Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Nhà thơ trẻ Ngô Bá Hòa với đề tài thơ ca miền núi

Kim Anh - 15:59, 21/03/2022

“Tôi lớn lên mang hình cánh đồng/rộng trong tim và sâu trong mắt/ mẹ vẫn về trong lời gió hát/ em lớn lên trên ngọn cỏ non…”. Đây là những vần thơ sáng tác trong tập thơ “Cánh đồng cỏ úa” do Ngô Bá Hòa (sinh năm 1987), viết về chính quê hương của mình. Ngô Bá Hòa là một nhà thơ trẻ người Tày với nhiều sáng tác về đề tài nông thôn miền núi được độc giả yêu thích đón nhận.

Nhà thơ trẻ Ngô Bá Hòa đi tìm cảm hứng sáng tác tại vùng cao
Nhà thơ trẻ Ngô Bá Hòa đi tìm cảm hứng sáng tác tại vùng cao


Ngô Bá Hoà chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên tại một huyện miền núi của tỉnh Lạng Sơn, nên những hình ảnh, trải nghiệm nơi cuộc sống thôn quê là chất xúc tác thấm đượm trong từng câu thơ của mình.

Thời thơ ấu, cuộc sống gia đình vất vả, Ngô Bá Hòa thường xuyên phụ giúp cha mẹ công việc đồng áng, chăn trâu. Hễ có thời gian rảnh rỗi, là anh lại mang sách, báo ra đọc và tìm tòi. Những vần thơ trong từng trang sách, có sức hấp dẫn lạ kỳ với chàng trai người Tày này.

Nhớ lại khoảng thời gian còn cắp sách tới trường, Ngô Bá Hoà thường đến thư viện của trường để tìm đọc những ấn phẩm mới, như sách của Nhà xuất bản Kim Đồng, Báo Thiếu niên Tiền phong và báo Thiếu nhi dân tộc… Trên những ấn phẩm đó có rất nhiều sáng tác văn, thơ của các bạn đồng trang lứa từ khắp mọi miền đất nước, từ đó khơi dậy mạnh mẽ niềm đam mê với thơ của Ngô Bá Hòa.

“Cũng từ niềm yêu thích đó mà tôi có thể sáng tác những bài thơ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Lúc là cỏ cây hoa lá trong vườn đua nở; khi là con vịt, con gà lon ton chạy theo mẹ; có những lúc là bức tranh mẹ thiên nhiên với gió, mây, mưa, nắng… Sau khi viết được vài bài, tôi mạnh dạn gửi đến địa chỉ toà soạn báo Thiếu niên Tiền phong và Thiếu nhi dân tộc. Không ngờ sau 2 tháng, thơ của tôi được in, toà soạn gửi riêng cho tôi một tờ báo biếu đến địa chỉ nhà trường”, anh Hòa kể.

Bằng sự say mê, yêu thích và tìm tòi, Ngô Bá Hòa thi đỗ vào Khoa Sân khấu – Điện ảnh – Viết văn, Trường Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội. Sau khi tốt nghiệp anh về công tác tại Tạp chí Văn hoá các dân tộc, là biên tập viên chính của Tạp chí. Làm việc tại đây, được tiếp xúc nhiều với thể loại văn chương khác nhau, giúp Ngô Bá Hòa dần định hình phong cách thơ của mình. Những sáng tác của anh đều lấy hình ảnh miền núi quê mình để biểu đạt những điều muốn nói trong thơ.

Không chỉ dừng lại ở những sáng tác thơ, nhà thơ trẻ người Tày còn thử sức ở nhiều thể loại khác nhau như truyện ngắn, bút ký, kịch bản văn học. Đặc biệt, Ngô Bá Hòa còn sáng tác thơ, truyện bằng cả tiếng Tày - Nùng… Đến nay, anh đã in riêng cho mình 4 tập thơ: Lớp học mùa mưa (2009), Cánh đồng cỏ úa (2014), Miên linh (2019), Đôi mắt Sana (2022).

Những hình ảnh bản làng, dòng sông, con suối, cánh rừng, ngọn núi đến những sắc phục dân tộc, điệu then… đã trở thành biểu tượng xuyên suốt trong các tác phẩm của Ngô Bá Hòa. Mỗi tập thơ, nhà thơ trẻ người Tày, đều sắp xếp các bài theo một đề tài khác nhau. Chúng luôn có một trật tự theo các trục thời gian và không gian riêng biệt, không tập nào lẫn với tập nào.

“Những bài thơ viết về thiếu nhi miền núi như: Bình minh về trên bản, Bản em xuân về,..; hay những bài thơ tình như Lưng chừng ngày xanh, Ánh trăng sau núi, Sơn nữ,… viết về tình cảm của những đôi trai gái miền núi; có những bài thơ ca ngợi quê hương như Khuổi Phụ, Lát cắt Bắc Sơn,…”,  Ngô Bá Hòa cho biết.

Thơ miền núi đôi khi đọc lên thấy cách biểu đạt thật đơn giản nhẹ nhàng. Tuy nhiên, không phải ai muốn viết đơn giản như thế là làm được. Những người viết càng giản đơn lại càng sâu sắc, vì họ đã có cả một đời sống với những nét văn hoá in sâu trong tiềm thức. Những điều giản đơn mà chúng ta thấy ấy, đã trải qua rất nhiều thâm u, trầm tích để thoát ra.

“Nếu ai đó muốn tìm hiểu, viết về miền núi hay bất cứ dân tộc nào, thì nên hiểu rõ về họ trước khi đặt bút viết. Văn hoá dân tộc luôn là những điều rất sâu sắc, sự vật, hiện tượng mà chúng ta thấy, đôi khi không giống như chúng ta thấy”, nhà thơ trẻ người Tày tâm sự.

Hơn 10 năm qua, Ngô Bá Hòa đã sưu tầm và có cho mình những chất liệu riêng biệt trong mỗi sáng tác thơ. Hiện nay, anh là Hội viên Hội Văn học nghệ thuật Lạng Sơn, Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam.

“Mỗi nơi tôi đi, mỗi hành trình tôi đến nơi vùng núi xa xôi, lại là những nét chấm phá riêng biệt trong những sáng tác của tôi. Trong thời gian tới, tôi vẫn sẽ tiếp tục in những tập thơ tiếp theo gắn liền với đề tài miền núi, nhà thơ Ngô Bá Hòa cho biết.

Trong quá trình sáng tác, Ngô Bá Hoà đã đạt được các giải thưởng: Giải thưởng Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn năm 2009 và năm 2014; Giải thưởng Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2014; Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Xứ Lạng; Giải thưởng bút trẻ của Báo Pháp luật Việt Nam; giải Ba cuộc thi thơ “Sống và hy vọng’ do Ban Văn hóa – Văn nghệ VOV6 và tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên tổ chức năm 2022.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.