Thưa ông, xin ông cho biết hiện thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh hiện nay?
Trong những năm qua, thực trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tuy đã có chiều hướng giảm so với những năm trước, nhưng vẫn đang diễn ra phổ biến trong vùng DTTS trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk. Theo kết quả điều tra 53 DTTS năm 2019, Đăk Lăk có tỷ lệ tảo hôn là 28,98%, hôn nhân cận huyết thống là 0.97%, tập trung tại các huyện như: Ea Súp, Krông Buk, Ea H’leo, Krông Bông, M’Drăk, Krông Păk, Lăk, Cư M’gar.... Các dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao gồm: Êđê, M’nông, Mông, Tày, Nùng, Dao, Gia Rai...
Tuyên truyền là một trong những biện pháp rất quan trọng trong triển khai Đề án “Giảm thiểu trình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020”, Ban Dân tộc tỉnh đã triển khai công tác này như thế nào, thưa ông?
Triển khai Đề án, Ban Dân tộc đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức được 30 hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 30 xã có tỉ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao với gần 3.900 lượt. Ban Dân tộc đã phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đăk Lăk sản xuất và phát sóng phóng sự “Vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Đăk Lăk”, bằng 3 thứ tiếng Kinh, Ê đê, Mông, thời lượng phát sóng 15 phút với nội dung phản ánh thực trạng, hậu quả, tác hại, những vấn đề nhức nhối, cần giải quyết đối với tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Ngoài ra, Ban còn biên soạn, in ấn và cấp phát 166.600 tờ rơi, 18.800 cuốn Sổ tay hỏi – đáp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, lắp đặt hơn100 áp phích tuyên truyền tại các xã có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao... Nhờ đó, nhận thức của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh về tảo hôn và hôn nhân cận huyết đã từng bước được nâng cao.
Được biết, Ban Dân tộc Đăk Lăk đang triển khai mô hình điểm ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại huyện M’đrăk. Sau thời gian triển khai mô hình thí điểm, ông có chia sẻ, đánh giá như thế nào về hiệu quả mô hình?
Trong năm 2020, Ban Dân tộc đã xây dựng, triển khai thực hiện mô hình điểm ngăn chặn tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại huyện M’Đrăk, đây là huyện có tỷ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cao trên địa bàn tỉnh.
Để triển khai các hoạt động của Mô hình điểm, Ban Dân tộc đã thành lập 5 Tổ tư vấn hoạt động thực hiện Đề án “Giảm thiểu trình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” trên địa bàn 5 xã của huyện M’Đrăk với các hoạt động cụ thể như: khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá thực trạng, xác định về nhận thức, hiểu biết và nhu cầu thông tin của đồng bào DTTS đối với các quy định của pháp luật có liên quan về hôn nhân và gia đình; xác định nội dung, phương thức truyền thông, mô hình can thiệp phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện Đề án.
Đồng thời, Ban Dân tộc cũng tổ chức 5 Hội nghị tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong đồng bào DTTS, kỹ năng vận động phụ nữ phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS… Tổ chức tuyên truyền lưu động nhằm cung cấp thông tin, hình ảnh về tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Phát thanh trên Đài truyền thanh xã bằng tiếng Việt và tiếng đồng bào. Cấp phát tài liệu tờ rơi, sổ tay hỏi đáp về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; in băng rôn; in áp phích (tại các trường học, điểm trường; hội trường thôn, buôn; trự sở UBND các xã …)
Mặc dù mới triển khai, nhưng bước đầu mô hình đã đạt được những thành công nhất định. Bằng các hoạt động tuyên truyền sâu rộng, người dân đã hiểu rõ tác hại, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, từ đó giảm thiểu, tiến tới ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS. Từ thành công của Mô hình điểm tại huyện M’Đrăk. Trong giai đoạn 2021-2025, Ban Dân tộc tiếp tục nhân rộng triển khai Mô hình tai các huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Năng, Ea Hleo …
Trân trọng cảm ơn ông!