Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Người “truyền lửa” văn hóa truyền thống

Lê Hường - 09:50, 23/10/2021

Ở buôn cổ Ako Dhong TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), cô gái trẻ H’Tit Aliô, dân tộc Ê Đê được cộng đồng đánh giá là điển hình trong việc “truyền lửa” bảo tồn văn hóa truyền thống đến các bạn trẻ.

H’Tit Aliô giới thiệu nhạc cụ truyền thống, cồng chiêng của đồng bào Ê đê.
H’Tit Aliô giới thiệu nhạc cụ truyền thống, cồng chiêng của đồng bào Ê đê.

Trong ngôi nhà nhà sàn truyền thống nằm giữa khu vườn xanh mướt phía cuối buôn, chị H’Tit Aliô (sinh năm 1992), Bí thư Chi đoàn buôn Ako Dhong chất giọng trong veo giới thiệu về lịch sử, đặc trưng về những bộ chiêng, chiếc ghế kpan, ché, gùi, trống, cây nêu… xếp dọc hai bên theo đúng tập tục của người Ê Đê xưa trong ngôi nhà của mình. “Chiêng của các dân tộc có đặc trưng riêng. Chiêng của người Ê Đê mạnh, vang, nhịp điệu dồn dập, còn chiêng của người Gia Rai thanh thoát, nhẹ nhàng…”, H’Tit Aliô chia sẻ.

Sinh ra và lớn lên tại buôn cổ mang đậm văn hóa truyền thống, từ nhỏ H’Tit Aliô đã được nghe người lớn hát dân ca, người già đánh chiêng, người trong buôn cùng múa xoang. Tất cả những nét đẹp văn hóa ấy ngấm vào máu, làm cô mê đắm. Quan sát mọi người biểu diễn và mon men tìm hiểu, H’Tit Aliô càng thêm yêu những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình.

Năm 13 tuổi, H’Tit Aliô được tham gia vào đội cồng chiêng của buôn, với nhiệm vụ hát, múa. Thường xuyên cùng đội cồng chiêng biểu diễn, được giao lưu gặp gỡ nhiều người, càng có cơ hội học hỏi nhiều hơn kiến thức văn hóa truyền thống qua các nghệ nhân lớn tuổi. “Càng tìm hiểu mình càng thấy phải quyết tâm giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống quý báu đó”, H’Tit Aliô nói.

Không chỉ tìm hiểu văn hóa dân tộc thỏa niềm đam mê của bản thân, H’Tit Aliô còn học cách gìn giữ, lưu truyền văn hóa để lan tỏa đến thế hệ trẻ bằng cách tuyên truyền trực tiếp hoặc gián tiếp. Tất cả các buổi sinh hoạt văn hóa, du lịch, H’Tit Aliô đều ghi chép, chụp hình lưu lại những phong tục tập quán của người Ê Đê làm tài liệu, giới thiệu đến du khách.

H’Tit Aliô cho biết, hiện nay, buôn đã thành lập một nhóm cồng chiêng gồm 11 người từ 24 - 85 tuổi. Trong đó, có 5 người trẻ gồm 2 nam, 3 nữ. Nhóm đã được đi biểu diễn rất nhiều nơi trong tỉnh. Để bổ sung kiến thức, kỹ năng, các bạn trẻ trong nhóm cồng chiêng thường xuyên tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng về du lịch văn hóa cộng đồng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức. Ở nhóm cồng chiêng, người trẻ được học hỏi nhiều từ nghệ nhân lớn tuổi để truyền tải các giá trị văn hóa truyền thống lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Phát huy lợi thế là Bí thư Chi đoàn buôn, trong các buổi sinh hoạt Đoàn, H’Tit Aliô thường tổ chức gắn với hoạt động văn hóa truyền thống của dân tộc. “Thanh niên trong buôn phải yêu mến văn hóa dân tộc tìm cách bảo tồn. Muốn phát triển du lịch tại buôn, mọi người không được lãng quên văn hóa dân tộc, thổi bùng ngọn lửa và truyền cảm hứng đến thanh niên khác trong và ngoài buôn”, H’Tit Aliô chia sẻ.

Toàn buôn Ako Dhong có 67 hộ đồng bào Ê Đê. Ngày nay, đồng bào trong buôn vẫn còn giữ được hơn 30 ngôi nhà dài truyền thống, nhiều người dân buôn Ako Dhong vẫn duy trì việc làm rượu cần, dệt thổ cẩm; và vẫn còn những nghệ nhân tâm huyết với văn hóa truyền thống, miệt mài truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.