Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

“Vùng tối” trong xử lý bạo lực gia đình

Thiên Đức - 09:38, 03/06/2022

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống bạo lực gia đình. Một trong những vấn đề cần ưu tiên khi xem xét dự thảo luật này, đó là xem xét tính đặc thù của các nhóm yếu thế, trong đó có đối tượng người DTTS.

Nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra gây bức xúc xã hội
Nhiều vụ bạo lực gia đình xảy ra gây bức xúc xã hội

Thực trạng bạo lực gia đình ở vùng DTTS

Theo Kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam mới đây cho thấy, bạo lực do chồng/bạn tình gây ra trong đời đều có sự khác biệt đáng kể giữa các dân tộc.

Theo báo cáo tóm tắt chính sách: “Các vấn đề giới trong vùng DTTS ở Việt Nam” do Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Viện Khoa học Lao động và Xã Hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Vụ Dân tộc thiểu số (Ủy ban Dân tộc) công bố cho thấy: Bạo lực ở phụ nữ DTTS dưới dạng kiểm soát hành vi và bạo lực kinh tế nhiều hơn so với phụ nữ Kinh.

Cụ thể, có đến 33,8% phụ nữ DTTS bị kiểm soát hành vi và 24,1% phụ nữ DTTS bị bạo lực kinh tế do chồng/bạn tình gây ra trong đời, trong khi tỷ lệ tương ứng ở nhóm phụ nữ Kinh chỉ là 26% và 19,9%. Tỷ lệ này đặc biệt cao ở nhóm phụ nữ dân tộc Mông (54,7%) và dân tộc Dao (51,3%).

Về mặt bằng tỷ lệ phụ nữ DTTS bị bạo lực thể xác, bạo lực tình dục và bạo lực tinh thần thấp hơn phụ nữ người dân tộc Kinh. Tuy nhiên, cá biệt, có một số DTTS có tỷ lệ bạo lực thể xác và/hoặc bạo lực tình dục rất cao, như Nùng (lần lượt là 42,8% và 25,8%). Trong khi đó, tỷ lệ này ở phụ nữ Kinh lần lượt là 32,7% và 8,3%.

Từ những con số biết nói trên, đặt ra cho Nhà nước, các nhà hoạch định chính sách xã hội và cộng đồng cần đưa ra những giải pháp, để khắc phục trình trạng bạo lực gia đình nói chung và bạo lực gia đình tại các vùng DTTS nói riêng, từ đó góp phần từng bước ngăn chặn và xóa bỏ bạo lực gia đình.

Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình cho phụ nữ DTTS
Cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về bạo lực gia đình cho phụ nữ DTTS

Cần giải pháp phù hợp với vùng, miền

Cho ý kiến về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV mới đây, bà Nguyễn Thúy Anh, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, Ủy ban Xã hội tán thành về sự cần thiết sửa đổi luật nhằm thể chế quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn, khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hiện hành.

Ủy ban Xã hội đề nghị cơ quan soạn thảo, tiếp tục bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng của người bị bạo lực gia đình; tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình và quan tâm các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng, miền, dân tộc.

Cũng theo bà Nguyễn Thúy Anh, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu bổ sung quy định để cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Công an cấp xã trong phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với chức năng bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở của Công an cấp xã.

"Qua theo dõi, giám sát của Ủy ban Xã hội và ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội có thể thấy rằng, tại địa bàn sinh sống của một số đồng bào DTTS vẫn còn giữ phong tục, tập quán lạc hậu, tình trạng tảo hôn và bạo lực gia đình tương đối phổ biến, một số hành vi bạo lực gia đình trong đồng bào DTTS có tỷ lệ cao hơn so với tỷ lệ chung trong cả nước. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình phù hợp với các địa phương, khu vực có nhiều đồng bào DTTS sinh sống", bà Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh.

Về các hành vi bạo lực gia đình, theo bà Nguyễn Thúy Anh, cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung để các hành vi bạo lực gia đình phản ánh được thực tiễn cuộc sống và tránh bỏ sót hành vi, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi bạo lực gia đình được đánh giá là diễn biến nghiêm trọng với nhiều hình thức tinh vi, phức tạp. Việc quy định các hành vi bạo lực gia đình cần có mối liên hệ với các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, biện pháp xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.