Tại sao nạn nhân không lên tiếng?
Chị Mùa Thị T. (Quản Bạ, Hà Giang), là một nạn nhân của bạo lực gia đình trong nhiều năm liền. Chị kể, chồng chị là người bình thường, trong mắt mọi người còn là người chăm chỉ, thương vợ con. Thế nhưng, mỗi khi chồng uống rượu say về, chị lại bị chửi, bị đánh đến xây xẩm mặt mày; vớ cái gì là chồng chị dùng để đánh bằng cái đó, khi thì cái điếu cày, lúc là đồ vật trong nhà; thậm chí nhiều lần bị đánh trước mặt con cái. Những lúc như thế, chị chỉ biết chịu đựng và van nài chồng đóng cửa phòng lại không để các con nhìn thấy.
Chị T chia sẻ, dù biết hành vi của chồng là sai, nhưng chị vẫn luôn giấu mọi người, làng xóm, cho dù những vết bầm tím trên mặt, trên người đã “tố cáo” chị bị đánh đập. Chị T còn nói, mình đã có kinh nghiệm “né” đòn của chồng, cứ khi nào chồng say rượu là chị đi trốn, nhưng có lần vẫn không kịp.
Không chỉ chị T, hàng nghìn vụ BLGĐ đang diễn ra mà không được đưa ra công luận. Phần lớn nạn nhân khi bị đánh đập, bạo hành, sẽ cảm thấy xấu hổ, ê chề với bạn bè, hàng xóm, thậm chí cảm thấy xấu hổ cả với người thân, gia đình.
Theo kết quả điều tra quốc gia bạo lực với phụ nữ được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê, Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam thực hiện năm 2019, công bố năm 2020, 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực thể xác hoặc tình dục không tìm kiếm sự giúp đỡ, chỉ có 4,8% tìm kiếm sự giúp đỡ của công an. Con số 4,8% đã minh chứng rằng, nạn nhân của BLGĐ thường chọn cách không lên tiếng.
Nỗi ám ảnh về nguy cơ bị mang tiếng, không chỉ dừng lại ở phạm vi cá nhân các nữ nạn nhân. Nhiều phụ nữ không muốn nói ra, vì họ muốn giữ thể diện cho gia đình, không muốn làm ảnh hưởng xấu tới các thành viên khác; thậm chí là không muốn làm xấu hình ảnh của người chồng đã cư xử không tốt với họ. Do đó, có không ít nạn nhân đã phải tự “bịa” ra lý do giải thích vết thương, tím bầm là do bị ngã để che giấu vết thương và che giấu cả việc bị đánh đập, hành hạ.
Còn có những nguyên nhân gián tiếp gây ra việc im lặng, thoả hiệp và che giấu việc mình bị bạo hành, là do việc người bị bạo hành bị đổ lỗi-victim blaming (đổ lỗi cho nạn nhân).
“Nó phải như thế nào mới bị chồng đánh chứ”, “vợ như thế đánh là đúng”,… là những mẫu câu quen thuộc, mà một bộ phận người Việt vẫn hay dùng khi chứng kiến những vấn đề BLGĐ xung quanh họ. Nạn nhân do áp lực xã hội trước nỗi lo bị mang tiếng như “không biết làm vợ”, “không biết chiều chồng”, “loại đàn bà vô phúc”… nên không dám nói ra vấn đề của họ.
“Có lẽ nạn nhân đã cân nhắc kỹ nếu lên tiếng, mình có thể bị vùi dập hơn nữa. Bạo hành từ phía dư luận xã hội, cộng đồng xung quanh có thể còn nghiêm trọng hơn những gì họ phải trải qua trong gia đình”, Tiến sỹ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội nhận định.
Hãy lên tiếng
Thực tế chứng minh, khi nạn nhân của BLGĐ im lặng thì câu chuyện “5 ngày 3 trận” vẫn sẽ tái diễn. Tuy nhiên, nếu những người xung quanh lên tiếng, can thiệp, có trách nhiệm với họ, thì sự việc sẽ không đi vào ngõ cụt.
Ông Trịnh Trung Hòa, chuyên gia tư vấn tình yêu, hôn nhân Trung tâm tư vấn Linh Tâm nhấn mạnh: "Khi bị bạo hành, nạn nhân phải tự mình phản kháng, chứ không thể trông chờ vào những người xung quanh, trong khi bản thân lại không phản ứng gì. Kinh nghiệm là phải phản kháng ngay từ đầu khi mức độ bạo hành còn nhẹ, chứ không để đến lúc mức độ bạo hành đã trở nên nghiêm trọng".
Quy luật của bạo hành giống như vòng tròn xoáy trôn ốc: Bạo hành - xin lỗi - tử tế - rồi lại bạo hành - xin lỗi - tử tế - bạo hành… Càng về sau, vòng tròn càng to dần, tương ứng với mức độ bạo hành ngày càng nặng… Phản kháng ở đây có thể bằng lời nói, bằng sự tố cáo, kêu gọi hỗ trợ từ những người xung quanh.
Bàn về giải pháp để nâng cao trách nhiệm của những người xung quanh, thạc sĩ Lê Thị Thanh Nhã, nguyên Phó phòng Gia đình, Sở Văn hóa Thể thao TP. Hồ Chí Minh lên tiếng: “Đừng im lặng! Một người lên tiếng, hai người lên tiếng sẽ khiến câu chuyện được lan tỏa đến nhiều người. Đó là cách chúng ta góp phần đấu tranh phòng, chống BLGĐ”.
“Đừng im lặng!” không có nghĩa là đứng ở đâu cũng la lên “tôi khổ quá, tôi bị bạo lực”; bà Nhã nêu ý kiến, nạn nhân phải học cách lên tiếng. Ngoài những số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận và xử lý các vụ việc phòng, chống bạo lực, người lên tiếng có thể gặp chính quyền địa phương để trình báo, gặp chuyên gia để nhờ tư vấn, tháo gỡ.
“Phải nói rõ, nói thật, nói đúng về câu chuyện của mình. Phải hiểu rằng, ngay khi bạn sai, bạn vẫn có quyền con người, vẫn có thể thương lượng không phải mặc cảm, giấu giếm, nếu không vấn đề sẽ không được giải quyết hợp tình hợp lý”, bà Nhã nhấn mạnh.
Có thể thấy, biện pháp sớm nhất để phòng, chống BLGĐ hiện nay, là tăng cường tuyên truyền để người phụ nữ nhận diện được những hành vi, khả năng tái diễn của bạo lực để họ hiểu được mình đang bị bạo lực, qua đó thay đổi nhận thức, thấy rõ được trách nhiệm của bản thân phải tiếng trình báo chính quyền địa phương khi bị bạo lực.
Phòng, chống bạo lực gia đình, không phải là việc của một cá nhân hay một tổ chức độc lập. Không nên quan niệm đó là chuyện nội bộ gia đình, mà là công việc chung, cần có sự kết hợp đồng bộ, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và cả hệ thống chính trị, cả xã hội vào cuộc, cùng với việc thực hiện các chế tài nghiêm minh, mới mang lại hiệu quả thiết thực...