Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhận diện vấn nạn bạo lực gia đình vùng DTTS: Cần hoàn thiện hệ pháp luật để giải quyết vấn đề tận gốc (Bài cuối)

Hồng Phúc - 18:51, 01/07/2022

Mối quan hệ gia đình trong xã hội hiện nay có nhiều sự thay đổi lớn, thế nên những hành vi bạo lực gia đình (BLGD) cũng ngày càng phức tạp, khó xử lý. Do đó, cần có những thay đổi, bổ sung các quy định cụ thể, đủ mạnh để nâng cao tính răn đe của pháp luật, xử lý đúng người, đúng việc, giải quyết tận gốc vấn nạn BLGĐ.

Cần tăng cường, khuyến khích xã hội hoá công tác phòng, chống BLGĐ
Phụ nữ dễ bị trở thành nạn nhân của BLGĐ. Ảnh minh hoạ

Xử lý BLGĐ cần đi vào chiều sâu

Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã dành nhiều sự quan tâm tới việc phòng, chống BLGĐ và đã ban hành nhiều đạo luật trực tiếp, gián tiếp như Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật dân sự và đặc biệt là Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007.

Sự ra đời của hệ thống pháp luật đã tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ. Nhưng trong thực tế, vấn nạn BLGĐ vẫn còn diễn ra thường xuyên, đến mức đáng báo động.

Có nhiều vụ bạo hành nghiêm trọng nhưng chỉ hòa giải, không bảo vệ được bản thân người bị bạo hành. Kết quả là “ngựa quen đường cũ”, nạn nhân bị bạo hành vẫn phải sống trong bạo lực.

Thực hiện bình đẳng giới, loại bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ sẽ góp phần đẩy lùi bạo lực gia đình.Trong ảnh: đôi vợ chồng người Pà Thẻn, Hà Giang
Thực hiện bình đẳng giới, loại bỏ tư tưởng trọng nam khinh nữ sẽ góp phần đẩy lùi bạo lực gia đình.Trong ảnh: Tái hiện lễ cưới của người Pà Thẻn, Hà Giang

 Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 gồm 6 chương, 62 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 điều; bỏ 3 điều, so với Luật hiện hành tăng 16 điều. Nội dung Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) tập trung vào 3 nội dung chính trong các chính sách đã được Chính phủ thông qua, tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020, bao gồm: Các biện pháp phòng ngừa BLGĐ, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân BLGĐ; Cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống BLGĐ.

Góp ý vào dự án Luật này, đại biểu Hà Thị Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo tính bao quát của các hành vi BLGĐ theo các dạng bạo lực về thể chất, về tinh thần, về tình dục, về kinh tế và bổ sung thêm các hành vi, như là cưỡng ép hoặc ngăn cản việc sử dụng các biện pháp tránh thai trái ý muốn hay cưỡng ép sinh đẻ nhiều, cưỡng ép mang thai hộ trái luật hoặc là các hành vi gián tiếp như bao che, dung túng, cổ vũ hành vi BLGĐ.

Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát và xác định rõ hơn nhằm đảm bảo sự tương xứng giữa hành vi BLGĐ, với các biện pháp xử lý được quy định trong Luật.

Ngoài chế tài xử lý mạnh mẽ, những biện pháp hỗ trợ các nạn nhân là vô cùng quan trọng. Trên thực tế, cho đến nay ở nước ta chưa có địa phương nào thành lập được cơ sở hỗ trợ nạn nhân BLGĐ. 

Đại biểu Quốc hội Đinh Văn Thê, Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai bày tỏ, dù dự thảo Luật sửa đổi lần này, tiếp tục có quy định nhưng về bản chất vẫn là các quy định theo luật hiện hành. Như vậy mọi vướng mắc khó có thể giải quyết, bởi vấn đề kinh phí không được tháo gỡ. Do vậy, đại biểu đề nghị, cần tính tới việc triển khai các phương án khác như: việc tổ chức các trung tâm hỗ trợ nạn nhân BLGĐ gắn với các hội, đoàn thể như phụ nữ, thanh niên…Đại biểu cho rằng, quy định theo hướng này sẽ phát huy được hiệu quả mô hình phòng, chống BLGĐ cấp xã.

Đặc biệt, không nên “bỏ rơi” người gây bạo lực, họ cũng là đối tượng của tư vấn, cần hỗ trợ tâm lý trong phòng, chống BLGĐ. Nếu luật chỉ quy định về xử phạt vi phạm cấm tiếp xúc mà chưa coi trọng, chưa coi người gây ra hành vi BLGĐ là đối tượng cần được trợ giúp tư vấn, thì khó có thể giải quyết được gốc, rễ vấn đề, như vậy hành vi BLGĐ sẽ có nguy cơ tái diễn trong thực tế.

Khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em 

Thời gian qua số, vụ bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình, tăng cả về số vụ và mức độ nghiêm trọng. Năm 2021, theo thống kê của Bộ Công an, trong tổng số gần 2.000 vụ xâm hại trẻ em, hầu hết do chính người thân trong gia đình gây ra. Con số này cũng trùng khớp với thống kê của Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em. 

Trong tổng số cuộc gọi liên quan đến bạo hành trẻ em, thì do chính những người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 75%. Nhiều vụ xảy ra trong gia đình thiếu hoàn thiện, cha mẹ ly hôn, ly thân, các em bị bạo hành bởi cha dượng, mẹ kế, chồng hờ, vợ hờ của cha mẹ. Đáng lên án là, nhiều vụ bạo hành nhưng có sự dung túng tiếp tay, bởi chính những người ruột thịt của các em.

Cần khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong dự thảo Luật phòng, chống BLGĐ (minh hoạ)
Cần khắc phục những khoảng trống bảo vệ trẻ em trong Luật phòng, chống BLGĐ (ảnh M.H)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Phòng, chống bạo hành trẻ em trong môi trường gia đình vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này, vừa thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật trẻ em”. Do đó, đại biểu đề nghị, cần phải tính toán mức độ điều chỉnh phù hợp để phù hợp với nhiệm vụ của từng luật, để có thêm công cụ bảo vệ hiệu quả trẻ em trong môi trường gia đình, nhưng tránh sự chồng lấn, sự mâu thuẫn giữa hai luật này.

Dự thảo Luật Phòng, chống BLGĐ (sửa đổi) hiện đang tập trung vào các giải pháp hỗ trợ người bị bạo lực là người lớn, với các giải pháp truyền thống hòa giải, biện pháp truyền thông hòa giải, chấm dứt bạo lực, mà chưa cân nhắc đến đối tượng đặc thù là trẻ em trực tiếp bị BLGĐ hoặc bị ảnh hưởng khi chứng kiến các hành vi BLGĐ xảy ra giữa các thành viên trong gia đình.

Đại biểu Nguyễn Thị Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị, bổ sung các giải pháp hỗ trợ cơ sở trợ giúp cho đối tượng đặc thù là trẻ em bị BLGĐ, và bị ảnh hưởng bởi BLGĐ. Bà Hà đề xuất trong dự thảo Luật cần có các quy định cho đối tượng đặc thù là trẻ em, trong đó cần thể hiện tính nhạy cảm về giới, độ tuổi, sự phát triển của trẻ em, lợi ích tốt nhất của trẻ.

Ngoài việc hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu  về y tế, tâm lý, trợ giúp pháp lý, đại biểu cho rằng, cần quan tâm tới các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc học tập của trẻ em khi bị BLGĐ, bảo đảm việc học tập không bị gián đoạn trong thời gian trẻ đang điều trị các tổn thương về thể chất và tâm lý.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.