Còn nhiều vấn đề bất cập trong thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành nhằm hoàn thiện thể chế về công tác phòng, chống bạo lực gia đình theo hướng tăng cường các biện pháp bảo vệ các quyền con người theo Hiến pháp năm 2013; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các thiết chế nhà nước, xã hội cũng như vai trò của gia đình về lĩnh vực này, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong tình hình mới.
Nội dung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào 3 chính sách lớn, gồm: Các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; cơ chế phối hợp và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình; khuyến khích xã hội hóa công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) gồm 6 chương, 62 điều, trong đó, sửa đổi, bổ sung nội dung 42 điều trong Luật hiện hành; xây dựng mới hoàn toàn 17 điều; bỏ 3 điều, so với Luật hiện hành tăng 16 điều.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng, qua nhiều năm thực hiện, Luật đã bộc lộ một số điểm hạn chế, bất cập, chưa thực sự phù hợp với tình hình xã hội hiện tại. Theo đó, Luật còn một số khái niệm chưa được làm rõ về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ, bảo vệ trong phòng, chống bạo lực gia đình dẫn đến những cách hiểu khác nhau trong quá trình tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, Luật hiện hành không có điều khoản riêng quy định về giải thích từ ngữ, do đó còn thiếu một số khái niệm quan trọng, một số khái niệm chưa được giải thích rõ. Bên cạnh đó, các quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình vẫn còn bất cập…
Sau khi nghe trình bày Tờ trình dự án Luật, Quốc hội đã nghe trình bày Báo cáo thẩm tra Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) của Ủy ban Xã hội của Quốc hội.
Cần giải pháp cụ thể cho các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV và đã được quan tâm thảo luận, góp ý hết sức tâm huyết, trách nhiệm, với 246 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu tại Tổ và Hội trường; 10 lượt ý kiến ĐBQH phát biểu tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách; 54/63 Đoàn ĐBQH gửi ý kiến tham gia về dự án Luật.
So với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 154 điều (giảm 1 chương và 3 điều), có 40 điều sửa đổi nội dung, 74 điều chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản, bổ sung 7 điều, bãi bỏ một số quy định tại 9 điều và giữ nguyên 33 điều.
Theo đó, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã đáp ứng được các mục tiêu, yêu cầu sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm, thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) và các điều ước quốc tế khác có liên quan, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính khả thi và tuân thủ các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Phát biểu điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương đề nghị các ĐBQH tập trung cho ý kiến 7 vấn đề đã nêu trong báo cáo giải trình, tiếp thu, như: Kết cấu của dự thảo Luật; hợp đồng bảo hiểm; doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp tái bảo hiểm nước ngoài; đại lý bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; bảo hiểm vi mô...
Thảo luận tại Hội trường, các đại biểu bày tỏ đồng tình cao với báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Liên quan tới nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), một số đại biểu cho rằng cần bổ sung một số nội dung như: Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường; trường hợp pháp nhân thương mại không được giao kết thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm; thận trọng, có quy định rõ ràng về dịch vụ bảo hiểm qua biên giới; quy định chặt chẽ các nội dung để hạn chế “hợp đồng bảo hiểm mồ côi”; bảo đảm ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm các doanh nghiệp bảo hiểm…