Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhà văn Lê Va - Người đã ngấm “bùa yêu” xứ Mường

Hồng Minh - 08:30, 03/02/2022

Sống và làm việc trên mảnh đất Hòa Bình - nơi hiện còn lưu giữ một kho tàng quý giá của văn hóa Mường, Nhà văn Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình đã có cơ hội thậm thấu, am hiểu và yêu quý những giá trị văn hóa của dân tộc Mường như là một người Mường thực thụ.

Nhà văn Lê Va (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến công tác
Nhà văn Lê Va (thứ hai từ phải sang) trong một chuyến công tác


“Đưa tôi đến với Hòa Bình là quyết định của tổ chức. Nhưng giữ tôi lại Hòa Bình là văn hóa, là tình người của người miền núi”. Câu nói đượm tình của Nhà văn trong cuộc trò chuyện, đủ khiến tôi hiểu được tình yêu của ông với mảnh đất này.

Đó là năm 1976, tỉnh Hòa Bình sáp nhập với tỉnh Hà Tây (cũ) thành Hà Sơn Bình, thì đến năm 1977, ông được điều từ Hà Tây lên công tác tại Hòa Bình. Khi đó Lê Va là một chiến sĩ Công an Nhân dân. 

“Lúc mới nhận quyết định thì rất hoang mang, vì cả nhà, cả họ chưa ai biết Hòa Bình thế nào? Hy vọng sau 3 năm, hết nghĩa vụ thì về Hà Đông. Thế rồi cái hay, cái đẹp cộng lại thành cái duyên giữ tôi ở lại Hòa Bình đến nay đã 45 năm”, Nhà văn kể.

Nhà văn Lê Va (bên trái) tặng sách cho độc giả
Nhà văn Lê Va (bên trái) tặng sách cho độc giả

Nhận công tác tại Công an huyện Đà Bắc, đóng tại Chợ Bờ khi chưa có đập thủy điện Hòa Bình. Ông ở đó 5 năm liên tục, cho tới năm 1982 thì chuyển theo huyện về xã Tu Lý (nay là thị trấn Đà Bắc), tiếp tục gắn bó với bà con Đà Bắc cho tới năm 1993 thì chuyển ra Công an tỉnh Hòa Bình.

Đây chính là khoảng thời gian ông được đến nhiều với bà con các dân tộc trong tỉnh. Được tìm hiểu kỹ hơn, rộng hơn bản sắc văn hóa các dân tộc miền núi Hòa Bình.

“Càng đi, tôi càng cảm nhận cái nghĩa tình mộc mạc, trong sáng của con người miền núi, cái đẹp mê hồn của phong cảnh Hòa Bình… Tôi trân trọng tinh thần hiếu học, thực học để vượt nghèo của người dân xã Ngổ Luông ở lưng núi Trường Sơn; an ninh hòa quyện với văn hóa của làng Bôi Câu ở Kim Bôi; cảm phục tấm lòng vì dân của một người Dao đi mở đất… và còn rất nhiều cái hay, cái đẹp, cái tình, cái lý đã, đang và tiếp tục tiềm ẩn trong đời sống của bà con nhân dân các dân tộc trong tỉnh Hòa Bình. Lộ thiên đấy, mà trầm tích đấy. Nếu chúng ta biết trân trọng, tìm tòi và phát huy, thì trầm tích thành lộ thiên và ngược lại. Nhất là tỉnh Hòa Bình khi chưa thành lập thì đã rừng, đã núi, đã sử thi Đẻ đất, đẻ nước bất hủ…”, Nhà văn Lê Va bộc bạch. Đó chính những điều cuốn hút khiến người chiến sĩ Công an Nhân dân trở thành nhà văn, nhà báo hôm nay.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của ngành Công an, ông được tín nhiệm bầu là Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, đến nay là hai nhiệm kỳ 2012 - 2017 và 2017 - 2022.

Khi tôi hỏi Nhà văn, điều gì khiến ông yêu văn hóa Mường đến thế. Ông trả lời tôi: "Hòa Bình - miền sử thi" hay "Xứ Mường - miền sử thi". Vậy sử đâu? Thi đâu? lại rất khó nói. Đó chính là sự hấp dẫn khiến tôi cần phải tìm tòi. Cái thiếu mới quý”. Tính đến nay, Nhà văn đã có 16 cuốn sách riêng và 4 tập bản thảo hoàn chỉnh viết về miền núi Hòa Bình. Gần đây, ông tập trung tìm tòi và viết về kỳ trung đại xứ Mường.

Trong số các sáng tác của ông đã có 3 bài thơ được đưa vào Chương trình ngữ văn địa phương tỉnh Hòa Bình do Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất bản năm 2010. Bài thứ nhất “Người vùng cao đón khách”, là những trải nghiệm từ khi ông vừa đặt chân tới vùng núi cao Đà Bắc (năm 1977). Mỗi khi đến với bà con, từ những cử chỉ, tính cách, ánh mắt, nụ cười của người dân khi đón tiếp, khi tiễn ông... cứ thế ngấm vào ông và sau đó nhiều năm, bài thơ ra đời.

Bài thứ hai là “Vẫn ngoài bàn tay”, được ông sáng tác trong thời gian công tác tạiTrại tạm giam của Công an tỉnh, khi Công trình Thủy điện Hòa Bình đang vào hồi cao điểm thi công: “Ba con đường lớn/ Nằm ở bàn tay/ Đường đời đi xuống/ Đường học đi ngang/ Đường tình chạy ngược...”.

Bài thứ ba là “Tản bước sông đêm”, là những thủ thỉ tâm sự rồi muốn đưa ra thông điệp về các cạm bẫy trong cuộc đời của ông, khi trong nhiều đêm đi bộ bên dòng Đà giang thơ mộng.

Trên cương vị Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, nhà văn Lê Va trăn trở, làm sao để có thêm nhiều hội viên trẻ người Mường, từ đó, sẽ có nhiều hơn những sáng tác hay về đồng bào Mường.

Sau cuộc trò chuyện với Nhà văn, trong đầu tôi luôn hình dung về hình ảnh “Những đêm, đứng ở ban công nhà mình, nhìn bầu trời Hòa Bình phì nhiêu ánh sáng, tôi thầm cám ơn: Hòa Bình không phải nơi tôi sinh ra nhưng Hòa Bình là nơi tôi lớn!” của Nhà văn với tình yêu vô bờ với con người và mảnh đất xứ Mường - Hòa Bình.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.