Không sợ nguy hiểm, chỉ sợ mất nước
Đi giữa đỉnh Trường Sơn lộng gió, gặp và chuyện trò với những chiến sĩ giải phóng quân năm xưa, lòng chúng tôi chợt trào dâng niềm tự hào khôn tả. Năm xưa, những chàng trai, cô gái người Pa Cô, Tà Ôi hừng hực khí thế xung trận đánh đế quốc Mỹ. Giờ đây kẻ mất người còn, nhưng những người đang sống hôm nay sẽ chẳng ai quên được kí ức về những tháng ngày Mỹ - Ngụy vây làng, phá bản.
Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Hồ Vai, sinh năm 1940, dân tộc Pa Cô, quê xã Hồng Bắc, huyện A Lưới vẫn còn nhớ rành rẽ những câu chuyện gần 60 năm trước. Đã sang tuổi 81 nhưng ông vẫn khỏe mạnh, như cây lim, cấy táu giữa đại ngàn.
Đồng bào các DTTS A Lưới đã đóng góp rất quan trọng để làm nên chiến thắng trước đế quốc Mỹ. Họ một lòng kiên trung theo Đảng, theo Bác Hồ.
Ông Hồ Viết ÁiTrưởng phòng Dân tộc huyện A Lưới
Cuộc chuyện trò ngắn ngủi nhưng đã giúp lớp hậu thế chúng tôi hiểu hơn về những tháng ngày đánh đế quốc Mỹ. Ông bảo, 20 tuổi, ông đã đi đánh trận rồi. Cũng một mình tôi, kìm chân cả một đại đội địch đấy.
"Cả vùng A Lưới này chi chít hố bom, máy bay quần thảo cả ngày lẫn đêm. Thời ấy khốc liệt lắm, nhưng chẳng ai run sợ, nản lòng mà chỉ hừng hực quyết tâm đánh đuổi Mỹ Ngụy", ông Hồ Vai nhớ lại.
Ở tuổi “xưa nay hiếm” nhưng Anh hùng LLVTND Hồ Kan Lịch vẫn còn rất minh mẫn. Nguyên tên của bà là Kan Lịch, sinh năm 1943, dân tộc Pa Cô ở bản A Lê Nốc, nay thuộc thị trấn A Lưới, huyện A Lưới. Đi theo tiếng gọi cách mạng, cảm phục cụ Hồ rồi mang thêm họ Bác để tỏ lòng kính yêu.
Từ nhỏ, bà đã là liên lạc viên với nhiệm vụ vận chuyển công văn, thư từ. Năm 1961, bà tham gia và lãnh đạo đội du kích Hồng Bắc gồm 160 người trực tiếp đánh 49 trận lớn nhỏ. Đội du kích Hồng Bắc do bà chỉ huy, đã bắn rơi máy bay Mỹ làm chết 60 tên trong đó có một đại tá Mỹ. Tính riêng từ năm 1961 - 1965, bà đã trực tiếp tiêu diệt 150 lính Mỹ - Ngụy, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh của đối phương.
Bà Hồ Kan Lịch móm mém: "Cứ giặc đến là đánh thôi. Chúng tôi không sợ khổ, không sợ nguy hiểm, chỉ sợ mất nước".
Tôi lần giở những tập tài liệu trong Thư viện trung tâm huyện A Lưới, chăm chú trước những kỷ vật của một thời trận mạc tại nhà truyền thống các DTTS huyện A Lưới, mà thêm tự hào về những người con đất Việt trên dãy Trường Sơn. Chỉ tính trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đồng bào các DTTS A Lưới đã đóng góp 33.837 tấn lương thực và thực phẩm, 4.560 lượt dân công hỏa tuyến, 7.850 công dân lên đường nhập ngũ, 1,5 triệu ngày công phục vụ chiến đấu, 577 liệt sĩ, 1.086 thương binh, gần 10.000 người và 5.000 hộ gia đình tham gia cách mạng.
Chẳng thế mà hiếm có nơi nào như A Lưới có đến 8 cá nhân, 17 tập thể được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, 12 bà mẹ được phong tặng Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những tên đất, tên làng như A So, A Co, A Lưới, đồi Abiah… mãi mãi là tên gọi gợi nhắc một quá khứ anh dũng, hào hùng.
A Lưới đã khác xưa
Nhiều người hẳn không quên được cuộc sống đói nghèo triền miên với tập quán du canh du cư của đồng bào nơi đây. Một thời, người dân A Lưới đến sắn cũng không đủ ăn chứ nói gì đến hạt gạo.
Bệnh tật, đói rét luôn vây bủa. Người dân sống rải rác ở các bản làng sâu tít trong dãy Trường Sơn, đường sá đi lại khó khăn. Bà con các bản làng muốn đi lại với nhau phải mất hàng ngày đường; cuộc sống tự cung tự cấp, thiếu thốn đủ bề...
Thế mà nay, A Lưới đang chuyển mình. Anh bạn đi cùng tôi đã rất ngạc nhiên khi chứng kiến sự đổi thay sau nhiều năm trở lại.
Từ trong khói lửa của cuộc chiến tranh, A Lưới sau hòa bình thực sự vươn vai đứng dậy. Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại hôm nào và hôm nay đang là Đại lộ Hồ Chí Minh tạo đường băng cho A Lưới cất cánh. Hai bên đường, những mô hình kinh tế của đồng bào Cơ Ho, Tà Ôi... đang hiện hữu; những nếp nhà kiên cố lẩn khuất sau những tán rừng xanh tốt…
Lãnh đạo huyện A Lưới bộc bạch: Sau ngày giải phóng, A Lưới hầu như bắt đầu từ con số không trên tất cả lĩnh vực. Cuộc sống của đồng bào thiếu thốn đủ bề, từ thiếu muối, thiếu gạo, thiếu chữ đến thiếu điện, đường, trường, trạm. Đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ, đồng bào DTTS A Lưới mới có ngày hôm nay, no ấm và hạnh phúc.
Nhẩm tính sơ bộ, toàn huyện đã phát triển gần 800ha cà phê, hơn 1.170ha cây cao su, 10.000ha rừng kinh tế... Có thể nói đây là một kỳ tích, nếu như ai đã từng chứng kiến sự tàn phá rừng của bom đạn và chất độc hủy diệt của Mỹ rải thảm xuống núi rừng A Lưới.
Toàn huyện cũng đã xóa được 2.663 nhà tạm, với kinh phí gần 40 triệu đồng/nhà, đồng thời hỗ trợ người dân xây mới 270 nhà khác. Từ 100% hộ dân thuộc diện đói nghèo sau giải phóng, đến nay toàn huyện chỉ còn dưới 15%.
Thu nhập bình quân đầu người hiện đã đạt 27 triệu đồng mỗi năm, sản lượng cây có hạt năm 2020 là 18.100 tấn. Hệ thống giao thông liên hoàn đã được nhựa hóa, bê tông hóa từ trung tâm huyện lỵ đến thôn bản đã làm thay đổi bộ mặt của thôn bản.
Hỏi về chuyện làm giàu, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện A Lưới Hồ Văn Rêm mừng rỡ nói: Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trồng rừng, chăn nuôi, làm du lịch cộng đồng… của bà con với thu nhập rất cao. Nhiều sản phẩm của bà con đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 - 4 sao như thổ cẩm dệt Dèng, chuối già lùn, thịt bò vàng...
A Lưới giờ đây đã nhộn nhịp bước chân du khách. Công trình thủy điện A Lưới đồ sộ cùng những địa danh du lịch sinh thái ở A Roằng, đồi A Bia, thác Anô, Khu bảo tồn Sao La, đường Hồ Chí Minh khang trang bề thế hôm nay qua A Lưới đã làm nô nức lòng dân. Cuộc sống mới trên đỉnh Trường Sơn đang hiện hữu qua bao bản làng.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)