Nhiều đóng góp cho sự phát triển của quê hương
Khu du lịch Flamingo Đại Lải thuộc top 10 Resort đẹp nhất thế giới tại xã Ngọc Thanh được hình thành có phần đóng góp quan trọng của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lưu Văn Hữu. Ông đã có công trong vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng, tạo thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư phát triển. Nhờ đó mà đến nay, cuộc sống người dân nơi đây "thay da đổi thịt", kinh tế phát triển nhờ hoạt động du lịch và dịch vụ.
Ông Hữu từng kinh qua nhiều vị trí công tác ở xã, và cuối cùng được tín nhiệm bầu là Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Thanh 2 nhiệm kì (từ năm 2005 - 2015), nên ông Hữu rất thấu hiểu về đặc thù địa bàn, những khó khăn của người dân xã Ngọc Thanh. Thời còn là Chủ nhiệm HTX, ông Hữu đã tham mưu và cùng các cấp chính quyền thực hiện nhiều chương trình, mô hình phát triển kinh tế như: Phát triển mô hình trang trại, trồng rừng… đem lại hiệu quả cao, góp phần cải thiện đời sống Nhân dân.
Còn nhớ, giai đoạn năm 1989 - 1994, với vai trò là Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn xã Ngọc Thanh, ông Hữu đã tích cực tuyên truyền nông dân trồng cây ăn quả, phát triển kinh tế hộ gia đình; tổ chức cho cán bộ đi học tập thực tế tại nhiều địa phương có nền nông nghiệp phát triển để các hội viên có thêm kiến thức, kĩ năng về tuyên truyền cho người dân.
Từ cách nghĩ “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, bản thân ông Hữu cũng làm mô hình kinh tế VAC với diện tích hơn 2ha. Từ đó, phong trào kinh tế vườn, trang trại nở rộ, Ngọc Thanh phát triển hơn 60 trang trại, đời sống Nhân dân có nhiều đổi khác.
Từ kinh nghiệm thực tiễn, đến năm 2005, với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Thanh, ông Lưu Văn Hữu đã để lại nhiều dấu ấn nổi bật, nhất là trong lĩnh vực phát triển kinh tế; xã xác định tập trung phát triển theo 3 mô hình chính: Nông nghiệp - lâm nghiệp - dịch vụ, bước đầu tiếp cận dịch vụ du lịch.
Đến nay, Ngọc Thanh trở thành điểm du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, đời sống Nhân dân có sự thay đổi rõ rệt. Các doanh nghiệp trên địa bàn đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương; cơ sở hạ tầng thiết yếu cũng từ đó được đầu tư đầy đủ, khang trang; người dân có nhiều nguồn thu nhập như: dịch vụ cho thuê nhà trọ, hàng quán, kinh doanh dịch vụ ăn uống, cho thuê đất…
Nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc
Ông Lưu Văn Hữu cho biết, thôn Đại Quang được sáp nhập từ 3 thôn Ngọc Quang, Gốc Duối, Đồng Câu, với 317 hộ, hơn 1.700 nhân khẩu, trong đó người dân tộc Sán Dìu chiếm 80%, với địa bàn rộng nên trọng trách thực hiện các nhiệm vụ của Người có uy tín nhân lên gấp 3. Bên cạnh đó, Người có uy tín phải phát huy vai trò tiên phong trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế thì nói đồng bào mới tin và nghe theo.
Chính vì vậy, sau khi nghỉ hưu, được bầu là Người có uy tín, mặc dù tuổi đã cao, ông vẫn hăng hái làm ruộng, chăn nuôi, trồng cây ăn quả, trồng rừng, tham gia bảo vệ hơn 80 ha rừng, nuôi cá. Ông còn tham gia làm thêm tại Ban Vận động giải phóng mặt bằng của Công ty TNHH Đại Lải. Bởi theo ông, với kinh nghiệm công tác của mình, việc vận động người dân hiểu, tạo thuận lợi giúp doanh nghiệp phát triển cũng đồng nghĩa giúp địa phương phát triển.
Để khai thác thế mạnh của địa phương, gắn với giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào, ngay thời điểm làm cán bộ xã, cũng như tham gia hoạt động xã hội, ông Hữu luôn chú trọng đến việc bảo tồn, khai thác giá trị văn hóa dân tộc như: tập hợp các hội viên trong các CLB Soọng cô để truyền dạy tiếng Sán Dìu, dạy hát Soọng cô cho thế hệ trẻ; tổ chức nhiều đợt đưa các hội viên đi trình diễn tại một số ngày lễ lớn của địa phương, tại các nhà hàng, khu du lịch. Đặc biệt là, những năm gần đây, ông phối hợp với Khu du lịch Flamingo Đại Lải đưa các hội viên vào biểu diễn, giao lưu với du khách; các hội viên vừa được trải nghiệm miễn phí phong cảnh đẹp của khu Resort, vừa lan tỏa văn hóa Sán Dìu tới du khách.
“Sau mỗi buổi biểu diễn, các hội viên thêm yêu hơn về văn hóa dân tộc mình. Mỗi khi được du khách đón nhận, xin chụp ảnh cùng, chăm chú nghe biểu diễn, các thành viên cũng như ông, như được tiếp thêm động lực để bản thân ông và các hội viên thêm cố gắng” ông Hữu chia sẻ.
Bên cạnh đó, ông Hữu đã tích cực vận động các gia đình giao tiếp, nói chuyện với nhau bằng tiếng mẹ đẻ trong sinh hoạt hằng ngày, để lớp trẻ ý thức được tầm quan trọng trong bảo tồn tiếng nói, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Một kết quả đáng mừng là, trong các CLB xuất hiện nhiều hội viên nhỏ tuổi biết hát, nói lưu loát tiếng mẹ đẻ.
Trong suốt những năm công tác trong hệ thống chính quyền, đến lúc nghỉ hưu, ông Lưu Văn Hữu luôn được cán bộ, nhân dân tin tưởng, tín nhiệm, đánh giá cao về năng lực công tác. Đặc biệt, về nghỉ hưu, ông được Nhân dân tin tưởng, tôn trọng bầu làm Người có uy tín thôn Đại Quang, ông đã tập hợp, thu hút đồng bào dân tộc Sán Dìu, khôi phục lại được nét văn hóa đặc trưng của đồng bào; khơi dậy tình yêu văn hóa dân tộc cho người dân, nhất là thế hệ trẻ, góp phần đẩy mạnh phong trào văn hóa văn nghệ địa phương.
Ông Hoàng Minh Ái, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: ông Lưu Văn Hữu là Người có uy tín tiêu biểu tỉnh Vĩnh Phúc, là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. “Tôi mong rằng, trong thời gian tới, cá nhân ông Lưu Văn Hữu và những Người có uy tín trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, tiên phong trong mọi phong trào”.