Tôi không biết đã bao lần mình khóc
"Quê hương tôi là mảnh đất nhiều gian khó mà cũng rất nên thơ nên hình như những điều đó ngấm vào tôi rất sâu nặng. Bây giờ bố mẹ tôi vẫn ở đó, trong ngôi nhà ven sườn đồi toàn sim mua và rất nhiều ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, chưa ai về nhận, vẫn được những người nông dân như bố mẹ và dân làng tôi hương khói", nhà thơ Lữ Mai bộc bạch.
Từ nhỏ, qua những câu chuyện ký ức của bố - một người lính trở về từ chiến trường Campuchia nỗi ám ảnh chiến tranh, niềm trăn trở, hy sinh lớn lao mà thầm lặng của họ đã ngấm sâu vào Lữ Mai. Đề tài về người lính đã trở nên quen thuộc trong văn chương của chị.
“Chúng ta không thể đau thay những nỗi đau của người lính”, Lữ Mai chia sẻ.
Trong chị, lòng biết ơn và sự tri ân đối với những người lính không bao giờ đủ. Dẫu thừa nhận mình là cây viết trẻ còn nhiều thiếu sót và hạn chế, nhất là với thể loại trường ca, một đề tài khó, cần có chiều sâu… nhưng với Lữ Mai, sự rung động và trắc ẩn khiến chị không thể không cầm bút.
Với trường ca “Chư Tankra mây trắng”, Lữ Mai không khai thác sử liệu về trận chiến oanh liệt mà đi sâu vào tình cảm, tâm lý, câu chuyện của những cựu chiến binh thời bình; qua đó khẳng định khí chất, tinh thần dũng cảm, hào hoa, sống và hành động đầy ý nghĩa của các thế hệ người lính. Đó là các cựu chiến binh Chư Tan Kra, với hành trình hơn 10 năm qua đi tìm đồng đội, tiết kiệm từng đồng lương hưu, chia nhau từng chút lương khô và nước uống.
Trong suốt quá trình sáng tác trường ca này, tôi không biết mình đã khóc bao nhiêu lần, Lữ Mai kể lại.Thật nghẹn ngào, đau xót khi nghe những câu chuyện từ ông Hồ Đại Đồng, Cựu chiến binh Trung đoàn 209, Trưởng ban liên lạc CCB tìm liệt sĩ Sư đoàn 1, là nhân chứng trực tiếp có lần phải cùng đồng đội chia răng đều cho các gói hài cốt (vì không thể phân biệt được riêng từng người)... Những điều ấy đã đi vào trong trang viết của Lữ Mai một cách chân thật, đau đớn nhưng ẩn chứa sự cảm phục, tự hào.
“Tiếng bom cũ xô những người lính già/suối đêm róc rách như hờn trách/bảy mươi ngại gì sông suối núi đèo/sẽ khai quật hầm hào/sẽ biết trước muỗi vắt nhiều vô kể/sẽ chằng chịt ngã ba không ở trong bản đồ/còn sức còn đicòn thương còn nghĩ”…
Ở tác phẩm trường ca “Ngang qua bình minh”, người đọc lại cảm nhận được điệp trùng những câu chuyện của người lính biển, không chỉ là câu chuyện của những người đang sống mà còn có rất nhiều câu chuyện của những người lính đã hy sinh. Nhưng họ vẫn hiện diện trên sóng nước Tổ quốc, với những suy tư tâm sự đời thường mà rất đỗi thiêng liêng:
“Lửa bùng lên sẽ mặc nhiên tro tàn/ phía sau tro tàn vẫn tình yêu thuần khiết/ vẫn đoàn người hành quân từ miền khác/ không về quê mình mà tới biển mênh mông”…
Quãng thời gian 2019-2021, là quãng nhà thơ Lữ Mai ra sách nhiều và liên tục nhất, chị trở về từ Trường Sa và viết “Ngang qua bình minh”; tản văn “Nơi đầu sóng”, “Mắt trùng khơi” rồi tiếp tục là “Chư Tan Kra mây trắng". Sự viết cần mẫn ấy, như một chứng minh cho mối duyên nợ của nghiệp viết Lữ Mai với đề tài người lính.
Dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại
Đã có một giai đoạn, khi nhận xét về người viết trẻ, nhiều ý kiến cho rằng, người trẻ chỉ sáng tác quanh quẩn về cái tôi cá nhân, những chi tiết nhỏ lẻ, hạn hẹp; thiếu tinh thần dân tộc, … Thế nên trong buổi trò chuyện với chúng tôi, tác giả cho rằng, ngày nay việc các tác giả trẻ xuất hiện nhiều hơn về đề tài lịch sử là một tín hiệu đáng mừng.
Tuy nhiên, khó khăn về mặt lứa tuổi, tiếp cận với sử liệu, thể loại, và những “cái bóng” lớn, cũng là vấn đề khiến người viết phải suy ngẫm. Nhưng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phải quan sát, trăn trở, nung nấu…bằng sự nỗ lực viết.
“Khi viết những tác phẩm về người lính, tôi thấy mình “được” quá nhiều, đó là những xúc cảm mạnh mẽ sâu thẳm trong con người mình, không chỉ là ở tư cách người viết, mà tôi còn là một người Việt Nam. Viết trường ca này (Chư Tankra mây trắng), tôi cũng phát hiện ra thêm nhiều góc cạnh của tâm hồn mình”, Lữ Mai chia sẻ.
Tại sao có lúc chúng ta lo lắng khi người trẻ ít hứng thú với sách về lịch sử? Trên thực tế, người lớn, cũng khó cầm được lòng trước những cám dỗ của thế giới giải trí hiện đại chứ chưa nói đến người trẻ.
Nhà thơ Lữ Mai cho rằng, mỗi một tác phẩm đều có đời sống riêng của nó, nhưng chị mong muốn những gì mình viết sẽ mang lại một góc nhìn khác về lịch sử, nhân văn và ý nghĩa đối với độc giả, đặc biệt là những người trẻ. Những cuốn sách sẽ là những dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi gợi lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, nhắc nhớ chúng ta không bao giờ được phép quên đi lịch sử dân tộc mình.
Cũng chính vì mục đích ấy, sau mỗi cuốn sách, tác giả đều tặng sách cho nhiều trường học, chị còn trích lợi nhuận để thực hiện những chương trình cộng đồng ý nghĩa như: Tặng những mô hình biển đảo cho nhiều trường học, tổ chức chương trình viết thư, tặng những món quà nhỏ cho các chiến sỹ ngoài đảo xa với học sinh nhiều địa phương trên cả nước.
Với trường ca “Chư Tankra mây trắng”, toàn bộ kinh phí thu được tác giả sẽ công khai chi tiết và gửi tặng lại Ban Liên lạc Cựu chiến binh tìm liệt sĩ Sư đoàn 1, đang thực hiện công việc đi tìm đồng đội…
“Đó là sự tri ân nhỏ bé của chúng tôi tới những con người vĩ đại”, Lữ Mai chia sẻ.