đi đầu của đồng bào các dân tộc đã mang lại hiệu quả rõ rệt qua việc bà con dân bản tự nguyện tham gia vào các tổ tự quản đường biên, cột mốc cũng như đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Pồn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên khu vực biên giới
Cán bộ Đồn Biên phòng Mường Pồn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên tuyên truyền pháp luật cho nhân dân trên khu vực biên giới

Đại úy Vàng A Chua, Chính trị viên phó, Đồn Biên phòng Mường Mươn, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên chia sẻ: Thực hiện Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, các đồn biên phòng trên địa bàn toàn tỉnh đều đã phối hợp với UBND các xã biên giới cùng với các vị già làng, trưởng dòng họ, Người có uy tín tổ chức tuyên truyền và phát động phong trào đến toàn thể nhân dân. Riêng trong năm vừa qua đơn vị đã vận động được 5 bản giáp biên, 283 hộ dân trên địa bàn 3 xã biên giới tham gia tự quản đường biên, cột mốc; 24,3km đường biên, 7 cột mốc. Qua quá trình quản lý hàng năm, đơn vị cũng rà soát các hộ dân mới tách ra để vận động đăng ký tự quản đường biên cột mốc. Qua quá trình tổ chức thực hiện nhân dân 5 bản biên giới cùng với các điểm trường trên khu vực biên giới của 3 xã cũng đã nâng cao rõ rệt, ý thức trách nhiệm của cộng đồng cùng với lực lượng bộ đội biên phòng tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

Hiện toàn tỉnh Điện Biên có hơn 100 tập thể, khoảng 12.900 cá nhân đăng ký tham gia tự quản 395 km đường biên; 98 tập thể, hơn 13.000 cá nhân đăng ký tự quản 146 mốc quốc giới và 10 công trình biên giới; 315 tổ tự quản với gần 2.200 thành viên đăng ký tự quản về an ninh trật tự thôn bản. Đây được xem là những “cột mốc sống” quan trọng trong việc giữ vững chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới tại Điện Biên nói riêng, Tây Bắc và cả nước nói chung.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.