Hồn cốt zèng truyền thống
Đồng bào Tà Ôi hiện có dân số hơn 43.800 người, sinh sống tập trung ở huyện A Lưới (Thừa Thiên - Huế) và các huyện Hướng Hóa, Đa Krông (Quảng Trị). Làng của đồng bào Tà Ôi thường cũng có ngôi nhà rông giữa làng, nơi đây tập trung các công việc lễ hội, các sinh hoạt cộng đồng…
Trong dịp lễ hội A Za năm 2020, nghệ nhân Trần Thị Chừ, ở xã A Đớt (huyện A Lưới) trình diễn kỹ thuật dệt những tấm zèng cực kỳ tinh xảo, đẹp mắt. Cụ Chừ cho biết: Nghề dệt zèng tiếng Tà Ôi gọi là Kahul, đã có từ xa xưa, truyền từ đời này sang đời khác; cha mẹ dạy con cái.
Lão nghệ nhân Ra Pát Thị Nhất, 86 tuổi, ở thôn A Ro (cái “nôi” của nghề dệt zèng), tâm sự: Từ lâu, đồng bào Tà Ôi đã biết trồng bông, đay lấy sợi rồi cán bông, vấn bông, xe sợi... Ban đầu trang phục nhuộm bằng cây, lá sẵn có nơi địa bàn cư trú; chế tác thành thuốc nhuộm tạo màu đen, đỏ, xanh, vàng. Những hạt cườm làm bằng chì, sau đó xếp thành hoa văn rồi dệt thành tấm. Dệt thủ công ngày xưa rất cầu kỳ, người nào chăm chỉ, cả năm mới dệt được 1 tấm vải loại 6m. Nhưng bao đời nay, nghề dệt zèng chỉ nhằm phục vụ nhu cầu may mặc trong gia đình. Phụ nữ mặc áo đơn giản chỉ là gấp đôi tấm vải, thu phần hai bên nhỏ lại để tạo thân, khoét phần cổ để tạo chiếc áo kiểu cổ chui, tay áo ngắn hoặc không tay. Áo và váy dệt đơn giản 2 màu đen, đỏ. Váy của phụ nữ may theo kiểu váy ống, được ghép bằng 2 tấm vải thổ cẩm; tiếng Tà Ôi gọi là xịn (ado tía). Trong gia đình người Tà Ôi ở A Lưới, mỗi người con gái đều có một khung dệt cá nhân. Mỗi người dệt zèng theo mô típ của riêng gia đình; khi về nhà chồng cũng mang theo.
Ngày nay với nếp sống định canh, định cư và trồng lúa nước, người Tà Ôi không trồng bông dệt vải nữa mà mua sợi len, hạt cườm ở chợ, nên chất liệu vải zèng thì có thay đổi. Tuy nhiên, màu sắc, phong cách đặc trưng, bản sắc trang phục của người Tà Ôi không thay đổi. Để tô điểm thêm vẻ đẹp, phụ nữ Tà Ôi hiện còn sử dụng các loại trang sức như vòng/kiềng đeo cổ, còng đeo tay, khuyên tai bằng bạc trắng và chuỗi đá hạt mã não...
Phát triển làng nghề
Nói về kỹ thuật trong nghề, Nghệ nhân Mai Thị Hợp, Giám đốc Hợp tác xã Dệt Zèng - Thổ cẩm thị trấn A Lưới cho biết: Buổi sơ khai, tôi đến các bản làng vận động bà con tham gia học nghề dệt. Năm 2004, xưởng dệt thổ cẩm tại thị trấn A Lưới chỉ có 5 người, thu nhập bình quân mỗi người 1,2 - 1,5 triệu đồng/tháng. Dần dần con số thành viên tăng gấp 10 lần, trong số đó có nhiều người giỏi.
Người Tà Ôi rất tự hào về y phục truyền thống của dân tộc mình. Phụ nữ thường mặc hằng ngày trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Đặc biệt là các dịp Tết cổ truyền, ngày lễ hội, ngày vui (kỵ giỗ, cưới hỏi) trong gia đình, dòng họ, mọi người mặc những bộ trang phục mới và đẹp nhất.
Dệt zèng khó nhất là công đoạn đưa hạt cườm vào tấm vải để tạo nên hoa văn; trên sản phẩm sẽ hiện lên cả hoa văn bằng cườm hòa quyện cùng hoa văn bằng sợi. Đây chính là nét đặc trưng của sản phẩm dệt zèng dân tộc Tà Ôi, khác với hoa văn được tạo bằng chỉ màu. Công đoạn chèn hạt cườm đòi hỏi phải có tay nghề cao mới làm được. Các mẫu hoa văn óng ánh trên tấm zèng đối với người trong nghề mới biết có hơn 70 loại khác nhau; trong số đó, phổ biến nhất là hoa văn hình thoi, hình tam giác, hình đường thẳng; tinh xảo hơn là hoa văn tạo hình thực vật, động vật, đồ vật, ngôi sao...
Người Tà Ôi rất tự hào về y phục truyền thống của dân tộc mình. Phụ nữ thường mặc hằng ngày trong sinh hoạt, lao động sản xuất. Đặc biệt là các dịp Tết cổ truyền, ngày lễ hội, ngày vui (kỵ giỗ, cưới hỏi) trong gia đình, dòng họ, mọi người mặc những bộ trang phục mới và đẹp nhất.