Một xã có 7 nhóm bảo tồn văn hóa
Minh An có dân số hơn 4.000 người, với 67% là người Dao. Trong đó có 4/7 thôn, bản tập trung người Dao sinh sống. Dù chưa chính thức thành lập CLB, nhưng hiện nay, xã Minh An đang có 7 nhóm bảo tồn văn hóa đang hoạt động, thu hút khoảng 200 thành viên với nhiều thế hệ, lứa tuổi tham gia.
Những năm qua, các CLB thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, luyện tập. Tất cả đều chung mục đích cùng nhau giữ gìn, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Để duy trì hoạt động, các nhóm đã tự đóng góp kinh phí.
Các hoạt động, các buổi sinh hoạt tập trung vào việc bảo tồn, lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc Dao, như: mở lớp truyền dạy chữ viết Nôm Dao, dạy những làn điệu dân ca, hướng dẫn những điệu múa truyền thống, cách thêu hoa văn thổ cẩm…Các lớp đều do các nghệ nhân ở địa phương tự nguyện truyền dạy miễn phí.
Là người am hiểu văn hóa Dao, giỏi và tâm huyết với chữ Nôm Dao, nắm rõ từng nghi lễ thờ cúng, ông Dương Trung Vi đã sưu tầm, lưu giữ được nhiều sách cổ. Được sự động viên của các nghệ nhân, cùng với lòng nhiệt huyết, những năm gần đây, ông Vi cùng với một số nghệ nhân trong xã đã tự mở nhiều lớp học chữ Nôm Dao miễn phí cho lớp trẻ trong bản.
Theo ông Vi, vì chưa có bộ tài liệu giảng dạy bài bản, người dạy thường lấy tài liệu trong các bài cúng để dạy cách đọc, cách viết, giải nghĩa chữ Nôm Dao. Chữ Nôm Dao là loại chữ khó viết, khó học, nên đòi hỏi người tham gia học phải kiên trì, chịu khó. Những người dạy và học đều tranh thủ vào các buổi tối. Mỗi lớp học thường kéo dài 2 - 3 năm thì mới có thể đọc thông viết thạo. Ngoài tham gia lớp học, các học viên còn thường xuyên đi theo các thầy tham gia các lễ như tết nhảy, lễ cấp sắc để học từ thực tiễn.
Trân trọng và tự hào bản sắc văn hóa
Bên cạnh những nỗ lực bảo tồn chữ Nôm Dao, đồng bào luôn ý thức giữ gìn những nét văn hóa truyền thống, nhất là trang phục truyền thống. Phụ nữ người Dao ở xã Minh An đã lập thành các nhóm nhỏ tại các thôn, bản, những lúc rảnh rỗi hay buổi tối, các bà, các chị lại cùng nhau ngồi thêu cho mình và người thân những bộ trang phục truyền thống, đồng thời truyền dạy cho lớp trẻ.
Bà Triệu Thị Duyên sinh ra và lớn lên ở xã Minh An. Từ bé, bà đã được mẹ dạy cách thêu. Lớn lên bà đi học và trở thành cô giáo. Những năm tháng là giáo viên đứng trên bục giảng, nhưng bà vẫn không quên và vẫn tự tay thêu cho mình và người thân những bộ quần áo người Dao. Sau khi nghỉ chế độ, ngoài thêu trang phục cho gia đình, bà còn dành nhiều thời gian truyền dạy lại cho lớp trẻ.
“Tôi cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với dân tộc mình. Mình biết thêu, mình phải dạy lớp trẻ thêu để truyền đời này sang đời khác, nếu không lớp già qua đi sẽ không còn ai biết thêu. Việc thêu hoa văn của người Dao cần phải lưu giữ, để có được những bộ trang phục đúng truyền thống người Dao, để tham dự các ngày lễ, ngày tết thể hiện sắc màu dân tộc mình…”, bà Duyên bộc bạch.
Văn hóa, văn nghệ cũng là món ăn tinh thần không thể thiếu được trong đời sống của đồng bào Dao nơi đây. Mỗi khi rảnh rỗi, các nghệ nhân người Dao ở xã Minh An lại tập trung tại Nhà văn hóa, cùng sưu tầm và ôn lại những bài dân ca cổ để hát mỗi khi tết đến Xuân về, hay dịp lễ cấp sắc, lễ vào nhà mới, đám cưới…
Các nghệ nhân còn sáng tác lời mới có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước đổi mới, lao động sản xuất mùa vụ, ca ngợi tình bạn, tình yêu đôi lứa, lời răn dạy ... Những câu hát dân ca Dao thường giản dị, mộc mạc nhưng đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Dao.
Đứng trước nguy cơ bị mai một bởi nhiều người không còn biết hát, một số nghệ nhân người Dao ở xã Minh An đã họp bàn tổ chức truyền dạy cho lớp trẻ. Đội văn nghệ các thôn, bản thường xuyên tổ chức theo nhóm, phân công nghệ nhân biết hát, biết điệu múa truyền thống để truyền dạy cho các thành viên về các làn điệu páo dung, tộ dung, một số điệu múa truyền thống như múa chuông, múa bắt ba ba, múa kiếm, múa đao...
Nhờ đó mà những năm gần đây, nhiều người trẻ tuổi đã biết hát dân ca, những điệu múa truyền thống dân tộc Dao. Và, ngoài biểu diễn trong lễ cấp sắc, đám cưới, vào nhà mới, những điệu hát, bài múa còn được đem đến các hội thi nghệ thuật quần chúng hay biểu diễn phục vụ các ngày lễ lớn, ngày tết tại địa phương.
Để công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao thêm hiệu quả hơn, UBND xã Minh An đã phân công ông Dương Đức Tơ, nguyên Bí thư Đảng ủy, nay là Chủ tịch Hội người Cao tuổi xã Minh An phụ trách việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở Minh An.
Ông Tơ cho biết: "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho đồng bào Dao ở đây thành lập các CLB như: CLB múa, hát Dao; CLB thêu văn hoa thổ cẩm; CLB yêu thích chữ Nôm Dao… Đặc biệt, được sự quan tâm của UBND tỉnh Yên Bái, tới đây sẽ mở lớp dạy chữ Nôm Dao tại xã, chúng tôi sẽ vận động tất cả các lứa tuổi và phụ nữ tham gia lớp học này".
Có thể thấy rằng, phong trào gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Dao ở xã Minh An thể hiện niềm tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm trong gìn giữ bản sắc văn hóa. Đây là yếu tố quan trọng, giúp người Dao bảo tồn, mãi lưu truyền được mạch nguồn văn hóa- tài sản quý báu của cha ông đến thế hệ mai sau.